[In trang]
G20 thống nhất mục tiêu kìm hãm sự nóng lên toàn cầu
Thứ tư, 03/11/2021
Lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã kết thúc Hội nghị thượng đỉnh tại Rome (Italy) với cam kết giải quyết “mối đe dọa nghiêm trọng và cấp thiết do biến đổi khí hậu”.

Lãnh đạo 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) đã kết thúc Hội nghị thượng đỉnh tại Rome (Italy) với cam kết giải quyết “mối đe dọa nghiêm trọng và cấp thiết do biến đổi khí hậu”.

Hội nghị thượng đỉnh G20 đã khép lại với nhiều sự đồng thuận về một số vấn đề mấu chốt liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Cụ thể, các quốc gia thành viên G20 tái khẳng định sự ủng hộ với Thỏa thuận Paris, nhất trí sẽ khống chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Theo thông báo được đưa ra, G20 cho biết mục tiêu này là có thể đạt được. Tuy nhiên, dự thảo G20 không đặt ra thời hạn rõ ràng cho việc đưa mức phát thải ròng về 0, chỉ đề cập là vào “khoảng giữa thế kỷ này”. 

Các nhà lãnh đạo tham dự G20. Ảnh: Getty Images.

Liên quan đến phát thải metan, một loại khí thải có tác động mạnh tới biến đổi khí hậu toàn cầu, G20 cũng đưa ra tuyên bố “cố gắng giảm đáng kể lượng phát thải khí metan chung” và “giảm phát thải metan là một trong những cách nhanh, khả thi và tiết kiệm nhất để hạn chế biến đổi khí hậu”. 

Về vấn đề tài trợ chống biến đổi khí hậu, các nước G20 khẳng định nỗ lực huy động 100 tỷ USD/năm đến năm 2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển. Đồng thời tích cực huy động các nguồn tài chính công và tư cho hỗ trợ phát triển xanh, bền vững và bao trùm, sớm chấm dứt việc tài trợ cho sản xuất điện từ than. 

Đại diện nước chủ nhà Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết tuyên bố Hội nghị G20 đã “đi xa về vấn đề biến đổi khí hậu hơn bất cứ tuyên bố nào của G20”. 

Hội nghị được đánh giá là bước tiến “lịch sử”, thể hiện sự ủng hộ rộng rãi và xuyên suốt” về một số vấn đề chung khó giải quyết trước đó, như mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) việc thống nhất mức thuế tối thiểu sẽ giúp bổ sung khoảng 125 tỷ USD vào ngân sách các nước. 

Lượng phát thải carbon của các nước G20 chiếm gần 80% lượng phát thải trên toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là nhóm các quốc gia có đóng góp nhiều nhất cho các quỹ tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hội nghị G20 có vai trò đặc biệt quan trọng, được kỳ vọng sẽ tạo sự bứt phá trước thềm COP26. Các nhà hoạt động môi trường coi đây là cơ hội cuối cùng và tốt nhất để kìm hãm sự tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. 

Thanh Thanh t/h