Ngoài những di sản văn hoá và tự nhiên nổi tiếng thế giới, nông nghiệp hữu cơ đã và đang trở thành những điểm thu hút du lịch, tạo dấu ấn đậm nét cho thành phố Hội An.
Đậm dấu ấn với nông nghiệp hữu cơ
Khi đến thăm Hội An, ngoài Khu phố cổ, Di sản văn hóa thế giới và Cù Lao Chàm, Vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) cùng với một số trang trại, vườn canh tác hữu cơ và theo hướng hữu cơ là những lựa chọn ưa thích của du khách khi đến với thành phố du lịch nổi tiếng này. Đến đây, du khách và cả người dân địa phương không khỏi thích thú với những nông sản hữu cơ đạt chuẩn PGS, có thể hái “ăn ngay tại vườn”, mà còn được tìm hiểu thế nào là canh tác hữu cơ.
Thích thú nhất có lẽ là các bạn nhỏ, vừa được tham quan vườn, vừa được thực hành nhổ cỏ, hái rau… “So với việc chỉ nhìn trên đĩa thì được cầm, nắm, nếm thử những loại rau, củ mình tự hái sẽ cho các cháu trải nghiệm đồng ruộng thú vị hơn nhiều”, bác Nguyễn Văn Chức, thành viên nhóm sản xuất rau hữu cơ Thanh Đông, HTX Rau hữu cơ và Du lịch Thanh Đông (xã Cẩm Thanh) cho biết.
Vườn rau hữu cơ là điểm tham qua hấp dẫn với du khách và người dân địa phương, đặc biệt với các bạn nhỏ. Ảnh: Fb Organic Hội An.
Được thành lập từ cuối năm 2013 và chính thức nhận chứng nhận sáu tháng sau đó, vườn Thanh Đông là mô hình sản xuất rau hữu cơ đạt chuẩn đầu tiên tại Hội An. Vườn có diện tích trên 6.360m2, gồm 9 nông dân cùng tham gia sản xuất. Tại thời điểm trước dịch bệnh, diện tích canh tác đã được mở rộng lên hơn 01ha - đây là điểm đến thường xuyên của khách du lịch, các đoàn công tác và các em sinh viên học sinh muốn trải nghiệm du lịch cộng đồng kết hợp tìm hiểu về nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường.
Bác Nguyễn Văn Chức chia sẻ, vườn trước kia chỉ để trồng màu một năm hai vụ, chủ yếu rau lang, ngô, lạc... chỉ thêm được vài triệu một năm. Từ ngày tham gia sản xuất hữu cơ, thu nhập trung bình tăng thêm từ 2-5 triệu/tháng. Chưa kể các khoản phụ thêm từ du lịch. “Cái được nhất”, theo bác Chức, “là sức khỏe của gia đình đảm bảo, không phải tiếp xúc với hóa chất, được ăn các sản phẩm hữu cơ, và quan trọng hơn là giữ được đất sạch, môi trường trong lành cho thế hệ tương lai”.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hội An cho biết mô hình nông nghiệp hữu cơ có khởi nguồn từ dự án “Xây dựng và phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Cẩm Thanh” do chính quyền thành phố thực hiện cùng sự giúp sức của Trung tâm Hành động vì Sự phát triển đô thị. Sau thời gian tìm hiểu mô hình đã khá thành công tại Hà Nội, nhận thấy việc trồng rau hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS được IFOAM công nhận là phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế xanh của thành phố, tạo thêm điểm nhấn cho du lịch nên UBND thành phố Hội An đã tích cực thúc đẩy phát triển từ năm 2013.
Hành trình bền bỉ
Theo bà Trần Thị Hồng Trang, Phó Giám đốc Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp thành phố Hội An, đơn vị phụ trách quản lý hoạt động của Ban điều phối PGS Hội An, phát triển nông nghiệp hữu cơ tại đây có những khó khăn và thuận lợi đặc thù. Thuận lợi là chính quyền Thành phố rất ủng hộ. Nhưng khó khăn cũng không ít.
“Các khó khăn đến từ nhiều yếu tố, từ môi trường, thổ nhưỡng, đến tập quán tiêu dùng, canh tác của người dân… khiến việc phát triển mô hình trồng rau hữu cơ tại Hội An khá vất vả trong giai đoạn đầu”, bà Trần Thị Hồng Trang chia sẻ.
Theo bà Trang, thành phố Hội An không có điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi các điều kiện về đất, nước và quy trình canh tác rất đặc thù. Thành phố có một phần lớn diện tích giáp biển, là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão, lũ và biến đổi khí hậu khiến diện tích đất nông nghiệp không ổn định, nhiều nơi nhiễm mặn, một số vùng không thể canh tác nhiều tháng trong năm do ngập nặng...
Thêm vào đó, thị trường rau hữu cơ thực tế cũng chỉ mới phát triển vài năm gần đây. Trước đó, đa số người dân vẫn còn lạ lẫm với các loại rau không hóa chất nhưng hình thức kém “bắt mắt”, giá thành lại cao so với rau ngoài chợ. Các yếu tố này khiến phát triển kinh tế từ đồng ruộng trở thành lựa chọn thứ yếu đối với người dân địa phương, đặc biệt là với lao động trẻ.
Thành phố đã tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, thêm nguồn sinh kế bền vững cho người dân và hỗ trợ xây dựng hình ảnh Hội An - Điểm đến xanh. Ảnh: Fb Organic Hội An.
Tuy nhiên, không vì thế mà Thành phố từ bỏ nông nghiệp hữu cơ, ông Nguyễn Thế Hùng khẳng định. Chính ông Hùng, khi đang là Bí thư xã Cẩm Thanh, đã cùng một số cán bộ khác đi vận động người dân tham gia vào mô hình sản xuất rau hữu cơ tiêu chuẩn PGS.
Bên cạnh việc vận động sản xuất, địa phương cũng hỗ trợ các nhóm nông dân chi phí vật tư ban đầu làm nhà vườn, nhà sơ chế, xây dựng hệ thống kênh mương theo tiêu chuẩn, mua sắm các bộ kit test, tập huấn… Đặc biệt, thành phố đã giúp xây dựng và quảng bá hình ảnh thương hiệu rau hữu cơ Hội An với tên gọi Organic Hội An; xây dựng hệ thống tiếp thị điện tử gồm website và fanpage; thực hiện phát triển sản xuất theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; kết nối người nông dân với các doanh nghiệp địa phương và vùng lân cận tổ chức tiêu thụ sản phẩm, bán tour du lịch trải nghiệm trên đồng ruộng.
Những tín hiệu tích cực
Từ những nỗ lực trên, đến nay mô hình nông nghiệp hữu cơ tại Hội An đã dần mở rộng với hai liên nhóm, gồm 25 nông dân cùng tham gia sản xuất, hình thành các trang trại, các vườn canh tác hữu cơ và theo hướng hưu cơ với quy mô diện tích canh tác mở rộng hơn 4 ha tại các xã Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Cẩm Kim, Cẩm Châu. Từ chỗ chỉ tập trung sản phẩm rau, củ, quả nay đã bắt đầu triển khai sản xuất lúa hữu cơ. Trung bình mỗi tháng các nhóm cung cấp từ 1-1,5 tấn rau và màu cho hệ thống thực phẩm sạch và nhà hàng tại Hội An, Đà Nẵng như Xanh Shop, Joly Mart, Go Organic, Mango, The Field… cũng như cung cấp đến tận tay người tiêu dùng trong thành phố.
Bà Trần Thị Hồng Trang cho biết ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm đến các sản phẩm hữu cơ tại địa phương. “Có nhiều người gọi điện trực tiếp đến nhà vườn để đăng ký mua rau theo tháng. Họ chấp nhận trả tiền trước cả tháng để có những bó rau hữu cơ tươi ngon”. “Đây là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng đang thay đổi nhận thức, sẵn sàng chi tiêu giá trị tương xứng với sản phẩm nhận được, là động lực để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ thành phố phát triển”, bà Trang tin tưởng.
Tín hiệu tích cực khác về xu hướng phát triển của thị trường, bà Trang chỉ ra, đó là sự xuất hiện nhiều hơn của các doanh nghiệp, nhà vườn cá thể tham gia vào sản xuất theo quy trình hữu cơ như Heal Organic Farm (Cẩm Châu), An Farm, KiBiMơ Garden (Cẩm Hà), Vườn rau hữu cơ Đồng Giá (Cẩm Thanh)...
Sơ chế rau trước khi cung cấp ra thị trường. Ảnh: Fb Organic Hội An.
Theo Phó Chủ tịch UBND Tp.Hội An, việc phát triển nông nghiệp sạch là chủ trương hoàn toàn phù hợp với định hướng xây dựng Thành phố sinh thái cả về trước mắt lẫn lâu dài. Trong thời gian qua, từ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP, phát triển kinh tế hợp tác và từ ngân sách địa phương, thành phố đã hết sức tạo điều kiện để hỗ trợ phát triển mở rộng nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động du lịch, thì xây dựng những mô hình kinh tế tại chỗ, ít phụ thuộc hơn từ bên ngoài theo hướng bền vững như nông nghiệp hữu cơ là rất cần thiết vì giữ được sự ổn định.
“Hội An đang có kế hoạch phối hợp triển khai đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ ra các xã phường trên địa bàn Thành phố, trong đó, hai xã Cẩm Thanh và Cẩm Kim sẽ trở thành vùng nông nghiệp hữu cơ trọng điểm. Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ tích cực đẩy mạnh truyền thông, kết nối mạng lưới, quảng bá thương hiệu “Hội An Organic” và Hệ thống chứng nhận PGS Hội An”, “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn liền với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch giáo dục là những nội dung quan trọng trong kế hoạch xây dựng và quảng bá thương hiệu Hội An - Điểm đến xanh, theo nội dung kế hoạch phát triển du lịch xanh của tỉnh Quảng Nam đến năm 2025”, ông Hùng chia sẻ.