TP. HCM có kế hoạch biến hai bãi rác thành khu đô thị
Thứ hai, 10/01/2022
Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, trong năm 2022 sẽ cải tạo hai bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho biết Sở đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp tăng cường xử lý rái thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện; bên cạnh đó là các hoạt động tái chế. Đồng thời, hiện đơn vị cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xử lý chất thải y tế và chất thải công nghiệp. Mục tiêu đặt ra là xử lý ít nhất 80% rác thải sinh hoạt đến năm 2025 và 100% tới năm 2030.
TP. HCM có kế hoạch cải tạo hai bãi rác Gò Cát và Đông Thạnh thành khu đô thị nhằm nâng cấp chất lượng môi trường sống cho người dân.
Về kế hoạch cải tạo hai bãi rác Gò Cát (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn), đơn vị đang kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực. Hiện đã có hơn 10 đơn vị gửi hồ sơ về Sở. "Các ý tưởng cải tạo đa dạng gồm xây dựng công viên khoa học, du lịch sinh thái, tạo quỹ đất sạch để hình thành khu đô thị mới, xây nhà máy đốt rác phát điện...", đại diện Sở TN&MT cho biết.
Hiện đơn vị đang xem xét các hồ sơ, bao gồm cân nhắc các hình thức thu hồi vốn của các dự án đầu tư liên quan quỹ đất sạch sau cải tạo. "Sở TN&MT sẽ chủ động phối hợp với các sở - ngành liên quan làm việc với các nhà đầu tư, đề xuất UBND TP.HCM phương án xử lý ô nhiễm môi trường tại hai bãi chôn lấp Đông Thạnh, Gò Cát trong khi chờ xem xét, điều chỉnh quy hoạch", ông Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh.
Về các công tác quản lý môi trường, đại diện Sở TN&MT TP. HCM cho hay đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ các đề án về hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập chuyển đổi mô hình hoạt động thành HTX hoặc DN có tư cách pháp nhân. Hiện các quận, huyện và TP. Thủ Đức đang tiếp tục sắp xếp, vận động thêm 84 đường dây thu gom rác dân lập vào các HTX hoặc DN với tỷ lệ chuyển đổi rác dân lập đạt 92,8%. Trong đó Đề án "Phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được phê duyệt nhằm xây dựng các trạm quan trắc tự động, cập nhật dữ liệu liên tục giúp khắc phục, dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường, tiến tới cung cấp thông tin về chất lượng môi trường cho người dân. Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng mức đầu tư dự kiến là 495 tỷ đồng.
Thanh Thanh