[In trang]
Doanh nghiệp hướng tới sản xuất xanh để phát triển bền vững
Thứ hai, 10/01/2022
Hiện nay, sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp hướng tới, nhằm đáp ứng với yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở cả thị trường trong và ngoài nước.
Hiện nay, sản xuất xanh đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp hướng tới, nhằm đáp ứng với yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở cả thị trường trong và ngoài nước.
​Sản xuất xanh là quy trình sản xuất mà từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra đều thân thiện với môi trường và không gây nguy hại cho sức khỏe con người. Trước những tác động của biến đổi khí hậu, trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt,… làn sóng tiêu dùng xanh đang lan rộng trên toàn cầu thì sản xuất xanh là xu thế tất yếu và là một mắt xích quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh.
Tại Việt Nam, sản xuất xanh đang là một mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững. Tham gia vào chiến dịch sản xuất xanh thân thiện môi trường và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chú trọng hơn sử dụng nguồn nguyên vật liệu tự nhiên, nhiên liệu, hóa chất không gây độc hại; đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ, trang thiết bị dây chuyền sản xuất hiện đại theo các tiêu chuẩn quốc tế để cải tiến quy trình, hướng tới sản xuất xanh. Đồng thời, lựa chọn đầu tư lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo để chủ động sử dụng năng lượng sạch, bên cạnh các giải pháp tiết kiệm năng lượng điện, nước trong quá trình sản xuất… cũng như lắp đặt hệ thống quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và hệ thống xử lý chất thải, hướng đến các tiêu chí sản xuất xanh, sạch…
Các doanh nghiệp Dệt May đẩy nhanh triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường
Trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm gần đây, tại Việt Nam đã hình thành nên các trang trại xanh, có phương án sản xuất khoa học, tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt; phát triển sản xuất gắn liền với tạo lập môi trường sinh thái bền vững, đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân tại các địa phương đã tham gia các hợp tác xã sản xuất rau sạch theo hướng hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học và các loại thuốc trừ sâu, cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Điển hình như tại Công ty TNHH Huy Long An, từ cây ăn trái như chuối, bưởi, sầu riêng đến chăn nuôi bò Úc, bò Nhật, con tôm… đều được doanh nghiệp áp dụng theo mô hình sản xuất sạch liên hoàn, khép kín theo tiêu chuẩn thấp nhất là VietGAP, nhờ vậy, Công ty đã phát triển trang trại ngày càng chất lượng, lớn mạnh và trở thành đối tác quan trọng để nhập khẩu chuối Fohla của thị trường Nhật Bản…
Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, sản xuất xanh đã và đang lan tỏa sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, thương mại… mang lại nhiều lợi ích thiết thực, cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình.
Đối với ngành Dệt May, trong những năm gần đây, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đã đẩy mạnh triển khai mô hình sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cho các doanh nghiệp thành viên. Cụ thể, các doanh nghiệp phải giảm chất thải phát sinh, thay đổi thói quen và công nghệ sử dụng năng lượng hóa thạch sang nguồn năng lượng sinh học, năng lượng tái tạo… Bên cạnh đó, Vitas cũng phối hợp với Tổ chức Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) triển khai dự án “Xanh hóa ngành Dệt May Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững” nhằm thúc đẩy cải thiện chất lượng nguồn nước và sử dụng năng lượng bền vững. Đồng thời, hỗ trợ được nhiều hơn cho các khu công nghiệp trong việc tiếp cận gói “tín dụng xanh” để đầu tư khu công nghiệp dành riêng cho ngành Dệt May. Hiện đã có hơn 70 doanh nghiệp trong ngành, trong đó có nhiều doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài tham gia cùng ký cam kết chung để đạt được tầm nhìn và mục tiêu bền vững ngành Dệt May Việt Nam.
Trong lĩnh vực ô tô, xe máy, năm 2008, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VINFAST - một thành viên của Tập đoàn Vingroup đã ra mắt các sản phẩm xe đạp điện và các mẫu thiết kế cho dòng xe ô tô điện cũng đã đánh dấu bước đột phá mới cho xu hướng sản xuất xanh của ngành công nghiệp ô tô, xe máy tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, khách sạn, du lịch, hiện nay có không ít doanh nghiệp ưu tiên sản xuất, phân phối, sử dụng các sản phẩm “xanh” như bao bì, vật dụng bằng chất liệu thân thiện môi trường thay vì chất liệu nylon, nhựa sử dụng một lần… Tại Công ty Unilever Việt Nam, doanh nghiệp này cũng đã khởi xướng và xây dựng mô hình sản xuất xanh bằng nhiều hình thức khác nhau, bắt đầu từ việc phân loại và thu gom rác thải nhựa. Đây là khâu quan trọng giúp thu gom và đưa nhựa trở lại phục vụ nền kinh tế, giúp cắt giảm đáng kể lượng khí thải carbon từ quá trình sản xuất nhựa. Theo thống kê, hiện nay, Unilever Việt Nam đã giảm 55% nhựa nguyên sinh, 62% bao bì sản phẩm có thể tái chế và 100% bao bì nhựa cứng đều có sử dụng nhựa tái chế. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có kế hoạch thực hiện loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trong công thức của các sản phẩm tẩy rửa và giặt giũ. Tính đến nay, khoảng 96% sản phẩm chăm sóc gia đình của Unilever Việt Nam có thành phần có thể phân hủy sinh học.
Có thể thấy rằng, trước xu thế tiêu dùng xanh, sống xanh đang phát triển mạnh mẽ, việc hướng tới mô hình sản xuất xanh chính là giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp đón đầu xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời, tham gia được vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, tập đoàn quốc tế, tạo ra sự tăng trưởng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Đây cũng là tấm giấy thông hành giúp các doanh nghiệp trong nước thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…
Rõ ràng, lợi ích mà sản xuất xanh mang lại là rất lớn, tuy nhiên, để áp dụng vào thực tế thì lại không hề dễ dàng bởi nó đòi hỏi phải nguồn kinh phí không nhỏ để đầu tư máy móc thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực.... Do vậy, để thực hiện các mô hình sản xuất xanh, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân doanh nghiệp thì cũng rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành những cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phù hợp, tạo các hành lang pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các mô hình sản xuất xanh và bền vững.
Theo: Công nghiệp và Tiêu dùng