Các doanh nghiệp dệt may thúc đẩy mục tiêu xanh hóa
Thứ sáu, 24/09/2021
Nhằm thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường và bền vững của khách hàng quốc tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng xanh và thân thiện hơn.
Nhằm thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe về môi trường và bền vững của khách hàng quốc tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng xanh và thân thiện hơn.
Cải tiến công nghệ, giảm phát thải
Dệt may là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng và tạo ra khối lượng phát thải lớn. Việc chuyển đổi công nghệ theo hướng tăng hiệu suất tiêu thụ năng lượng là giải pháp cần thiết để cải thiện sức cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Lắp đặt hệ kính tận dụng ánh sáng mặt trời và chiếu sáng LED TKNL tại doanh nghiệp
Bước vào xưởng may của Công ty TNHH May Việt Thuận, hình ảnh ấn tượng đầu tiên là những tấm kính lớn với hệ thống ánh sáng hiện đại. Theo bà Tạ Mỹ Xuân, Giám đốc công ty, doanh nghiệp đã thiết kế hệ thống nhà xưởng theo nguyên tắc tăng cường ánh ánh tự nhiên, giảm tiêu thụ năng lượng nhưng vẫn đảm bảo chiếu sáng hiệu quả cho công nhân làm việc. Do đó, thay vì lắp đặt các vách kín, công ty đã sử dụng hệ thống vách kính lớn để tận dụng ánh sáng trời.
Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng cũng dùng đèn LED tiết kiệm năng lượng phù hợp với nhà xưởng, cho công suất cao nhưng tùy biến theo nhu cầu sử dụng. Bên ngoài nhà xưởng, công ty trồng nhiều cây xanh và có diện tích dành cho hồ điều hòa. Tất cả giúp tạo một không gian xanh mát, hướng đến sản xuất thân thiện môi trường, giảm phát thải. Nhờ thiết kế hệ thống nhà xưởng và chiếu sáng TKNL, mỗi năm doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí tiền điện.
Một doanh nghiệp khác, Công ty TNHH May Quảng Việt, từ nhiều năm nay cũng đã thay thế hệ thống chiếu sáng hoàn toàn bằng đèn LED. Ông Trần Ngô Quốc Trung, Quản lý sản xuất Công ty cho biết không riêng gì Tổng Liên đoàn Lao động mà những khách hàng của nhà máy cũng yêu cầu doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh. Đối với điện, nhà máy đã tiết kiệm bằng cách gắn hệ thống đèn LED đồng thời lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời. Sau khi hoàn thiện, hệ thống có thể tạo ra trên 20.000 kW/ngày, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng.
Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng áp dụng các giải pháp tuần hoàn và chống thất thoát nước tại các khâu giặt, là, sấy. Kết quả giảm thất thoát khoảng 30-40 khối nước, tái sử dụng nước từ thu hồi nước ngưng. Từ những nỗ lực này doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương cấp chứng chỉ năng lượng xanh căn cứ vào giảm phát thải CO2.
Xây dựng nhà máy theo tiêu chuẩn xanh
Là một doanh nghiệp có tiếng trong ngành dệt may, Hanosimex đã chú trọng các yếu tố bền vững ngay từ khâu thiết kế nhà xưởng. Theo đó, đầu tư lắp đặt sử dụng năng lượng mặt trời thông qua các tấm quang điện được lắp trên mái nhà xưởng nhằm tiết giảm chi phí điện năng, giảm bớt nhiệt độ nhà xưởng vào mùa hè góp phần giảm khí nhà kính thải ra cho môi trường.
Nhà xưởng tiêu chuẩn xanh của Hanosimex.
Mặt khác, đơn vị đầu tư lắp đặt các biến tần cho quạt thông gió; sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng; đầu tư hệ thống hút bụi tại các lò cấp hơi sử dụng nước. Hanosimex cũng đã áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường thông qua tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu trong sản xuất; xử lý nước thải và tái chế phế phẩm. Ông Hồ Lê Hùng, Tổng Giám đốc Hanosimex cho biết trong những năm qua doang nghiệp đã đầu tư, chuyển đổi công nghệ xây dựng nhà máy hiện đại theo tiêu chuẩn Green Leed của Mỹ.
Thực tế cho thấy các phân xưởng vận hành hiệu quả hơn, ít các tác động môi trường và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên. Đồng thời, môi trường làm việc cũng được cải thiện khiến người lao động yên tâm sản xuất, góp phần tạo hiệu quả năng suất.
Hiệu quả từ con số cụ thể, ô nhiễm không khí giảm 3% - 5%, tăng hiệu suất lò hơi, tiết kiệm trên 4 triệu kWh điện và giảm 4.000 tấn CO2 mỗi năm.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, những năm gần đây các doanh nghiệp dệt may đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư các công nghệ hiện đại nhằm cải thiện hiệu suất theo hướng xanh hơn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã thay thế lò hơi cung cấp nhiệt chạy bằng dầu sang lò hơi chạy bằng promat thân thiện môi trường.
Nhiều vấn đề trong lãnh phí nguyên, nhiên liệu cũng đã được nhận diện và chủ động loại bỏ. Chẳng hạn, với vấn đề sử dụng nước, giải pháp được nhiều đơn vị áp dụng là lắp đặt hệ thống vòi hạn dòng kiểm soát áp lực nước phù hợp nhằm chống lãng phí. Nước thải sinh hoạt và sản xuất được thu gom xử lý vi sinh và đưa ra hồ điều hòa, một phần được tái sử dụng cho vệ sinh công nghiệp, phần đưa ra hệ thống chung đảm bảo tiêu chuẩn.
Xu hướng chung của nền kinh tế toàn cầu là phát triển theo hướng bền vững. Hiện nhiều nhà nhập khẩu đã yêu cầu sản phẩm phải gắn nhãn hiệu carbon. Các thương hiệu lớn cũng ưu tiên lựa chọn nhà cung ứng có công nghệ sản xuất bền vững, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh sẽ có lợi thế cạnh tranh đáng kể khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thanh Thanh