Quảng Trị tăng cường công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp
Thứ năm, 07/10/2021
Tỉnh Quảng Trị đã hình thành 3 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 756,24 ha, 17 Cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 527,5 ha. Dù quy mô ngành công nghiệp còn nhỏ song công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các cơ sở sản xuất, chế biến ở các KCN, CCN đã được chú trọng.
Đến nay tỉnh Quảng Trị đã hình thành 3 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 756,24 ha, 17 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 527,5 ha. Tỉ lệ lấp đầy các KCN còn thấp, trung bình là 53,6% và CCN trung bình là 43,3%. Dù quy mô ngành công nghiệp còn nhỏ song công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tại các cơ sở sản xuất, chế biến ở các KCN, CCN đã được chú trọng.
Sản xuất ván lạng ở CCN Cầu Lòn - Bàu De, thị xã Quảng Trị
Toàn tỉnh hiện có hơn 180 cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động. Trong đó 59 cơ sở chế biến lâm sản, 40 cơ sở sản xuất vật liệu, 35 cơ sở cơ khí, 13 cơ sở may mặc và các cơ sở sản xuất về chế biến thủy sản, nông sản, nhựa, bao bì, nhiên liệu, khoáng sản, phân bón và hóa chất, giấy, đồ uống. Trong các ngành sản xuất nói trên, các cơ sở gây áp lực đáng kể lên môi trường là chế biến nông, thủy sản. Ngoài ra, các nhóm ngành sản xuất khác cũng gây áp lực lên môi trường như khai thác khoáng sản, sản xuất giấy, đồ uống, cơ khí và sản xuất vật liệu xây dựng, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…
Những năm qua, tỉnh đã có nhiều ưu tiên trong việc bố trí ngân sách cho công tác BVMT nhưng do điều kiện ngân sách địa phương có hạn nên cơ sở hạ tầng của các KCN, CCN phải thực hiện đầu tư theo nhiều giai đoạn. Nhiều KCN, CCN chưa được đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng về BVMT. Chủ đầu tư các cơ sở sản xuất, chế biến được yêu cầu phải tự đầu tư hạ tầng về BVMT tại từng cơ sở để thu gom, xử lý chất thải đảm bảo trước khi phát thải ra môi trường.
Công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhìn chung đã được thực hiện khá tốt. Các dự án đầu tư sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh đều đã lập hồ sơ môi trường và được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT. Chủ đầu tư các dự án đều thực hiện xây dựng và vận hành các công trình, biện pháp BVMT như đã cam kết trong hồ sơ môi trường; tổ chức ký quỹ và thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định, tổ chức quan trắc môi trường định kỳ và báo cáo kết quả theo quy định; kê khai và nộp phí BVMT đối với nước thải sản xuất.
Các dự án lớn có nguy cơ cao tác động đến môi trường được yêu cầu thực hiện quan trắc môi trường tự động, truyền số liệu quan trắc và dữ liệu camera giám sát về Sở TN&MT 24 giờ/7 ngày. Tác động môi trường của các cơ sở chế biến, cơ sở sản xuất công nghiệp đã được theo dõi, đánh giá thường xuyên. Theo đó, kết quả quan trắc môi trường của các cơ sở sản xuất hầu hết các thông số quan trắc nguồn thải có giá trị nằm trong giới hạn quy định. Kết quả quan trắc môi trường định kỳ của Sở TN&MT cho thấy, các thành phần môi trường (nước biển ven bờ, nước sông hồ, trầm tích sông, không khí xung quanh, nước dưới đất, nước thải, đất nông nghiệp) trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa bị ảnh hưởng đáng kể từ hoạt động sản xuất, chế biến công nghiệp. Chất lượng môi trường tương đối ổn định trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến nay.
Công nhân Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà (KCN Nam Đông Hà) đang làm việc
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác BVMT, một số cơ sở sản xuất, chế biến đôi khi chưa quản lý tốt việc vận hành các hệ thống xử lý chất thải, còn để xảy ra sự cố, gây ra ô nhiễm môi trường cục bộ tại một số vị trí ở một số ít thời điểm, gây ảnh hưởng đến người dân ở khu vực xung quanh.
Cụ thể như khu vực nuôi tôm của các hộ dân tự phát ven biển gây nhiễm mặn nước ngầm; một số cơ sở sản xuất trong KCN Quán Ngang và KCN Nam Đông Hà sản xuất gây mùi khó chịu; khu vực chế biến cà phê ở Hướng Hóa chưa quản lý tốt hệ thống xử lý nước thải; các cơ sở hấp sấy gỗ chưa xử lý tốt muội than lẫn trong khí thải lò đốt và chưa xử lý tốt nước mưa chảy tràn qua bãi chứa nguyên liệu, phế liệu ngoài trời; các cơ sở chế biến nông sản chưa quản lý tốt hệ thống xử lý nước thải trong mùa mưa bão.
Trong quá trình hoạt động của các cơ sở bình quân hằng năm có khoảng 5 cơ sở bị xử lý vi phạm. Đến nay, việc tăng cường công tác quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chế biến trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực. Các cơ sở đã tăng cường đầu tư nâng cấp dây chuyển sản xuất theo hướng sạch hơn; đầu tư nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý khí thải, nước thải; hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường; tổ chức ký quỹ và thực hiện cải tạo phục hồi môi trường theo đúng quy định...
Chế biến cá hấp tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh
Vấn đề môi trường quan tâm trong giai đoạn hiện nay tập trung vào hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước thải công nghiệp, hệ thống thu gom và thoát nước mưa của các KCN, CCN hầu hết chưa được hoàn thiện. Việc các KCN, CCN thiếu cơ sở hạ tầng buộc các cơ sở sản xuất tự đầu tư nhỏ lẻ là thiếu đồng bộ, lãng phí nguồn lực và tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng BVMT của các chợ (Chợ Cầu, Bồ Bản, Khe Sanh, Phường 5, thành phố Đông Hà và chợ Đakrông; các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị...chưa được đầu tư về mặt bằng, hệ thống thu gom, xử lý và thoát nước thải.
Các kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn tỉnh chưa được xử lý dứt điểm tạo nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và gây tâm lý lo ngại cho người dân sống và canh tác ở khu vực xung quanh. Các bãi chôn lấp chất thải rắn cấp huyện được đầu tư giai đoạn 1 đã gần hết dung lượng xử lý, hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp, hệ thống thu gom chất thải rắn ở khu vực nông thôn thiếu kinh phí và phương tiện vận chuyển...nguy cơ quá tải hệ thống dẫn đến hiệu quả thu gom và xử lý không triệt để, gây ô nhiễm môi trường.
Để sớm khắc phục các tồn tại nêu trên đạt hiệu quả, thời gian tới UBND tỉnh cần có các giải pháp tăng cường hơn nữa nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.
Theo: Môi trường và Đô thị