[In trang]
Thúc đẩy truy xuất thực phẩm thông minh tại Đà Nẵng
Thứ tư, 03/11/2021
Đà Nẵng đang triển khai giai đoạn 1 của Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên cơ sở số hóa bằng hệ thống điện tử. Đây là một hợp phần quan trọng trong đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến 2030.

Đà Nẵng đang triển khai giai đoạn 1 của Dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên cơ sở số hóa bằng hệ thống điện tử. Đây là một hợp phần quan trọng trong đề án xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến 2030. Dự án giúp người dân có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm và đánh giá các thực phẩm thông qua ứng dụng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Theo Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố (BQL ATTP) Đà Nẵng, trong giai đoạn 1, Dự án đầu tư xây dựng phần mềm và mua sắm trang thiết bị, hướng đến mục tiêu kiểm soát, truy xuất nguồn gốc 4 nhóm thực phẩm gồm chuỗi thịt – trứng, chuỗi rau – trái cây, chuỗi thủy sản và chuỗi sản phẩm bao gói.

Theo đó, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu và web/app truy xuất nguồn gốc theo chiều sâu cho chuỗi sản phẩm thịt – trứng. Đối với sản phẩm thịt heo, truy xuất thông tin từ lò mổ đến người tiêu dùng đối với heo chăn nuôi ngoài thành phố, trường hợp heo chăn nuôi tại TP.Đà Nẵng thì truy xuất thông tin tận trang trại đến người tiêu dùng.

Phần mềm này được áp dụng cho 3 cấp chính quyền quản lý truy xuất nguồn gốc theo chiều rộng và cho các tác nhân của chuỗi thịt – trứng tham gia cung cấp thông tin và truy xuất. BQL ATTP cũng đào tạo, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATTP trên cơ sở gắn với quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên tham gia.

Đối với các cơ quan Nhà nước, được quyền tiếp nhận các phản ánh về sản phẩm, tiến hành kiểm tra và cập nhật thông tin giám sát lên hệ thống. Ứng dụng truy xuất nguồn gốc cũng tập hợp các đầu mối quản lý thay cho phân cấp trước đây, chuyển mô hình quản lý từ việc chỉ có cơ quan chức năng, thì nay người dân được tham gia cùng giám sát.

Các đơn vị sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm được hỗ trợ xây dựng kho dữ liệu, chủ động khai báo thông tin cơ sở, nhân sự, cập nhật và sản phẩm đầu vào, đầu ra…

Người tiêu dùng được cung cấp thông tin về chất lượng thực phẩm, tra cứu, đánh giá, bình chọn, thậm chí cảnh báo hoặc tố giác các vụ việc có nguy cơ mất ATTP.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP, cho biết hiện nay người dân chưa thực sự giám sát được việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, trong khi sự minh bạch thông tin là xương sống, thước đo chất lượng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Với việc triển khai dự án này, mọi người dân đều có quyền tham gia vào đánh giá sản phẩm/dịch vụ thực phẩm.

 

Đơn vị cung ứng thịt heo Đà Sơn tham gia dự án

Bên cạnh đó, dự án sẽ phát triển hệ thống thông tin hỗ trợ kiểm soát chất lượng, an toàn trên cơ sở ngăn ngừa mối nguy về việc không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tất cả các thông tin về đường đi của sản phẩm trong chuỗi cung ứng sẽ được lưu trữ để quản lý về an toàn thực phẩm, đồng thời có thể truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Hệ thống dữ liệu sẽ phân tích mối nguy, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát khi có nghi ngờ, trên cơ sở đó có biện pháp phòng tránh kịp thời các trường hợp mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Dự án có định hướng lâu dài là xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến thực phẩm an toàn. Để làm được như vậy thì Đà Nẵng sẽ xây dựng quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm kết hợp với truy xuất nguồn gốc trên cơ sở số hóa bằng hệ thống điện tử. Đồng thời, cần có chiến lược phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng”, ông Nguyễn Tấn Hải nói.

Về chiều sâu, các hoạt động này sẽ góp phần hạn chế việc sử dụng quá mức cần thiết các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, kháng sinh, hóa chất không an toàn, không đúng quy định trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản. 

Việc quản lý an toàn thực phẩm không chỉ cần được được thực hiện ở cơ sở sản xuất, chế biến mà còn cần thiết ở từng khâu trong mắt xích. Việc tham gia vào chuỗi cung ứng có hệ thống giám sát truy xuất nguồn gốc sẽ giúp khớp nối, minh bạch các thông tin, ngăn ngừa các mối nguy và thu hồi khi cần thiết. 

Về chiều rộng, dự án hướng tới mở rộng số lượng sản phẩm/dịch vụ có người chịu trách nhiệm. 

Mục tiêu lâu dài là truy xuất nguồn gốc không chỉ được thực hiện với thực phẩm lưu thông trong thành phố, mà còn giữa các tỉnh và hàng hóa xuất khẩu. Đồng thời giúp giúp người dân hình thành thói quen truy xuất nguồn gốc thực phẩm từ tận trang trại nuôi trồng đến bàn ăn của mình. 

Ông Đoàn Quang Thuyên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hai Thuyên, đơn vị cung ứng thịt heo, thí điểm thực hiện dự án, cho biết việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm chắc chắn phát sinh chi phí, nhưng doanh nghiệp vẫn tham gia lâu dài vì đây là xu hướng bắt buộc của thị trường và cũng là cơ hội để nâng cao mức độ công nhận sản phẩm.

Thanh Thanh t/h