Sáng ngày 7/10 tại Hà Nội diễn ra lễ ra mắt trực tuyến trang thông tin điện tử và Chiến dịch “Chung tay giảm rác thải nhựa”. Tham dự có đại diện các bên tham gia gồm: Bộ Công Thương, Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Sở Công Thương Hà Nội, Liên minh châu Âu, Bộ Hợp tác kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ), Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp - Expertise France và đại diện của 14 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Đây là hoạt động của Liên minh các nhà bán lẻ (Plastic Alliance) thuộc Dự án thí điểm do Viện ISPONRE, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp thực hiện, với sự giám sát của Bộ Công Thương. Dự án thí điểm nằm trong khuôn khổ Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa - Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải nhựa biển tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu, BMZ tài trợ và Expertise France triển khai.
Hình ảnh tại buổi họp báo online.
Tại Hội thảo, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) đại diện Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (SXTDBV) chia sẻ về những vấn đề của rác thải nhựa và hoạt động của Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, ngành nhựa là một trong những ngành kinh tế quan trọng, với tốc độ tăng trưởng đạt 10-15%, tuy nhiên cũng tạo ra nhiều thách thức về môi trường. “Điển hình liên quan đến phế liệu nhựa chưa được tận dụng có hiệu quả, tạo ra các nguy cơ tiềm ẩn về ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó là cách thức tiêu dùng nhựa bền vững còn hạn chế, việc tiêu dùng các sản phẩm nhựa có chất lượng, thân thiện môi trường chưa được đẩy mạnh”, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết.
Đại diện của Bộ Công Thương khẳng định việc nâng cao hiểu biết và thay đổi nhận thức tiêu dùng nhựa là cần thiết và quan trọng, góp phần tạo động lực sản xuất bền vững, giảm ô nhiễm môi trường.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương, thông qua Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, tích cực phối hợp với các bên, chủ động triển khai thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Trong đó có dự án phối hợp giữa Văn phòng SXTDBV và Viện ISPONRE với sáng kiến thành lập “Liên minh các nhà bán lẻ giảm tiêu dùng túi nilon tại Hà Nội”.
"Ngành nhựa là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức về môi trường".
Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện ISPONRE đồng quan điểm rác thải nhựa là vấn đề đáng báo động hiện nay. “Là một đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE) nỗ lực thực hiện các hoạt động nghiên cứu và thực tiễn nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Thọ phát biểu.
Chiến dịch truyền thông trực tuyến “Chung tay giảm chất thải nhựa” được bắt đầu vào tháng 10 năm 2021 với nhiều hình thức truyền thông đa dạng dự kiến đem lại những tác động hiệu quả nhất nhằm thúc đẩy thay đổi hành vi của toàn xã hội. Theo đó, Chiến dịch xây dựng và đăng tải các sản phẩm truyền thông trên Trang thông tin điện tử https://chungtaygiamnhua.com/, tổ chức các hoạt động truyền thông và huy động thêm các đối tác đồng hành giảm thiểu rác thải nhựa.
Chiến dịch hiện đang nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các bên liên quan bao gồm: Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam), Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH), Đại sứ quán Hà Lan và Touch Việt Nam.
Bà Fanny Quertamp, Chuyên gia cao cấp Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa” khẳng định EU và BMZ đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực giảm rác thải nhựa đại dương. Trước hết là qua việc tuyên truyền, vận động các nhà bán lẻ thực hiện các bước nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng, giảm thiểu sử dụng túi nilon dùng một lần.
Trước đó vào đầu tháng 3 năm 2021, 14 đại diện các nhà bán lẻ lớn nhất cả nước đã cùng nhau thảo luận và ký kết Biên bản ghi nhớ thành lập Plastic Alliance, cũng như những khó khăn, thách thức khi triển khai các chương trình giảm thiểu sử dụng túi nilon dùng một lần. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị vẫn khẳng định đây là con đường cần thiết để loại bỏ những nguy cơ. Ông Jahanzeb Khan, Phó Chủ tịch PRO Việt Nam, Giám đốc điều hành Suntory Pepsico cho biết PRO Việt Nam đang tích cực các hoạt động hỗ trợ quá trình thu gom và tái chế bao bì sản phẩm theo cách dễ tiếp cận và bền vững hơn. Tham gia đồng hành cùng Chiến dịch này là một phần trong những nỗ lực vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp mà doanh nghiệp hướng tới.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thuý, Giám đốc Chương trình Giảm rác thải nhựa WWF-Việt Nam khẳng định để giải quyết vấn đề, cần có một phương pháp tiếp cận tổng thể và sự phối hợp của nhiều bên, đặc biệt là doanh nghiệp. Chiến dịch nhằm tiếp nối các nỗ lực của WWF-Việt Nam trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng về rác thải nhựa, đồng thời thúc đẩy các thực hành kinh doanh và tiêu dùng bền vững đối với các sản phẩm nhựa.
Giang Nguyễn ghi