[In trang]
Công ty thép miền Nam:Nỗ lực cải tiến tăng năng suất
Thứ ba, 25/11/2014
Ngành Thép đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, sản lượng, doanh thu, thu nhập của người lao động đều giảm. Công ty Thép miền Nam đã có nhiều giải pháp động viên người lao động tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh thông qua nỗ lực sáng kiến, cải tiến nâng cao năng suất lao động.

Ngành Thép đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, sản lượng, doanh thu, thu nhập của người lao động đều giảm. Công ty Thép miền Nam đã có nhiều giải pháp động viên người lao động tiết giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh thông qua nỗ lực sáng kiến, cải tiến nâng cao năng suất lao động.

Nỗ lực cải tiến tăng năng suất

Công ty Thép miền Nam là một đơn vị hạch toán trực thuộc, việc sản xuất kinh doanh của Công ty gắn kết chặt chẽ với Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP, do đó, trong chuỗi sản xuất kinh doanh từ khâu nguyên liệu đầu vào – khâu sản xuất – khâu tiêu thụ sản phẩm, Công ty thuần túy là khâu sản xuất. Vì vậy, việc giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh được Công ty đặc biệt quan tâm ở khâu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cải tiến kỹ thuật để sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng cao nhất, thỏa mãn tối đa yêu cầu của khách hàng.


Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo thực hành tiết kiệm chống lãng phí ngay từ năm 2011, vận động người lao động hưởng ứng tham gia, xây dựng các phong trào thi đua. Ban chỉ đạo đã xây dựng chương trình hành động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, sơ kết, tổng kết theo quý, 6 tháng và hàng năm.


Ngay khi Công ty áp dụng hệ thống quản lý Kaizen của Nhật Bản và khởi động triển khai các phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bước đầu thực hiện thấy rất hiệu quả, khơi gợi được sự sáng tạo trong đội ngũ CBCNV, người lao động đã mạnh dạn đăng ký những sáng kiến, cải tiến của mình trong lao động sản xuất. Nếu như trước đây bình quân tại Công ty mỗi năm có 27 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và chủ yếu là sáng kiến trong sản xuất, thì việc áp dụng Kaizen đã có nhiều sáng kiến hơn và đặc biệt là sáng kiến trong công tác quản lý, mà trước đây rất ít và hầu như không có.


Công ty đã thực hiện việc lấy các chỉ tiêu tiêu hao để giao cho các phân xưởng thực hiện. Nếu đạt vượt mức được giao sẽ được khen thưởng, khi đạt mức đó rồi sẽ đặt làm mốc để phấn đấu vượt mức đã đạt. Trong năm 2012, Công ty đã thực hiện việc áp dụng này và thu được kết quả rất tốt. Năm 2013, Công ty tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu tiêu hao để thực hiện, kết quả trong 6 tháng đầu năm đã ghi nhận các kỷ lục về vượt mức chi tiêu đề ra, cụ thể: Tiêu hao phế liệu mức 1,109; Tiêu hao điện lò EAF + LF: 440 kWh/tấn; Tiêu hao điện tại lò EAF: 401 kWh/tấn… Tổng số tiền thưởng cho các phong trào thi đua trong 6 tháng đầu năm 2013 là hơn 277 triệu đồng.


Qua đánh giá, kết quả cho thấy, năm 2012, Công ty tiết kiệm được gần 118 tỉ đồng; 6 tháng đầu năm 2013 tiết kiệm được 23,9 tỉ đồng, góp phần giảm giá thành sản phẩm, giúp Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn về đơn hàng và việc làm.

Nên có chính sách khoán cụ thể

 

Nhìn lại thời gian triển khai phong trào tiết kiệm, chống lãng phí tại Công ty, có thể thấy công tác tuyên truyền, vận động người lao động tích cực tham gia đóng một vai trò hết sức quan trọng, bởi vì người lao động có nhiệt tình tham gia và thực hiện thì mới có kết quả. Bên cạnh đó, công tác khen thưởng, động viên phải kịp thời và thường xuyên. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các phong trào, Công ty cũng nhận thấy trong những báo cáo về giá trị từ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí mà người lao động đem lại thì họ thực sự chưa được hưởng lợi từ đây. Bởi hàng năm, Công ty vẫn khen thưởng cho người lao động số tiền lên đến hàng tỉ đồng, nhưng số tiền này lại được trích từ quỹ tiền lương mà quỹ tiền lương lại là của người lao động, dẫn đến tâm lý tiêu cực và không mặn mà cho việc này.


Vì vậy, để đẩy mạnh năng suất và chất lượng cho sản xuất kinh doanh, trong thời gian tới, Công ty sẽ nghiên cứu để có chính sách khoán cụ thể các chỉ tiêu tiêu hao, khoán giá thành và nếu thực hiện vượt mức khoán thì người lao động sẽ được hưởng bao nhiêu phần trăm trong giá trị làm lợi đó. Mức khoán đưa ra phải hợp lý để người lao động có thể phấn đấu thực hiện được. Có như vậy, người lao động mới hăng say trong việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và không ngừng sáng tạo để đạt thành tích cao hơn. Điều đó sẽ góp phần tăng sức cạn tranh của sản phẩm, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng này.

Hoàng Quân