Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam nỗ lực với mục tiêu tăng trưởng xanh
Thứ hai, 06/09/2021
TKV công bố các phương án bảo vệ môi trường tổng thể tại TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả trong chiến lược tăng trưởng xanh của mình giai đoạn 2021-2025.
TKV công bố các phương án bảo vệ môi trường tổng thể tại TP. Hạ Long và TP. Cẩm Phả trong chiến lược tăng trưởng xanh của mình giai đoạn 2021-2025.
Theo nội dung được công bố, trong giai đoạn 2021-2025 Tập đoàn Thanh – Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ triển khai năm phương án bảo vệ môi trường tổng thể tại hai địa phương chiến lược là Hạ Long và Cẩm Phả. Đây là những hoạt động cụ thể trọng tâm trong nỗ lực hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng xanh của Tập đoàn.
Tập trung cho các vùng trọng điểm
Hệ thống băng tải kín vận chuyển than, bảo vệ môi trường được triển khai tại nhiều vùng trọng điểm
Theo đó, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, TKV đã phê duyệt năm phương án bảo vệ môi trường tổng thể, tại: mỏ than Hà Tu; cảng Làng Khánh; bãi thải Bàng Nâu; nhà máy tuyển than và cảng Cửa Ông; cảng Km6.
Đây là 5 vị trí trọng yếu, có vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất-kinh doanh của TKV. Đồng thời cũng là những khu vực dễ phát sinh các nguy cơ ảnh hưởng môi trường. Do đó, trong giai đoạn từ 2021-2025, năm vị trí này sẽ được triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường tổng thể, bao gồm quản lý chất thải, nước thải, hoàn nguyên môi trường và tổ chức thêm không gian xanh.
Ông Đỗ Ngọc Tú, Phó Giám đốc Công ty Tuyển than Hòn Gai, cho biết một trong những dự án trọng điểm giai đoạn 2023-2025 của doanh nghiệp là phát triển hệ thống băng tải kín vận chuyển than sạch từ các mỏ Hà Tu, Núi Béo về cảng Làng Khánh. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến gần 800 tỷ đồng, với chiều dài băng tải gần 9km.
Theo ông Tú, khi được vận hành, băng tải khép kín này sẽ được kết nối đồng bộ với hệ thống băng tải hiện có để cung cấp cho Nhiệt điện Quảng Ninh. Và như vậy việc tiêu thụ than qua cảng sẽ loại bỏ hoàn toàn việc vận chuyển bằng ô tô vốn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường và giao thông.
Ngoài ra, theo kế hoạch, trong khoảng từ nay đến cuối năm 2022, Tuyển than Hòn Gai sẽ đầu tư tổng cộng 83,5 tỷ đồng cho hệ thống lưới chắn bụi tại cụm bến số 3 và hệ thống xử lý nước thải công suất cao cho cụm bến số 1 cảng Làng Khánh. Trước đó vào tháng 10/2020, Công ty đã đầu tư 6 tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 50 m3/ngày để làm sạch nước thải sau sản xuất tại cụm bến số 3.
Một đơn vị khác thuộc TKV, Công ty CP Tuyển thanh Hà Tu, cũng đang tích cực triển khai các phương án cải tạo, khắc phục các vấn đề môi trường trong sản xuất. Cụ thể, từ nay đến cuối năm doanh nghiệp đang tập trung triển khai nhằm hoàn thành và đưa vào sử dụng ba hệ thống: phun sương dập bụi cao áp, hệ thống lọc bụi đầu băng và máng hứng than rơi. Đồng thời, tiến hành cải tạo sân bãi một số kho than. Dự kiến quý II/2022, hệ thống lưới chắn bụi giáp đền Cửu Ông cũng sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Riêng với Công ty CP Thanh Cao Sơn, ngoài các biện pháp bảo vệ môi trường đang triển khai, hiện tại doanh nghiệp đang phối hợp với địa phương nhằm đẩy nhanh việc sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trọng điểm. Đây là nỗ lực nhằm tái chế một nguồn chất thải công nghiệp lớn, đồng thời góp phần giảm bới áp lực bãi thải Bàng Nâu.
Các nỗ lực tổng thể
Khai thác than bằng công nghệ hiện đại là chiến lược sản xuất bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường
Bên cạnh các nỗ lực tại năm khu vực trọng điểm, TKV cũng triển khai nhiều giải pháp dài hơn trên tổng thể các mỏ than. Trong đó nổi bật là Đề án Bảo vệ cấp bách môi trường ngành than.
Theo nội dung Đề án, các đơn vị thuộc Tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải tạo, phục hồi và bảo vệ môi trường xung quanh các khu vực khai thác – sản xuất trong giai đoạn 2016-2020. Tổng cộng có 75 dự án, công trình quy mô khác nhau đã được thực hiện, gần 600 ha đất đã được trồng cây cải tạo. Các khu vực thực hiện trải đều tại các vùng Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều. Đồng thời, Tập đoàn phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện di dời 398 hộ dân tại 9 khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt do ảnh hưởng từ các hoạt động khai thác, đổ thải. Hoạt động này cũng nằm trong đề án di dân tổng thể của tỉnh.
Ngoài các biện pháp trên, công nghệ được coi là một giải pháp không thể thiếu trong chiến lược “xanh hoá” các mỏ than. TKV đã đầu tư nguồn lực lớn nhằm hiện đại hoá, cơ giới hoá dây chuyền, nâng cao hiệu quả tại nhiều khâu khác nhau trong các hoạt động khai thác-sản xuất.
Từ năm 2015 đến nay, TKV đã thực hiện áp dụng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hoá tại nhiều đơn vị Khe Chàm, Hà Lầm, Vàng Danh… Hiệu quả ghi nhận năng suất lao động tăng từ 2-5 lần so với trước đây, sản lượng khai thác than cơ giới hoá bình quân mỗi năm đạt 11-14% tổng sản lượng than hầm lò.
Tại các mỏ lộ thiên, các phương án tận dụng đất thải mỏ làm nguyên vật liệu cho các ngành kinh tế khác được nghiên cứu, thúc đẩy triển khai theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo đó, các đơn vị TKV phối hợp với chính quyền địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ cấp đất đá thải mỏ phục vụ GPMB các dự án trọng điểm. Việc đưa đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng sẽ mang lại "lợi ích kép", vừa giảm áp lực bãi thải, đồng thời giảm độ cao, bụi phát tán và chống sạt lở cho các bãi thải hiện nay.
Đồng thời, trên tổng thể, TKV đã và đang tiếp tục đầu tư từng bước băng tải hoá vận chuyển than để giảm giá thành, chi phí sản xuất và đảm bảo các yếu tố môi trường. Trong giai đoạn 2015-2020, các phương án đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa và đồng bộ thiết bị công suất lớn đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 23,5% xuống 20%, và trong khai thác lộ thiên từ 4,9% xuống 4,3%. Năng suất lao động tính theo giá trị tăng bình quân là 12%/năm.
Những kết quả đáng khích lệ đó đã chứng minh hướng đi đúng đắn của TKV. Trong giai đoạn tới, Tập đoàn xác định ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ vào quản lý, nâng cao năng lực sản xuất tổng thể theo hướng phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bạch Đằng