[In trang]
Tiêu dùng "thông thái" để bảo vệ môi trường
Thứ năm, 07/10/2021
Thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường như: thực phẩm sạch, hóa mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên; sản phẩm công nghiệp có bao bì được làm từ vật liệu tái chế, có thể tái chế hoặc phân hủy… ngày càng gia tăng.
Thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường như: thực phẩm sạch, hóa mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên; sản phẩm công nghiệp có bao bì được làm từ vật liệu tái chế, có thể tái chế hoặc phân hủy… ngày càng gia tăng.
Người tiêu dùng tìm hiểu sản phẩm ống hút giấy tại cửa hàng Vinmart+.
Không chỉ khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường đối với nhiều người, xu hướng tiêu dùng này còn góp phần thúc đẩy sản xuất “sạch” và tiêu dùng “xanh”.
Ưu tiên sản phẩm “xanh”
Đây là tiêu chí lựa chọn sản phẩm của chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa). Chị Linh cho biết, trước đây, giá cả và thành phần nguyên liệu là tiêu chí lựa chọn sản phẩm của chị. Nhưng hiện tại, chọn mua bất kỳ sản phẩm nào chị cũng cân nhắc đến yếu tố bảo vệ môi trường. Chị có thể trả số tiền cao hơn cho sản phẩm có bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng được.
“Cùng cục xà bông tắm có thành phần, chất lượng tương đương nhưng tôi chọn loại có bao bì là giấy bìa chứ không chọn loại giấy bóng kính. Vỏ hộp tôi dồn bán ve chai hoặc cắt cúp làm hộp đựng đồ” - chị Linh chia sẻ.
Ngoài việc thay đổi thói quen, chị Linh còn tích cực tham gia các diễn đàn như: Đồng Nai xanh, Sống xanh trên mạng xã hội để lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến nhiều người.
Sử dụng sản phẩm nước tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên để bảo vệ sức khỏe và môi trường là ưu tiên hàng đầu của chị Nguyễn Thị Kim Dung, giáo viên Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa). Theo chị Dung, hơn 1 năm nay gia đình chị không sử dụng bột giặt, nước lau sàn công nghiệp. Chị học theo công thức trên mạng tự làm nước bồ hòn lên men để sử dụng.
Ý thức tác động của rác thải nhựa với môi trường tự nhiên, nhiều người tiêu dùng, đơn vị sản xuất và kinh doanh đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm tiện ích thay thế chẳng hạn: dùng ống hút sử dụng nhiều lần thay cho ống hút nhựa; hộp xốp, ống hút, đĩa, muỗng sử dụng một lần làm từ vật liệu dễ phân hủy... Mặc dù chưa thực sự phổ biến nhưng cũng góp phần khơi gợi ý thức bảo vệ môi trường với nhiều người tiêu dùng.
Chị Mai Thị Hương Lan, Trưởng phòng Marketing Co.opmart Biên Hòa cho biết, từ lâu siêu thị đã chuyển sang sử dụng 100% túi ny-lông sinh học để đựng đồ cho khách, bán túi vải và túi dệt sợi sử dụng nhiều lần. Còn đối với các sản phẩm sử dụng một lần như ống hút, đĩa, muỗng siêu thị bán song song cả loại làm từ vật liệu nhựa và loại làm từ vật liệu thiên nhiên.
Bà Đặng Thị Thùy Dương - Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai cho rằng, để phổ biến tiêu dùng văn minh, hiện đại, Chi cục đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TN-MT) biên soạn cẩm nang trong đó hướng dẫn chi tiết các loại nhựa phổ biến có thể tái chế, loại khó hoặc không thể tái chế; danh sách 14 công ty được cấp chứng nhận sản phẩm túi ny-lông thân thiện với môi trường để các đơn vị phân phối, kinh doanh có thể liên hệ tìm mua sản phẩm; kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ chất thải để hạn chế chất thải.
Yếu tố thúc đẩy sản xuất “sạch”
Ông Thái Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, thực hiện chủ trương của tỉnh và cũng nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã và đang chủ động cải tiến trang thiết bị, sử dụng nguyên vật liệu, nhân lực theo hướng tiết kiệm, bền vững. Không chỉ nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm, uy tín của DN, sự thay đổi này còn góp phần gia tăng sản phẩm xanh, sạch đáp ứng thị hiếu mới của người tiêu dùng.
Chẳng hạn Công ty TNHH Cargill Việt Nam (TP.Biên Hòa) hợp tác với nông dân thu mua đậu nành, ca cao, cà phê thay vì nhập khẩu từ châu Phi, Bắc Mỹ; công ty này cũng đặt mục tiêu giảm 30% khí thải nhà kính, giảm phát sinh chất thải đồng thời thu hồi và tái chế các loại bao bì và hỗ trợ nông dân tiết kiệm nước tưới, sản xuất và chăn nuôi an toàn, hiệu quả.
Tại Công ty TNHH Pouchen (TP.Biên Hòa), thay vì phải tốn tiền xử lý thuộc da, vải vụn từ sản xuất giày, DN hợp tác với DN tái chế để hạn chế phát thải; Công ty Nestlé hợp cung ứng bã cà phê, tro sỉ, bùn thải từ hoạt động sản xuất cà phê cho DN sản xuất gạch không nung; Nhà máy Công ty CP Sữa Vinamilk cải tiến bằng cách đóng sữa đặc, sữa bột vào hộp giấy thay cho hộp thiếc…
Theo đánh giá của Sở Công thương, việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và giảm phát thải ra môi trường được khá nhiều tập đoàn lớn áp dụng khá hiệu quả, nhưng với các DN quy mô nhỏ hơn còn nhiều khó khăn. Do chi phí máy móc lớn, rào cản kỹ thuật và công nghệ, nguyên liệu thiên nhiên có hạn và khó tìm, DN chưa quan tâm đến phát triển bền vững.
Anh Nguyễn Hải Hoàng (TP.Biên Hòa), chủ Cửa hàng Thuần Việt chia sẻ, năm 2021 anh bắt đầu kinh doanh tinh dầu thiên nhiên, lá xông giải cảm, bột trà gừng, xà phòng tắm làm từ các loại cây dược liệu. Không chỉ thành phần nguyên liệu mà bao bì loại sản phẩm này cũng thân thiện với môi trường. Thời gian đầu bán chậm nhưng từ đợt dịch lần thứ 4 diễn ra đến nay, sức mua các mặt hàng tăng đáng kể, đặc biệt mặt hàng lá xông, dầu gió và tinh dầu. Theo anh Hoàng, nhu cầu tìm và mua sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên của các tổ chức, cá nhân ngày càng tăng.
Theo: Báo Đồng Nai