Từ ngày đầu khởi nghiệp, nhiều bạn trẻ chọn cho mình hướng đi sản xuất sạch, phù hợp yêu cầu của thị trường hiện nay. Vì vậy, sản phẩm do họ làm ra luôn được khách hàng đón nhận.
Anh Nguyễn Hữu Huy Hào (SN 1995, ngụ tỉnh Cà Mau) là một trong những thanh niên “dám nghĩ, dám làm” khi nảy ra ý tưởng biến bùn thải thành đất sạch. Hiện nay sản phẩm đất sạch thương hiệu NaTa của công ty Hào được bán rộng rãi trên thị trường.
Anh Nguyễn Hữu Huy Hào bên vườn dưa lưới trồng trong nhà kính sắp thu hoạch.
Khi còn là sinh viên của Khoa Môi trường thuộc Trường ĐH Cần Thơ, Hào nhận thấy nước thải từ các công ty thủy sản sau khi xử lý thì đạt chuẩn để thải ra môi trường, còn lại chất cặn lắng đọng. Chất cặn này chứa rất nhiều hữu cơ nhưng để lâu ngày không được xử lý sẽ gây ô nhiễm đất và nước ngầm. Hào đã nghĩ sẽ tận dụng bùn thải lắng đọng đó làm ra đất sạch, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Từ đó, Hào cùng với một người bạn học tại Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ nghiên cứu thành công dự án biến bùn thải thành đất sạch và đoạt giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” nằm trong Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan. Tiếp tục, dự án này đoạt giải nhì cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên” lần thứ nhất do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức vào năm 2017.
Năm 2018, Hào thành lập Công ty TNHH Xử lý môi trường Nguyễn Trần chuyên xử lý bùn thải thành đất sạch hoặc phân bón. Hiện nay, công ty của Hào đã liên kết với nhiều doanh nghiệp thủy sản tại Cà Mau vì nơi đây có lượng bùn thải ổn định để làm nguồn nguyên liệu đầu vào. Với bùn thải, Hào dùng công nghệ vi sinh, ủ và khử khuẩn để biến thành đất sạch hoặc phân. Quy trình tái chế bùn thải thành đất sạch trải qua 3 giai đoạn gồm: tách nước, khử UV và bổ sung vi sinh cho thành sản phẩm mà khách hàng yêu cầu như đất hoặc phân.
Năm 2018, sản phẩm đất sạch hữu cơ NaTa của Hào được nhiều cơ quan chức năng tại Cần Thơ hỗ trợ quảng bá sản phẩm nên đến nay đã có nguồn khách ổn định. Trung bình mỗi tháng, công ty của Hào bán từ 20-30 tấn hữu cơ khô và đất trồng. Nhiều nông trại ở Đồng bằng sông Cửu Long, tin tưởng dùng đất hữu cơ NaTa cho cây trồng. “Bùn thải trong công ty chế biến tôm có đầu, vỏ, chỉ tôm… phần này được xử lý thành đất trồng thì giàu dinh dưỡng là hữu cơ. Ngoài việc tốt cho cây trồng, nếu những vùng đất bạc màu được bón đất làm từ bùn thải sẽ khôi phục lại dinh dưỡng, rất thân thiện với môi trường”, chàng trai trẻ chia sẻ.
Mô hình nuôi lươn sạch đem về lợi nhuận hơn 500 triệu đồng/năm.
Đến xã Vĩnh Xuân (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) hỏi cô gái trẻ Chung Thị Mỹ Phương, không ai không biết đến cô chủ 24 tuổi thành công khi khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn. Theo lời Phương, trong một lần tình cờ cùng người bạn vào Khoa Thuỷ sản của ĐH Cần Thơ, Phương phát hiện tài liệu nói về con lươn. Từ đó, Phương chăm chỉ nghiên cứu về loài này. Lúc này, Phương đang học đàn guitar tại một Trường Cao đẳng ở Cần Thơ nhưng đã quyết tâm về quê khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn sạch.
Với số tiền vốn ban đầu chỉ có 30 triệu đồng, Phương đã mua con giống, bạt phủ trên diện tích vỏn vẹn 12 m2 đất để nuôi. Ở vụ đầu, chị nuôi 4.000 con lươn thương phẩm nhưng không đạt hiệu quả. Đến vụ thứ hai, chị thu hồi chỉ được phân nửa số vốn ban đầu. Nhưng cô gái trẻ không nản chí, xuất bán đợt thứ 3 thì đạt kết quả cao hơn. Đặc tính của lươn là thích sạch sẽ nên nước trong bể nuôi phải được xử lý qua dàn lọc và mỗi ngày phải thay 2 lần để đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, cần pha thuốc chống sốc, trị bệnh đường ruột và điều cần nhất là thức ăn để lươn có sức đề kháng tốt. Phương đã nuôi thêm trùn quế cho lươn ăn để đảm bảo dinh dưỡng, giai đoạn sau thì cho ăn thức ăn công nghiệp.
Ngoài ra, Phương còn ươm con giống để tự cung tự cấp cung như bán cho người có nhu cầu. Đến nay, diện tích nuôi lươn bố mẹ và lươn thương phẩm lên đến 2.000m2. Từ lươn giống đến khi lươn đạt trọng lượng khoảng 2-3 con/kg là có thể xuất bán. Trung bình khoảng 3-4 tháng, Phương sẽ xuất bán 1 vụ khoảng 4 tấn lươn thương phẩm. Mỗi tháng Phương còn cung cấp từ 200.000-300.000 con giống cho các tỉnh phía Bắc và miền Trung. Với 2 khoản thu về, sau khi trừ chi phí, trung bình cô chủ trẻ có thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.
Nguồn Công an nhân dân