[In trang]
Tái chế lá cây thành đồ dùng
Thứ tư, 06/10/2021
Các nhóm nghiên cứu nhỏ tại trường đại học đang chứng minh sức sáng tạo qua việc ứng dụng công nghệ để biến lá cây thành đồ dùng thân thiện môi trường, đẹp mắt.
Các nhóm nghiên cứu nhỏ tại trường đại học đang chứng minh sức sáng tạo qua việc ứng dụng công nghệ để biến lá cây thành đồ dùng thân thiện môi trường, đẹp mắt.
Cây chuối là loài thực vật có thể tìm thấy ở hầu hết mọi địa phương trên lãnh thổ Việt Nam. Nguồn nguyên liệu dồi dào này cũng là nguồn cảm hứng giúp nhóm nhà sáng tạo trẻ đến từ TP. Hồ Chí Minh sáng tạo và biến chúng thành chén đĩa. Dự án đã đạt giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020”. 
Nguyễn Diệu Linh với dự án làm chén đĩa từ lá chuối được giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2020”.
Nguyễn Diệu Linh, thành viên nhóm dự án cho biết ý tưởng được hình thành với mong muốn tìm kiếm một giải pháp thân thiện môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa khó phân huỷ như hộp xốp, túi nilong đang được sử dụng rất phổ biến. "Khi đi ngang qua các bãi rác, em nhận thấy số lượng túi nilong, hộp xốp mọi người thải ra rất nhiều. Trong khi những rác thải này mất đến hàng hàng nghìn năm để phân hủy và còn có khả năng gây bệnh ung thư. Do đó, nhóm nghĩ đến vật liệu thay thế để bảo vệ môi trường", Diệu Linh cho biết. 
Theo Diệu Linh, nguyên liệu lá chuối được lựa chọn vì rất dồi dào, thân thiện môi trường và thích hợp để làm nhiều loại sản phẩm khác nhau. Sau hơn một năm tìm tòi sáng tạo, nhóm đã cho ra được một số sản phẩm mẫu như khay, hộp, đĩa từ lá chuối. Các sản phẩm này được làm từ lá chuối ép khô, có thể bảo quản trong 12 tháng, có khả năng phân huỷ sinh học sau 45 ngày thải bỏ. Như vậy về cơ bản gây ô nhiễm môi trường. 
Sản phẩm đã được cung cấp cho một số nhà hàng ở khu vực phía nam và được khách hàng phản hồi tích cực. Nhóm đang tiếp tục nghiên cứu nhằm mở rộng khả năng sản xuất với nhiều nguyên liệu hơn như lá sen, mo cau. 
Sản phẩm đĩa từ lá bàng và vỏ hộp sữa bỏ đi của nhóm nghiên cứu Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh).
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy tính ứng dụng đa dạng của lá cây. Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường (Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) đã tìm ra cách kết hợp lá bàng với vỏ hộp sữa làm vật đựng thức ăn. 
Về cơ bản, quy trình làm ra sản phẩm gồm các bước: làm sạch bằng nước, xử lý khử trùng, sấy khô và tạo hình bằng ép gia nhiệt. Lá bàng, hộp sữa sau khi thu hồi được làm sạch bằng nước. Sau đó, nguyên liệu được ngâm vào dung dịch hydrogen peroxid (H2O2) 3% để khử trùng, rửa lại một lần và sấy khô. Lá bàng được xếp phủ ngoài hộp sữa và sử dụng máy ép gia nhiệt ở nhiệt độ tối ưu là 140ºC, trong thời gian 3 phút (đối với sản phẩm đĩa). Quá trình gia nhiệt không sử dụng keo.
Sản phẩm đĩa lá sau khi được kiểm định tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ sinh học (Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM) không phát hiện vi khuẩn gây bệnh như Coliform, Escherichia coli, Salmonella và các kim loại nặng như Antimony (Sb), Asen (As), Cadimi (Cd), Chì (Pb). Sản phẩm định hình tốt cùng khả năng giữ màu, chịu mốc sau thời gian bảo quản hơn một tháng.
Kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm cho thấy, đĩa lá bàng an toàn và phù hợp để sử dụng trong đời sống, có thể thay thế cho đĩa nhựa dùng một lần. Nhóm đang lên đẩy sâu nghiên cứu nhằm cải thiện sản phẩm theo hướng phù hợp với thị trường, đồng thời tìm doanh nghiệp hợp tác sản xuất thử nghiệm với số lượng có thể thương mại hoá.  
Thanh Thanh t/h