Tại COP 26, Australia cam kết sẽ tích cực hỗ trợ các nước láng giềng đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong bài phát biểu tại COP26, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này sẽ tăng gấp đôi số tiền hỗ trợ, lên thành 2 tỷ AUD (gần 1,5 tỷ USD) cho các quốc gia Thái Bình Dương và Đông Nam Á để thực hiện các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, 200 triệu AUD, tương đương 150 triệu USD, là dành cho các dự án tại khu vực Thái Bình Dương.
Số tiền này, theo ông Morrison, “sẽ được chuyển thẳng đến các quốc gia trong khu vực nhằm hỗ trợ khả năng phục hồi và ứng phó với biến đổi khí hậu”.
Một khoản chi khác trị giá 44 triệu AUD (32,8 triệu USD) từ Chính phủ nước này cũng vừa được tuyên bố dành cho khu vực Nam Thái Bình Dương. Nguồn hỗ trợ này dành cho các khoản tín dụng thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính tại các quốc gia này.
Thủ tướng Australia Scott Morrison phát biểu tại hội nghị. Ảnh: theage.com.au
Đây không phải lần đầu tiên Australia thể hiện nỗ lực hỗ trợ khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong việc ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng xanh. Vào tháng 9 khi diễn ra Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong bài phát biểu được ghi hình trước thềm Hội nghị, Thủ tướng Australia ông Scott Morrison đã khẳng định nước này có nguồn lực và sẽ hỗ trợ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ gồm các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, Thủ tướng Scott Morrison cho biết sẽ tổ chức hội nghị của Bộ Tứ về năng lượng sạch vào đầu năm 2022. Ý định của ông Morrison nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng năng lượng sạch cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ về các cơ hội hợp tác giữa các nền kinh tế với các tổ chức tài chính để hỗ trợ các quốc gia chuyển đổi năng lượng.
Châu Đại dương và châu Á Thái Bình Dương là những khu vực chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Theo nghiên cứu của Hội đồng khí hậu Australia, nước này là quốc gia phát triển chịu nhiều thiệt hại nhất của biến đổi khí hậu. Ước tính mỗi năm Australia tổn thất khoảng 74,6 tỷ USD (tính từ năm 2038) bởi tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.
Việc thúc đẩy nền kinh tế năng lượng mới và cam kết tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia láng giềng trong khu vực Thái Bình Dương thể hiện quyết tâm của nước này trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu.
Nền kinh tế Australia sẽ tổn thất khoảng 74,6 tỷ USD/năm (tính từ năm 2038) bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Australia là nước thể hiện cam kết mạnh mẽ tại COP26 khi tuyên bố cắt giảm 35% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030. Mức này vượt xa mục tiêu đã đặt ra trong Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, ông Morrison cũng cho biết Chính phủ Australia cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 bằng cách sử dụng công nghệ và hỗ trợ các nước láng giềng thực hiện điều tương tự, thay vì áp dụng thuế carbon một cách cực đoan.
Trong vòng 10 năm tới, Australia sẽ dành một khoản tương đương 59,7 tỷ USD cho việc chuyển đổi kinh tế năng lượng mới, trong đó đầu tư của Chính phủ ước tính khoảng 14,9 tỷ USD. Hiện nước này đang tích cực hợp tác với Singapore, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Ấn Độ trong các giải pháp công nghệ giúp cắt giảm khí nhà kính.
An Nhiên