Nguồn nguyên liệu dồi dào sản xuất gạch không nung từ chất thải nhà máy
Thứ ba, 04/05/2021
Sử dụng xúc tác FCC thải của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, hay chất thải tro và xỉ từ các nhà máy nhiệt điện… đang được coi là nguồn nguyên liệu dồi dào cho việc sản xuất gạch không nung, vừa góp phần giải quyết bài toán môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sử dụng.
Tiết kiệm chi phí xử lý chất thải
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Anh Đức, Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho biết: Viện Dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu sử dụng xúc tác FCC (Fluid Catalytic Cracking) thải của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất làm nguyên liệu để sản xuất gạch không nung. Các sản phẩm gạch không nung 4, 6 hoặc 8 lỗ sử dụng FCC thải đã đáp ứng được các chỉ tiêu về vật liệu xây dựng theo TCVN 6477-2016 về cả cường độ nén, độ thấm nước, độ hút nước. Bên cạnh đó, sản phẩm gạch không nung 8 lỗ còn có nhiều điểm vượt trội hơn gạch không nung thông thường sử dụng công nghệ ép rung và gạch nung truyền thống.
Sản phẩm gạch không nung sử dụng xúc tác FCC thải của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Chẳng hạn, gạch có độ rỗng lớn hơn 50%, kích thước gạch to, tiết kiệm vữa xây và công thợ xây nhưng khối lượng lại nhẹ và phù hợp với văn hóa xây dựng của công nhân. Do tính chất đặc biệt của FCC thải mà gạch không nung FCC có độ mịn tốt hơn và có độ xốp cao hơn cốt liệu thông thường nên với tỷ lệ phù hợp, gạch không nung có FCC có thể nhẹ hơn gạch không nung không có FCC…
Việc sản xuất gạch không nung từ xúc tác FCC thải của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mang lại hiệu quả kinh tế lớn, giúp tiết kiệm chi phí xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. “Hiện tại, phân xưởng FCC tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang thải ra khoảng 15 - 20 tấn xúc tác FCC thải mỗi ngày và nhà máy đang phải tốn chi phí để xử lý lượng xúc tác thải này. Ngoài ra, để xử lý khối lượng lớn xúc tác FCC thải như vậy, còn cần diện tích đất lớn để chôn lấp và tiềm ẩn tác động đến môi trường trong tương lai lâu dài” - ông Đức nói, đồng thời cho hay, Viện Dầu khí Việt Nam đã hợp tác cùng Công ty Gạch ống không nung Ngôi sao Bình Dương để sản xuất loại gạch này.
Một trong những doanh nghiệp tiên phong hưởng ứng, đầu tư dây chuyền sản xuất, tận dụng tro và xỉ thải từ các nhà máy nhiệt điện sản xuất gạch không nung là Công ty Cổ phần Thanh Tuyền Group. Được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2017, đến nay nhà máy sản xuất gạch không nung (tại xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) của Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền đã cung cấp cho thị trường nhiều loại sản phẩm, thậm chí đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Ông Vũ Thanh Tuyền, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Tuyền Group chia sẻ: Thanh Tuyền luôn tự hào vì đã mạnh dạn đi đầu trong cả nước sản xuất gạch không nung bằng tro bay và xỉ thải của nhà máy nhiệt điện. Hiện nay, công suất của nhà máy đạt 100 triệu viên/năm, trong đó gạch không nung sản xuất từ tro bay chiếm tới 70%. Hơn nữa, từ việc sản xuất gạch không nung, chúng tôi đã tạo việc làm cho khoảng 250 lao động với thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng, đồng thời góp phần giải quyết khó khăn từ việc san lấp tro bay và xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện trong tỉnh Quảng Ninh.
Kích cầu phát triển gạch không nung
Theo ông Nguyễn Anh Đức, sử dụng xúc tác FCC thải của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất làm nguyên liệu để sản xuất gạch không nung, tức là Viện đang sử dụng một nguyên vật liệu có giá trị âm, nếu như không sử dụng để sản xuất gạch không nung, sẽ phải xử lý nó như một chất thải. Do đó, việc sử dụng làm gạch không nung vừa đỡ tốn công xử lý, vừa là tạo ra sản phẩm, sẵn sàng cạnh tranh về mặt giá thành. Trong tương lai gần, Viện sẽ tiếp tục nghiên cứu sử dụng nguyên liệu là các chất thải của các nhà máy nhiệt điện (tro bay, tro xỉ) và các nhà máy thép (xỉ thép).
Sử dụng vật liệu xây không nung là xu hướng tất yếu, do có nhiều ưu điểm, lợi thế về môi trường, giá thành, chất lượng công trình...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức thừa nhận, mặc dù sử dụng gạch không nung sẽ tốt hơn cho môi trường, nhưng khó khăn lớn nhất của gạch không nung là phải thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Theo đó, Viện Dầu khí Việt Nam sẽ kết hợp với các viện khác để hướng dẫn người dân và đưa ra những quy trình chuẩn để họ có thể áp dụng gạch không nung trong công tác xây dựng dân dụng bình thường.
Ông Võ Quang Diệm, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng nhận định: Trong tương lai, thị trường tiêu thụ sản phẩm gạch không nung sẽ phát triển vì gạch không nung có nhiều ưu điểm, lợi thế về môi trường, giá thành, chất lượng công trình… Việc sử dụng gạch không nung trên thế giới đã có từ lâu với tỷ lệ sử dụng rất cao. Tại Việt Nam, nhiều đơn vị sản xuất đã đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại, tự động hóa hoàn toàn, làm chủ được công nghệ, kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất.
Để các sản phẩm gạch không nung được sử dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống, ông Võ Quang Diệm cho rằng: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền ưu điểm, lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường của việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, phổ biến kiến thức, nội dung liên quan đến sản xuất và sử dụng vật liệu này đến các chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát và người dân để làm thay đổi và sâu sắc hơn nhận thức về gạch không nung. Đặc biệt, nên khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất gạch không nung có trình độ công nghệ cao, tự động hóa hoàn toàn; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất gạch không nung được hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật.
Riêng đối với xử lý tro và xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, theo một số chuyên gia, hiện nay, lượng tro và xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện là một áp lực rất lớn đối với môi trường. Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để có thể biến lượng tro và xỉ này thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là sản xuất gạch không nung.
Tuy nhiên, do quãng đường vận chuyển từ các nhà máy nhiệt điện đến các nhà máy gạch không nung tương đối xa nên lượng tro xỉ sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng thực chất còn khiêm tốn. Đây là vấn đề Nhà nước cần phải nghiên cứu để làm sao có những cơ chế khuyến khích hơn; xây dựng chính sách ưu đãi, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng tro và xỉ làm nguyên liệu đầu vào sản xuất gạch không nung.
Theo Báo Công Thương