[In trang]
Tiêu chuẩn sản xuất bền vững trong lĩnh vực dệt may
Thứ tư, 27/10/2021
Tiêu chuẩn là một trong những công cụ quan trọng để đánh giá một quy trình bền vững. Dưới đây là một trong những tiêu chuẩn bền vững phổ biến thế giới mà các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến.

Tiêu chuẩn là một trong những công cụ quan trọng để đánh giá một quy trình bền vững. Dưới đây là một trong những tiêu chuẩn bền vững phổ biến thế giới mà các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến. 

Global Recycled Standard 

Global Recycled Standard (GRS) là một tiêu chuẩn dùng để theo dõi và xác minh hàm lượng vật liệu tái chế trong sản phẩm cuối cùng và đảm bảo các yêu cầu sản xuất nghiêm ngặt. Các tiêu chuẩn GRS bao gồm quá trình gia công, sản xuất, đóng gói, dán nhãn, kinh doanh và phân phối sản phẩm được làm từ tối thiểu 20% vật liệu tái chế. 

Tiêu chuẩn GRS đưa ra yêu cầu đánh giá bởi bên thứ ba về các vấn đề sau: nhận dạng và truy xuất thành phần tái chế trong toàn bộ chuỗi tạo nên sản phẩm; yêu cầu về môi trường giúp chống suy thoái bằng cách sử dụng vật liệu tái chế; giới hạn về hóa chất độc hại và gây tác động xấu tới môi trường , sức khỏe của người sử dụng; trách nhiệm xã hội theo các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

Oeko-Tex

Standard 100 của OEKO-TEX là một trong những chứng nhận phổ biến nhất thế giới dành cho hàng dệt may để kiểm tra chất độc hại. Tiêu chuẩn này đảm bảo cho độ an toàn của sản phẩm. 

Để có được chứng nhận OEKO-TEX, nhà sản xuất và sản phẩm cần vượt qua những kiểm định tại phòng lab và đánh giá thực tế tại nơi sản xuất. Đổi lại, chứng nhận OEKO-TEX giúp nhà cung cấp tiếp cận các khách hàng ở phân khúc cao, có các yêu cầu khắt khe. Các tiêu chí bao gồm cấm sử dụng các chất nhuộm azo, formaldehyde, các hóa chất độc hại với sức khỏe, và khoảng 100 thông số thử nghiệm và có tính đến mục đích sử dụng của hàng dệt may.

ISO 14001

ISO 14001 là một phần của bộ tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường áp dụng cho tất cả mọi tổ chức doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tiêu chuẩn này giúp đảm bảo cho hoạt động theo hướng thân thiện với môi trường, thúc đẩy cải tiến liên tục và bền vững, giảm tác động môi trường từ quá trình sản xuất. Tiêu chuẩn này đem lại nhiều lợi ích cho các nhà sản xuất gồm: quản lý môi trường tốt hơn; giảm thiểu phát thải và sử dụng nguyên, nhiên liệu hiệu quả hơn; cải thiện năng suất; cắt giảm chi phí vận hành; tăng cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường. 

Higg Index 

Higg Index là tiêu chuẩn đánh giá tác động của chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp may mặc lên môi trường, xã hội là lao động được phát triển bởi Hiệp hội may mặc bền vững (SAC). Higg có các bộ công cụ dưới đây để đánh giá tính bền vững của chuỗi giá trị: 

Higg Product Tools - Công cụ cho sản phẩm: giúp các thương hiệu, nhà bán lẻ, nhà sản xuất,… hiểu được tác động môi trường của trang phục, giày dép và hàng dệt. 

Higg Facility Tools - Công cụ cho nhà máy: đo lường các tác động bền vững đến môi trường và xã hội 

Higg Brand and Retail Tool - công cụ cho nhãn hàng và bán lẻ: đánh giá tính bền vững của vòng đời sản phẩm, hiệu quả môi trường và tác động xã hội của chuỗi giá trị.

Better Cotton Initiatives 

The Better Cotton Initiative (BCI) là chương trình bông bền vững lớn nhất thế giới. Tiêu chuẩn BCI nhằm thúc đẩy những cải tiến trong trồng bông, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững về mặt kinh tế, môi trường và xã hội. 

BCI bao gồm các bộ tiêu chí về: nguyên tắc, tiêu chí sản xuất bông tốt hơn (Better Cotton); hỗ trợ người trồng, thúc đẩy hợp tác công tư; khuyến khích cải tiến liên tục; kết nối cung cầu; các cơ chế giám sát, đánh giá, học hỏi để đo lường tiến độ và sự thay đổi đảm bảo tạo tác động tích cực tới đối tượng hưởng lợi trực tiếp; tạo điều kiện trao đổi các thực hành và kiến thức tốt nhất để khuyến khích các hành động tập thể. 

Thanh Thanh t/h