Với mục tiêu nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp ngành chế biến cao su của tỉnh về lợi ích của sản xuất sạch hơn (SXSH) trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cải thiện hiệu quả hoạt động về mặt kinh tế và môi trường của nhà máy, Nhà máy chế biến cao su Xuân Lập (TCT Cao su Đồng Nai) đã áp dụng thí điểm phương pháp SXSH dưới sự hướng dẫn của Trung tâm quan trắc (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) cùng các chuyên gia về SXSH (thuộc ĐH Bách khoa TP.HCM). Bước đầu dự án đã thu được những kết quả khả quan, góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Với đặc thù của ngành sản xuất, chế biến cao su là sử dụng rất nhiều nước và hóa chất nên khí thải, nước thải thải ra thường gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường. Vì thế, giải pháp SXSH ở nhà máy đặt trọng tâm vào việc giảm lượng nước đầu vào và hạn chế sử dụng hóa chất ở các khâu sản xuất. Theo hướng dẫn của các chuyên gia, 64 giải pháp SXSH bao gồm từ nâng cao nhận thức công nhân, quản lý nội vi, điều chỉnh thiết bị, kiểm soát quá trình sản xuất tốt hơn, thay đổi hóa chất ít độc hại hơn, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng đã được chuyển giao cho CSĐN từ tháng 9/2007. Sau gần 3 tháng, nhóm SXSH tại nhà máy đã thực hiện 34 giải pháp và bước đầu thu được những kết quả nhất định.
Để phát hiện các khâu sản xuất gây tổn hao nước nhiều nhất, nhà máy đã lắp đồng hồ nhánh thay cho đồng hồ tổng như trước đây. Qua đó, nhà máy đã phát hiện được khâu ly tâm và vệ sinh khu vực bồn chiết mủ cao su gây lãng phí nước nhiều nhất. Từ đó đã có những biện pháp xử lý thích hợp bằng cách thay thế tất cả các ống dẫn nước tiết diện lớn bằng ống tiết diện nhỏ để tăng áp lực nước và sử dụng nước ít hơn nhưng rửa sạch hơn và mỗi đầu đều lắp đặt van khóa nước... Nhờ đó, ở 2 công đoạn sản xuất dùng nhiều nước nhất đã tiết giảm được đến 50% lượng nước tiêu dùng so với trước.
Ưu điểm của biện pháp SXSH là làm giảm chi phí sản xuất, giảm thải ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận và nâng cao hình ảnh công ty.
Để hạn chế việc sử dụng hoá chất trong quá trình sản xuất nhằm giảm tải lượng ô nhiễm trong nước thải và chi phí xử lý nước thải, nhà máy đã tiến hành thực hiện một loạt các giải pháp SXSH như: nối dài ống hút tháo đáy tại bồn tiếp nhận; những ống bơm mủ thành phẩm trước đây là những ống dài nên dễ xảy ra tình trạng bị nghẹt đã được khắc phục bằng cách thay thế bằng nhiều đoạn ống ngắn nối lại; thu hồi triệt để nước rửa đầu tiên và mủ còn sót trong hồ tiếp nhận, tách bùn cặn trước khi đánh đông cùng với mủ skim; kết hợp 2 dòng thải từ xưởng mủ skim dư kiềm và xưởng mủ đông dư acid để thu hồi cao su hiệu quả hơn đã giảm lượng hóa chất sử dụng để điều chỉnh pH trong xử lý nước thải và giảm mùi hôi trong khu vực sản xuất…
Nhờ đó, sau 3 tháng thực hiện các biện pháp SXSH, định mức tiêu hao nước chung của nhà máy giảm dần từ 16,5m3/T sản phẩm (tháng 10) xuống 12,8 m3/T sản phẩm (tháng 12). Suất tiêu hao nước cho xưởng mủ khối giảm được 30% nước tiêu thụ, xưởng mủ kem giảm 32%. Suất tiêu hao điện tại trạm xử lý nước thải giảm 25%, từ 26,5kWh/T sản phẩm tổng cộng (tháng 9) xuống còn 20kWh/T sản phẩm tổng cộng (tháng 12) cho thấy phần nào giảm được lưu lượng và tải lượng ô nhiễm. Chất lượng nước thải sau xử lý đạt yêu cầu ngoại trừ vi sinh. Nhờ đó nhà máy cao su Xuân Lập đã tiết kiệm hàng trăm triệu đồng gồm nước, điện và dầu DO.
Liên Hương