[In trang]
Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường để thúc đẩy tiêu dùng bền vững
Thứ tư, 11/08/2021
Sự thay đổi theo hướng tích cực của người tiêu dùng đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch để thu hút người tiêu dùng
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, người tiêu dùng cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Bắc Giang nói riêng đang ngày càng quan tâm tới sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX-TDBV), cũng như những sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất, tiêu dùng và sử dụng sản phẩm.
Siêu thị Big C Bắc Giang sử dụng lá chuối để gói thực phẩm
Sự thay đổi theo hướng tích cực của người tiêu dùng đang mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong việc sản xuất, cung ứng hàng hóa theo các tiêu chí xanh, sạch để thu hút người tiêu dùng (TD).
Trào lưu mới trong sử dụng sản phẩm “xanh”
Những năm gần đây, nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng, quán cà phê trên địa bàn tỉnh Bắc Giang… đưa ra nhiều ý tưởng kinh doanh để thúc đẩy TD xanh, thân thiện với môi trường như: Chuyển sang sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay cho cốc nhựa, túi nilon thông thường; Sử dụng các loại ống hút tre, gỗ, ống hút làm từ thân cây cỏ bàng thay cho ống hút nhựa; Làm bàn chải đánh răng từ thân tre; Sử dụng túi, làn được làm bằng cói và lấy lá chuối bọc thực phẩm thay cho túi nilon…
Theo ông Vũ Thanh Tân – đại diện bộ phận truyền thông hệ thống Siêu thị Big C cho biết: Những năm qua, hệ thống Siêu thị Big C trên cả nước nói chung và ở Bắc Giang nói riêng luôn tích cực chống rác thải nhựa bằng nhiều hành động thiết thực như: Triển khai kinh doanh túi sử dụng nhiều lần không lợi nhuận; Sử dụng túi nilon phân hủy sinh học làm từ bột bắp và khoai tây; Không áp dụng kinh doanh và sử dụng ống hút nhựa. Đặc biệt, Big C đang áp dụng gói rau bằng lá chuối đối với các sản phẩm cần tây, măng xanh, rau ngò, rau thơm… Mặt khác, để giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, Big C hỗ trợ cung cấp thùng giấy các-tông đựng hàng hóa miễn phí cho khách hàng. Điều này đã và đang góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy TD bền vững.
Ngoài các siêu thị, trung tâm thương mại khu vực TP. Bắc Giang, tại chợ truyền thống các huyện như: Hiệp Hòa; Tân Yên; Việt Yên; Yên Dũng; Lạng Giang…, các tiểu thương cũng đã có nhiều hành động cụ thể, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Chị Nguyễn Thị Hương – bán hàng tại chợ Kép (huyện Lạng Giang) cho hay: “Mỗi khi bán hàng, tôi dùng lá chuối để gói bánh rán, bánh khoai cho khách. Làm như vậy lợi cả đôi đường, vừa tiết kiệm chi phí vì không phải mua túi nilon, lại vừa hạn chế việc xả rác nhựa ra môi trường”.
Tương tự, tại chợ Hòa Bình, xã Liên Chung hoặc chợ Bỉ, xã Ngọc Thiện (huyện Tân Yên), người dân địa phương đã dần chuyển sang sử dụng làn cói để đi chợ. Nếu như trước đây, nhiều người chỉ mua vài nhánh hành, củ nghệ hay mớ rau thì cũng dùng túi nilon, thì nay hầu như để toàn bộ đồ mua tại chợ vào trong làn cói, do đó, đã giảm đáng kể rác thải nhựa phát sinh. Ngoài ra, nhiều người dân còn hạn chế sử dụng ống nhựa dùng một lần trong sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Khánh Huyền (thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên) cho hay: “Xác định việc dùng ống hút nhựa vừa không tốt cho sức khỏe, lại thải rác khó phân hủy ra môi trường, nên mỗi khi đi làm, tôi thường mang theo bình đựng nước bằng thủy tinh, ống hút làm từ vỏ bàng để tiện sử dụng”.
Tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng bền vững
Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang đã đặc biệt quan tâm và dành nguồn lực cho SX-TDBV nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người dân để thay đổi hành vi tiêu dùng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã khuyến khích TD theo hướng tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng; Tuyên truyền về các tác hại của việc sử dụng bao bì nilon, khuyến khích người dân hạn chế việc sử dụng bao bì linon trong sinh hoạt và TD.
Nhằm hướng tới mục tiêu tiếp tục thúc đẩy TDBV, trong đó, giảm 65% túi nilon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại vào năm 2030, UBND tỉnh Bắc Giang đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện/thành phố, cũng như các đơn vị, tổ chức liên quan tập trung khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật để người dân, cộng đồng triển khai, mở rộng quy mô các mô hình sản xuất thân thiện với môi trường; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và DN về các hành vi và cách thức sản xuất có lợi cho môi trường; Khuyến khích các DN lập kế hoạch và thực hiện tái chế, tái sử dụng chất thải, cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật giảm phát thải.
Cùng với đó là tiếp tục thúc đẩy hoạt động dán nhãn sinh thái và quảng bá các thông tin về sản phẩm thân thiện với môi trường; Xây dựng và đưa vào áp dụng cơ chế để ràng buộc chi tiêu công với các tiêu chí “kinh tế xanh”; Tăng cường tuyên truyền và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; Thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo: Công nghiệp và Tiêu dùng