[In trang]
Công ty Sợi thế kỷ, dẫn đầu về cung cấp nguyên liệu may thân thiện môi trường
Thứ ba, 19/10/2021
Hướng đi táo bạo được hoạch định từ sự nhanh nhạy của Sợi thế kỷ trong việc nắm bắt xu hướng phát triển xanh của ngành may mặc thế giới. Công ty rót vốn 117 tỷ đồng vào dự án nhà máy Trảng Bàng 5 với công suất 3.300 tấn sợi DTY và 1.500 tấn chip tái chế. Trong vòng 5 năm, số lượng sợi tái chế sản xuất được tương ứng với tái chế khoảng 2,06 tỷ chai nhựa.

Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) là một trong những doanh nghiệp nội địa tiên phong khai phá hướng đi mới, báo bạo: sản xuất sợi tái chế. Năm 2020, STK đã thực hiện tăng tỷ trọng sợi tái chế trên doanh thu đến 44%, gián tiếp tái chế 708 triệu chai nhựa đã qua sử dụng. Định hướng của STK là tạo thương hiệu nhà cung ứng nguyên liệu may thân thiện môi trường. 

Hướng đi táo bạo

Dây chuyền sản xuất sợi recycled chip. Ảnh: STK.

Sợi Thế Kỷ (STK) là doanh nghiệp hiếm hoi trong chuỗi cung ứng vật liệu may mặc sớm xác định mục tiêu phát triển bền vững. Từ năm 2016, doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền hiện đại và sản xuất sợi tái chế trong bối cảnh lúc bấy giờ ngành sản xuất phụ liệu may mặc trong nước còn bỡ ngỡ về thị trường này. Từ đó đến nay, STK không ngừng nâng sản lượng sợi recycled chip sản xuất theo từng năm. Trong vòng 5 năm, số lượng sợi tái chế sản xuất được tương ứng với khoảng 2,06 tỷ chai nhựa được tái chế. 

Hướng đi táo bạo được hoạch định từ sự nhanh nhạy của STK trong việc nắm bắt xu hướng phát triển xanh của ngành may mặc thế giới. Từ năm 2016 đến 2018, STK rót vốn 117 tỷ đồng vào dự án nhà máy Trảng Bàng 5 với công suất 3.300 tấn sợi DTY và 1.500 tấn chip tái chế. Dự án là bước đi đánh dấu quyết tâm trở thành nhà cung ứng nguyên liệu may thân thiện môi trường. Nhà máy có khả năng sản xuất 1.500 tấn hạt nhựa tái chế, giúp STK tự chủ nguồn nguyên liệu, và giảm 40% chi phí đầu vào so với nhập khẩu hạt nhựa.   

Tính đến cuối 2020, tổng công suất hai nhà máy của STK đạt 63.300 tấn sợi, trong đó công suất dây chuyền sợi tái chế recycled chip đạt 1.500 tấn/năm. Sản phẩm được cung cấp cho thị trường nội địa và quốc tế bao gồm: Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Pakistan…

Ông Đặng Triệu Hòa, Tổng giám đốc STK, cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng tỷ trọng sợi tái chế trong tổng doanh thu và triển khai các dự án ĐMT áp mái để đáp ứng yêu cầu về môi trường của các thương hiệu lớn và người tiêu dùng cuối cùng. Cụ thể, STK đặt mục tiêu đến năm 2025 tăng tỷ trọng sợi tái chế lên 100% trong tổng doanh thu các nhà máy hiện hữu. Đồng thời, nỗ lực nghiên cứu phát triển sợi recycle plus thân thiện môi trường và sợi màu (dope dyed) không sử dụng màu nhuộm/hóa chất và tiết kiệm nước. 

Sản xuất thân thiện môi trường

Ngay từ khi mới thành lập vào năm 2000, STK đã nhận thấy các thương hiệu lớn ngày càng quan tâm tới bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội. Theo đó, STK cũng xác định đầu tư máy móc hiện đại, tiết kiệm điện đồng thời áp dụng các biện pháp theo dõi đo lường hiệu quả sử dụng điện, nước, xây dựng các quy định sử dụng tài nguyên hiệu quả cho đội ngũ lao động. 

Bên trong nhà máy. Ảnh: STK.

Để theo dõi hiệu quả sử dụng năng lượng, STK thực hiện báo cáo kiểm toán năng lượng 3 năm/lần cho các hoạt động sử dụng điện, dầu DO, xăng. Từ đó đưa ra các phương án khả thi để giảm tiêu thụ năng lượng, hạn chế phát thải môi trường. 

Trong sản xuất, STK không sử dụng lò hơi do đó giảm đáng kể lượng phát thải. Để quản lý khí thải phát sinh trong vận tải, vận chuyển, STK định kỳ thực hiện đo kiểm 3 tháng/lần tại khu vực ngoài trời và khu vực sản xuất. Kết quả giám sát môi trường được báo cáo cho cơ quan chức năng 6 tháng/lần. 

Trong quản lý chất thải, nước thải STK đã xây dựng các quy trình quản lý đạt tiêu chuẩn GRS (với quản lý nước thải) và tiêu chuẩn hiện hành theo quy định pháp luật. Đồng thời có kế hoạch giám sát, đo đạc và lập báo cáo kiểm kê chất thải, nước thải gửi các cơ quan chức năng mỗi năm một lần. 

Sớm hái quả ngọt từ hướng đi đúng đắn 

Việc sớm áp dụng tư duy tái chế, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn giúp STK có những cải tiến đáng kể trong sản xuất xanh. Cụ thể, dây chuyền sản xuất sợi tái chế không những góp phần giải quyết vấn đề giảm rác thải nhựa, mà còn giảm tiêu thụ điện 60%, giảm tiêu thụ nước 50% và giảm 30% khí thải CO2 so với sợi nguyên sinh. Tổng thể, năm 2020 các chỉ số carbon footprint (tổng lượng phát thải khí nhà kính gồm CO2, CH4, NO2, Flo… phát sinh từ quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ) giảm đáng kể so với năm trước đó, với điện giảm 16%, dầu diesel giảm 100%. 

Phương án quản lý nguyên vật liệu nhằm giảm thiểu rác thải như tái sử dụng ống giấy POY, tái chế sợi phế phẩm thành nguyên liệu PET chip… đã đem lại kết quả tích cực. Cụ thể, theo số liệu công bố trong báo cáo, trung bình một ống giấy POY được tái sử dụng 3,7 lần. Trong cả năm 2020, tổng số ống giấy STK tiết kiệm được là 2.311.148 ống. Con số này sẽ là 3.167.129 ống nếu không áp dụng phương án tái sử dụng. 

Một góc nhà máy STK.

Năm 2016, doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sợi tái chế thân thiện môi trường tiêu chuẩn GRS (Global recycled Standard) và OEKO TEX 100. Đây là các tiêu chuẩn quốc tế để theo dõi và xác minh hàm lượng vật liệu tái chế trong thành phẩm và bán thành phẩm, hoạt động xã hội, môi trường và hóa chất có trách nhiệm trong sản xuất. 

Việc nhanh chóng nắm bắt các xu hướng, nhu cầu sợi vải tái chế, thân thiện môi trường đã giúp STK tìm kiếm các đối tác, khách hàng lớn. Năm 2019, doanh nghiệp bắt đầu nhận được đơn hàng sản xuất sợi AAA cho thị trường Mỹ. Đồng thời phát triển thành công các loại sợi giá trị gia tăng cao như soft package, full dull, high CR, CD mix, quick dry… cho các khách hàng trong và ngoài nước. 

Năm 2020, bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19, STK đạt lợi nhuận ròng 143,4 tỷ VND, vượt mục tiêu đặt ra 9,9%; tăng tỷ lệ lợi nhuận sợi recycled trong tổng doanh thu lên 44,7%, tăng 9,7% so với năm 2019. Thu nhập người lao động tăng bình quân 5%. 

Nhiều năm liền STK nằm trong nhóm 100 doanh nghiệp phát triển bền vững  của VCCI. Năm 2020 thuộc top 15 doanh nghiệp PTBV, top 3 doanh nghiệp vốn hóa trung bình có Báo cáo PTBV đáng tin cậy nhất. Những kết quả đó đã phần nào chứng minh sự đúng đắn trong phát triển bền vững của STK. 

Giang Nguyễn