Việt Nam cần nhân rộng "mảng xanh" cho mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ
Thứ tư, 22/09/2021
Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự tăng trưởng. Để duy trì mức tăng trưởng cao, Việt Nam cần tập trung vào tăng trưởng bền vững và công bố nhiều hơn về các vấn đề ESG. Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC khuyến nghị.
Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư tìm kiếm sự tăng trưởng. Để duy trì mức tăng trưởng cao, Việt Nam cần tập trung vào tăng trưởng bền vững và công bố nhiều hơn về các vấn đề ESG. Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC khuyến nghị.
Việt Nam - tìm kiếm những mảng xanh
Khối Nghiên cứu Toàn cầu HSBC vừa phát hành báo cáo “ESG - những bước đi đầu cho một thị trường cận biên châu Á”, tập trung xem xét những xu hướng về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) tại Việt Nam. HSBC nhận định, Việt Nam cần phát triển thị trường vốn để có thể duy trì mức độ tăng trưởng cao và việc tăng vốn đầu tư nước ngoài sẽ buộc các công ty tập trung nhiều hơn vào yếu tố bền vững.
Nguồn: HSBC
HSBC cho biết, từ lâu đã coi Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư tốt nhất của khu vực. “Đất nước này không chỉ là cơ sở phát triển của chuỗi cung ứng, mà còn đang thiết lập một động lực tăng trưởng kinh tế của chính mình, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn theo đúng nghĩa của nó. Việt Nam cũng là thị trường chứng khoán có tính thanh khoản cao nhất trong ASEAN sau Thái Lan. Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày hiện cao gấp đôi so với cả Singapore và Indonesia cộng lại”, báo cáo nhấn mạnh.
Tuy nhiên, HSBC đưa ra lời nhắc rằng, các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi ở doanh nghiệp nhiều hơn sau khi cơ quan biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc công bố báo cáo mới nhất tuyên bố, những ảnh hưởng của con người “rõ ràng” đã làm nóng bầu khí quyển, đại dương và đất liền. Ông Wai-Shin Chan, Giám đốc Trung tâm Biến đổi Khí hậu và Giám đốc Toàn cầu về Nghiên cứu ESG của HSBC khẳng định: “Các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi cao hơn từ các doanh nghiệp. Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát thải nhiều carbon cần suy nghĩ lại về các mô hình và chiến lược kinh doanh; đối với các ngành công nghiệp, cần có các giải pháp giảm thải carbon cải tiến hơn; đối với tất cả các phân khúc của nền kinh tế, cần chuẩn bị cho các tác động của biến đổi khí hậu” (xem báo cáo IPCC climate science – The twelve key points you need to know, 10/8/2021).
Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất từ biến đối khí hậu. Với sự chú ý nhanh chóng chuyển sang cuộc họp COP26 sắp tới ở Glasgow vào tháng 11, biến đổi khí hậu sẽ vẫn là điểm quan trọng trong chương trình họp. Ngân hàng Thế giới ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm thu nhập quốc dân của Việt Nam lên tới 3,5% vào năm 2050.
Ngân hàng Thế giới ước tính biến đổi khí hậu sẽ làm giảm thu nhập quốc dân của Việt Nam lên tới 3,5% vào năm 2050
Báo cáo của HSBC cho biết, các yếu tố “S” và “G” trong ESG đang ngày càng quan trọng với Việt Nam - thị trường cận biên đang bắt đầu bắt kịp các yếu tố quản trị và xã hội. HSBC ghi nhận, nhiều nhà đầu tư bày tỏ ngạc nhiên khi biết Việt Nam đã có bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp chi tiết và đang đi đúng hướng với việc đáp ứng khá nhiều trong số 17 mục tiêu SDG của Liên Hợp Quốc.
Vấn đề tiếp theo là làm thế nào để nguồn vốn nước ngoài có thể giúp gắn các thông lệ ESG vào hoạt động của doanh nghiệp. Dựa trên cơ sở dữ liệu ESG của HSBC, các chuyên gia đã xem xét các công ty hàng đầu trong danh mục VN30 Index của Việt Nam, đánh giá xem họ đã cải thiện các chỉ số ESG khác nhau như thế nào trong năm năm qua. Thực tế, thị trường chứng khoán của Việt Nam đã có một chỉ số bền vững và đây cũng là điểm được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao.
HSBC chia sẻ quan điểm, ESG sẽ ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư và nếu Việt Nam đi đúng hướng này thì Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư tốt nhất trong khu vực.
Đặt đầu tư ESG trong bối cảnh toàn cầu
Báo cáo cho biết, về cốt lõi, nhiệm vụ của các nhà đầu tư là xem xét sự tăng trưởng, rủi ro, chi phí vốn và tìm cách cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận tốt nhất có thể. Hệ thống tài chính hiện tại có quan điểm thấu hiểu nhưng khá hẹp về rủi ro và lợi nhuận, dựa trên việc siết chặt giá trị tài chính. Đối với đầu tư ESG, lợi nhuận cần được hiểu theo quan điểm của các bên liên quan khác nhau - chủ sở hữu công ty, nhân viên, người mua và nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng chịu tác động bởi doanh nghiệp - chứ không chỉ các nhà đầu tư chứng khoán. Khái niệm này hiện phổ biến tại các thị trường phát triển.
Nguồn: HSBC
Mỹ và Châu Âu đang đi đầu: Ở Mỹ, mức đầu tư ESG hiện tại là hơn 20% tổng số tài sản được quản lý chuyên nghiệp, lên tới hơn 11 nghìn tỷ USD; ở Châu Âu, hiện con số này hơn 17 nghìn tỷ USD. Các cuộc khảo sát cho thấy rằng các nhà đầu tư tổ chức và các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp tìm cách sử dụng ESG chủ yếu để cạnh tranh lợi nhuận điều chỉnh theo rủi ro và quản trị rủi ro.
Một làn sóng mới ở châu Á Thái Bình Dương: Theo MSCI, 79% nhà đầu tư ở châu Á Thái Bình Dương đã tăng đầu tư vào ESG một cách đáng kể vào năm 2020 nhằm đối phó với những bất ổn của COVID-19 và 57% có kế hoạch đưa ESG ở mức độ lớn hơn vào phân tích và quy trình quyết định đầu tư của họ vào cuối năm 2021.
Các quỹ phòng hộ cũng sử dụng ESG: Một cuộc khảo sát do Cerulli & Principles for Responsible Investment (PRI) thực hiện chỉ ra rằng hầu hết những người tham gia khảo sát (46%) hiện đang kết hợp các tiêu chí đầu tư có trách nhiệm vào chiến lược phòng vệ tài sản, và 65% dự định làm như vậy trong vòng hai năm. Theo một cuộc khảo sát của Barclay Hedge, gần 60% tài sản quỹ phòng hộ được gắn với tiêu chí ESG vào năm 2019, tăng từ 42% vào năm 2018. Quản trị được coi là yếu tố ESG quan trọng nhất, được cân nhắc cho các trạng thái bán cũng như mua.
Tại Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thành lập, hàng năm ghi nhận các công ty trong số 1.500 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau dựa trên Bộ Chỉ số Doanh nghiệp Bền vững (CSI). Cùng với đó, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã công bố Chỉ số Phát triển Bền vững Việt Nam (VNSI) vào năm 2017. Các công ty cần đáp ứng các tiêu chí dựa trên những nguyên tắc của OECD về quản trị doanh nghiệp và Tiêu chuẩn Toàn cầu về Báo cáo Phát triển Bền vững (GRI) để được đưa vào danh mục này. VNSI hiện bao gồm 20 công ty, đứng đầu là các công ty tài chính.
Trên TTCK, Việt Nam đã có chỉ số Phát triển Bền vững Việt Nam (VNSI) từ năm 2017, nhưng mới có 20 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn trong danh mục tính chỉ số này.
HSBC đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn chung tạo ra tăng trưởng lợi nhuận cao hơn hầu hết các thị trường phát triển và mới nổi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường e dè do những lo ngại liên quan đến các báo cáo tài chính dưới chuẩn và những gì họ nhìn nhận là các quy định mâu thuẫn, một rủi ro đầu tư thường liên quan đến các thị trường cận biên. Các nhà đầu tư thường tính lợi nhuận cộng để bù đắp cho những yếu tố bất định này, nhưng khi việc công bố thông tin của doanh nghiệp được cải thiện, tâm lý nhà đầu tư cũng trở nên tốt hơn.
Trước thực tế Việt Nam là một trong năm quốc gia có thể chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, các nhà đầu tư quốc tế cho biết sẽ xem xét những gì Việt Nam đang làm để ứng phó với các mối đe dọa này. “Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ nhất định, nhưng vẫn cần đầu tư nhiều hơn”. HSBC khuyến nghị.
Cụ thể, các doanh nghiệp đang và cần chịu sức ép lớn hơn về tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững và minh bạch, bởi điều này sẽ cải thiện việc định giá rủi ro, giúp Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút các nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài cho mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ.
Nguồn TC Kinh tế & Dự báo