RAS, hệ thống nuôi thủy sản khép kín và tuần hoàn, đã được nội địa hóa một phần tại Việt Nam, hứa hẹn lời giải cho bài toán nuôi trồng thủy sản bền vững.
Công nghệ đã được công nhận trên thế giới
RAS là hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn. Điểm khác biệt cơ bản của RAS so với phương pháp nuôi truyền thống trong ao mở ngoài trời là tạo hệ sinh thái trong các bể (bồn) trong nhà với môi trường được kiểm soát. Từ đó việc chăn nuôi được thực hiện theo mô hình tuần hoàn lọc và làm sạch nước để đưa về các bể nuôi.
Từ thực tế cho thấy RAS thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp với xu hướng nuôi trồng thủy sản bền vững mà thế giới đang hướng đến. Cụ thể, công nghệ này cho phép kiểm soát mọi yếu tố đầu vào, điều kiện nuôi và xả thải. Do đó môi trường nuôi được tạo điều kiện để không, hoặc rất hạn chế, sử dụng kháng sinh và thuốc.
Bên cạnh đó, bằng việc kết hợp sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng công nghệ lọc hiện đại, chu trình nuôi giảm đáng kể tiêu thụ năng lượng và nước, giảm lượng phát thải CO2.
Cuối cùng, công nghệ RAS loại bỏ được các hạn chế của kỹ thuật nuôi truyền thống là phải tiếp cận biển và tác động lên sinh khối thủy sản hoang dã. Công nghệ cho phép thiết lập các cơ sở nuôi trồng tại những địa điểm đa dạng, ít bị ảnh hưởng bởi thay đổi khí hậu và gần thị trường tiêu thụ hơn.
Cơ sở chăn nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ RAS. Ảnh: Cenintec.
Công nghệ RAS đã được các tổ chức uy tín thế giới là FAO và Eurofish khuyến nghị như một phương pháp nuôi trồng thủy sản bền vững. Tại nhiều nước phát triển kỹ thuật chăn nuôi hiện đại như Israel, châu u, Trung Quốc, RAS được ứng dụng ngày càng nhiều. Theo thông tin cung cấp tại Techmart Công nghệ thiết bị sau thu hoạch 2021 (CESTI tổ chức), hiện các hệ thống ứng dụng RAS cung cấp khoảng 12% tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng ở châu u và 6% tại Trung Quốc. Dự báo từ nay đến năm 2030 sẽ là giai đoạn tăng trưởng mạnh ứng dụng RAS trên phạm vi toàn cầu, ước tính đạt khoảng 40% sản lượng nuôi trồng thủy sản.
Tuy vậy, nhược điểm chính của RAS là chi phí đầu tư cao khiến nó chưa được phổ biến rộng rãi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tại Việt Nam, RAS mới xuất hiện lác đác, chủ yếu ở các cơ sở nuôi tôm công nghệ cao có vốn đầu tư lớn tại các tỉnh miền Nam và Nam Trung Bộ. Thời gian gần đây, một số đơn vị nghiên cứu và công nghệ kỹ thuật cao trong nước đã đầu tư nghiên cứu sản xuất một số thiết bị trong nước giúp giảm giá thành công nghệ xuống đáng kể. Từ đó mở ra cơ hội cho phép ứng dụng toàn phần hoặc một phần công nghệ sạch này rộng rãi hơn trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm siêu thâm canh.
Giải pháp trọn gói đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường bền vững
Theo PGS. TS. Phạm Ngọc Tuấn, ĐH Bách Khoa Tp. Hồ Chí Minh - đơn vị phát triển công nghệ LeanRAS, giải pháp nuôi tôm siêu thâm canh dựa trên nền tảng công nghệ RAS, thì đây là giải pháp trọn gói, khắc phục được các nhược điểm cơ bản của phương pháp nuôi truyền thống: canh tác siêu thâm canh với hiệu quả cao, chi phí thuốc và vận hành hạn chế, kiểm soát môi trường nuôi hiệu quả và xả thải tối thiểu.
Mô hình nuôi trồng thủy sản công nghệ RAS. Ảnh: Cenintec.
Được biết, giải pháp lọc nước của LeanRAS bao gồm nhiều bước lọc cơ học, lọc sinh học, khử CO2, diệt khuẩn… Lợi ích hệ thống mang lại là khắc phục tình trạng chất thải rắn, như NH4 và Nitrite, làm suy giảm chỉ tiêu chất lượng nước, tạo cơ hội cho vi sinh vật bùng phát và gây nhiễm độc cho tôm. Đồng thời, với thiết kế tự làm sạch hiệu suất cao, hệ thống giảm lượng chất thải rắn lơ lửng, đảm bảo chất thải hữu cơ sau lọc thấp và ổn định dưới 50%. Hiệu quả tiết kiệm điện và nước (30%), giúp tăng diện tích mặt nước nuôi (10%).
Theo đó, nước sẽ liên tục nằm trong hệ thống tuần hoàn, đảm bảo loại bỏ được 50%-80% chất rắn lơ lửng (tùy vào mô hình nuôi tôm hoặc nuôi các loại cá khác), các hạt hữu cơ tồn tại trong hệ thống đảm bảo nồng độ thấp và ổn định, hiệu suất sinh học tối ưu. Hệ thống có thể ứng dụng cho nhiều mục đích, từ lọc nước đầu vào, lọc nước thải, lọc nước trong hệ thống tuần hoàn và tái sử dụng nước.
Nước sau lọc của hệ thống ứng dụng LeanRAS. Ảnh: Cenintec.
Ngoài ra, giải pháp cũng bao gồm hệ thống eAQUA nhằm giám sát và điều khiển tự động môi trường nước nuôi trồng thủy sản và phần mềm quản lý lịch sử mùa vụ, hỗ trợ nhập-xuất kho và truy xuất nguồn gốc. Hệ thống giám sát thông minh gồm một bộ đo tự động được nối tới các ao nuôi, thông tin kết nối trực tuyến tới các thiết bị thông minh, giúp chủ cơ sở giám sát 24/7 các chỉ số như nhiệt độ, nồng độ oxy hòa tan, độ pH, độ mặn… Đồng thời đưa ra các cảnh bảo cần thiết trên thiết bị và tại hiện trường khi có chỉ số vượt ngưỡng, giúp đưa ra các phương án xử lý kịp thời.
Hiệu quả ứng dụng CN LeanRAS tại một cơ sở chăn nuôi tại Sóc Trăng. Ảnh: Cenintec.
Về hiệu quả chăn nuôi, từ thực tế triển khai tại một số cơ sở nuôi tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang cho thấy tôm phát triển nhanh, thu hoạch đạt 8-10kg/m2 mặt nước nuôi (với sinh khối tối đa); hệ số sử dụng thức ăn FCR thấp.
Tính toán sơ bộ cho thấy một hệ thống lọc có thể giúp tiết giảm chi phí sản xuất (điện, nước) được khoảng hơn 11,5 triệu đồng/tháng. Nếu tích hợp cả phần mềm quản lý, giám sát sẽ giảm thêm từ 5-7,5 triệu đồng chi phí tiền điện mỗi vụ.
Quan trọng hơn, kiểm soát tốt môi trường nuôi trồng giúp giảm thiểu rủi ro đáng kể cho con giống. Theo thống kê tại Diễn đàn đối thoại châu Á về hỗ trợ tài chính dựa trên dự báo FbF, thì đầu tư một đồng vào phòng ngừa sẽ giảm thiểu 15 đồng trong khắc phục hậu quả. Mặc dù chưa có nghiên cứu chính xác tại Việt Nam để đối chiếu hiệu quả, nhưng từ chia sẻ của TS. Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Công ty Cenintec, đơn vị thương mại hóa giải pháp LeanRAS, thì qua qua vụ triển khai mô hình tại nhiều cơ sở nuôi tôm siêu thâm canh, chưa ghi nhận dịch bệnh.
Với những hiệu quả thực tế trên, công nghệ này có thể coi là lời giải cho nhiều cơ sở nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thủy sản nói chung đang muốn chuyển đổi mô hình chăn nuôi bền vững. Hiện công nghệ được lựa chọn làm tiêu điểm giới thiệu tại triển lãm Techmart công nghệ thiết bị sau thu hoạch 2021.
Giang Nguyễn