[In trang]
Xanh hóa tăng trưởng từ góc nhìn đồng bằng sông Cửu Long
Thứ ba, 21/12/2021
Việt Nam đã sớm có hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ Nghị quyết 120, ngày càng nhiều các mô hình chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu ra đời.
Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đang đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. COP26, Hội nghị lớn nhất về khí hậu vừa diễn ra tại Glasgrow (Vương Quốc Anh) đã chứng kiến cam kết lịch sử của các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới trong vấn đề kìm hãm sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C.   
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính, cùng với sự hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ của cộng đồng quốc tế, để đạt mức phải thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Cam kết này thể hiện rõ quyết tâm của chúng ta trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, không phải đợi đến COP26 Việt Nam mới hành động. Từ trước đó, Đảng, Chính phủ đã có những quyết sách quan trọng nhằm đối phó với vấn đề. Cụ thể, Nghị quyết số 120/NQ-TTg về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã ra đời từ năm 2017. Nghị quyết được đánh giá là ra đời rất kịp thời và có tính bước ngoặt. Nghị quyết 120 xác định chiến lược phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo hướng "thuận thiên"; định hướng tái cơ ngành nông nghiệp theo thứ tự ưu tiên thủy sản - trái cây - lúa, đồng thời tạo cơ hội đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng công nghệ cao, bền vững. Từ sự tinh thần của Nghị quyết, các mô hình nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu ngày một nở rộ. 
Hợp tác xã dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã chuyển đổi mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm theo hướng hữu cơ và an toàn nhằm thích ứng với tình hình mới.
Tỉnh Cà Mau là địa phương có diện tích lớn giáp biển và chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của xâm nhập mặn, các hình thái thiên tai bất thường. Do đó, từ nhiều năm nay Hợp tác xã dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã chuyển đổi mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm theo hướng hữu cơ và an toàn. 
Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc HTX cho biết đơn vị có 750 ha sản xuất lúa-tôm. Tại đây, mô hình nuôi trồng hoàn toàn tuân thủ quy trình. Trong sản xuất lúa, nông dân không sử dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu. Còn trong vụ nuôi tôm, những vi sinh vật có trong ruộng lúa, cùng rơm, rạ phân hủy trở thành phù du, làm thức ăn cho con tôm phát triển, không cần sử dụng thức ăn công nghiệp. Với mật độ thả thưa, môi trường sạch, con tôm phát triển khỏe mạnh, môi trường sau thu hoạch tôm cũng an toàn cho cây lúa vụ sau. Hằng năm, Hợp tác xã Trí Lực cung ứng cho thị trường từ 5 đến 10 tấn gạo, với giá bán khá cao từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg, rất được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Trái chuối của Công ty TNHH Huy Long An vượt qua hơn 140 tiêu chuẩn an toàn thực phẩm để đến tay người tiêu dùng Nhật Bản.
Một ví dụ khác từ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp nhờ thay đổi cách làm theo chuẩn. Công ty TNHH Huy Long An là một trong những đơn vị thành công xuất khẩu sản phẩm cây ăn trái chủ lực của địa phương như chuối, bưởi, sầu riêng... Riêng đối với trái chuối, hiện doanh nghiệp đang bao tiêu hơn 200ha tại Long An và Tây Ninh để đem đi xuất khẩu Nhật Bản. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc công ty cho biết từ khi gia nhập CPTPP, sản phẩm của doanh nghiệp càng có cơ hội xuất khẩu đi nhiều thị trường với giá cạnh tranh hơn. 
Tuy nhiên, để nắm bắt cơ hội này, doanh nghiệp cũng đã phải nỗ lực nhiều trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tuân thủ chặt chẽ hơn 140 tiêu chí an toàn thực phẩm do thị trường Nhật Bản đề ra. Trong số đó, bao gồm các hoạt động ghi chép nhật kí sản xuất hàng ngày, vật tư sản xuất chỉ có những hoạt chất được Nhật Bản cho phép sử dụng. Với mỗi lô hàng được chuyển sang thị trường Nhật Bản, đều được đội ngũ nhân viên kiểm tra, sàng lọc các tạp chất, độ đồng đều, cũng như chất lượng theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp kết hợp chăn nuôi bò thịt giống Australia tại các trang trại với đệm lót sinh học từ mụn dừa và chế phẩm vi sinh xử lý trực tiếp phân bò tại chuồng, tạo môi trường sống sạch cho con bò. Cũng từ cách làm này, nguồn chất thải từ con bò thịt trở thành nguồn phân vi sinh với khối lượng lên hàng chục nghìn tấn, quay sang phục vụ cho vườn chuối của ông Huy.
Với cách tư duy sản xuất tuần hoàn, khép kín, theo chuẩn như thế này, các sản phẩm của công ty đều đã đạt tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn VietGAP. Các chứng nhận đã phát huy giá trị đặc biệt trong giai đoạn COVID-19 vừa qua, khi chuỗi cung ứng nhiều nơi đứt gãy, nhiều doanh nghiệp không thể tìm được đầu ra thì sản phẩm của ông Huy vẫn được người tiêu dùng địa phương và vùng lân cận ưu tiên lựa chọn vì đã có uy tín sẵn. 
Thanh Thanh