[In trang]
Đồng Nai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Thứ sáu, 28/05/2021
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản số 4607/UBND-KTN về việc tiếp tục thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành văn bản số 4607/UBND-KTN về việc tiếp tục thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh.

Một điểm thu gom rác
Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố, các đơn vị thu gom chất thải, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí… tiếp tục thực hiện các biện pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Chỉ thị số 54-CT/TU của Ban thường vụ tỉnh ủy.
Cụ thể, các đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn giai đoạn 2021-2025 và từng năm. Duy trì và mở rộng phạm vi thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn các huyện, thành phố. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đến từng cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và cá nhân.
Các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải phải trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị đảm bảo thu gom, vận chuyển riêng 2 loại chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại đến các điểm, trạm trung chuyển và khu xử lý. Đầu tư các hạng mục công trình tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, góp phần giảm thiểu chất thải rắn chôn lấp, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo tỷ lệ chất thải trơ được chôn lấp dưới 15%.  
Trước đó trong báo cáo đầu năm, Sở TN&MT Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh đã thu gom, xử lý triệt để khoảng 2,6 tấn/ngày đối với chất thải y tế nguy hại và khoảng 11,3 tấn/ngày đối với chất thải y tế thông thường; khoảng 1.117 tấn/ngày chất thải công nghiệp thông thường được thu gom tái chế hoặc xử lý bởi các đơn vị có chức năng, được cấp phép; không còn tình trạng lưu trữ chất thải nguy hại tại nguồn, khoảng 451 tấn/ngày được thu gom, xử lý. Riêng với chất thải rắn sinh hoạt, tổng khối lượng thu gom khoảng 1.833 tấn/ngày, đạt tỷ lệ 100%, trong đó hơn 70% được xử lý làm phân vi sinh, hơn 14% chôn lấp, còn lại đốt.
Theo Báo Tài nguyên & Môi trường