[In trang]
Việt Nam đủ năng lực để xây dựng kinh tế tuần hoàn đối với chất thải
Thứ năm, 29/04/2021
Để phát triển ngành công nghiệp môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025 đã được ban hành chi tiết, theo đó các doanh nghiệp (DN) cần nghiên cứu, áp dụng kho học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh theo hướng xanh sạch, thân thiện với môi trường và đây là yêu cầu bức thiết cần sớm được triển khai phát triển nền kinh tế tuần hoàn đối với chất thải.
Để phát triển ngành công nghiệp môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025 đã được ban hành chi tiết, theo đó các doanh nghiệp (DN) cần nghiên cứu, áp dụng kho học kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh theo hướng xanh sạch, thân thiện với môi trường và đây là yêu cầu bức thiết cần sớm được triển khai phát triển nền kinh tế tuần hoàn đối với chất thải.
Ông Trần Anh Tấn - Phú Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp Bộ Công Thương - phát biểu khai mạc Hội thảo Phát triển ngành công nghiệp môi trường thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đối với chất thải, do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp và Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức chiều ngày 24/4, tại TP. Hồ Chí Minh.
Công nghiệp môi trường - phải gắn với công nghệ của từng ngành sản xuất
Ông Trần Anh Tấn cho biết, thực tế hiện nay, hệ thống pháp luật và chính sách về bảo vệ môi trường đang còn nhiều điểm chưa đồng bộ, cần thiết phải rà soát và điều chỉnh hoàn thiện. Vì thế, Chính phủ và Bộ Công Thương yêu cầu các bộ ngành, cộng đồng DN cần nhận diện, xác định các thách thức, vấn đề về môi trường trong các hoạt động công nghiệp (chất thải điện tử, điện mặt trời, điện gió, điện rác, từ trường, bức xạ…) và thương mại (dịch chuyển các loại công nghệ cũ, lạc hậu, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…) để xây dựng một nền kinh tế xanh sạch, thân thiện với môi trường và giúp cơ quan quản lý nhà nước có được các giải pháp cụ thể nhằm tránh bị động trong công tác bảo vệ, ứng phó với các sự cố môi trường.
Theo ông Đinh Văn Tuân, đại diện Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp, Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025 được ban hành nhằm thúc đẩy các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp; đề xuất xây dựng mô hình thí điểm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường; đào tạo nhân lực, phổ biến các quy định pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường…
Theo đó, tại Việt Nam phấn đấu đạt 70 - 90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp;100% các DN ngành công thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Theo ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, trước tình hình môi trường của Việt Nam hiện nay đang ngày càng đối mặt với những vấn đề mà toàn xã hội phải vào cuộc và quan tâm. Quốc hội cũng đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó cũng đã quy định ngành công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế để phát triển.
Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Để phát triển công nghiệp môi trường, phải gắn rất chặt với công nghệ của từng ngành sản xuất. Đồng thời ngành này phải giải quyết bài toán gắn chặt với nền kinh tế tuần hoàn, đó là ngành công nghiệp mà tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm còn lại của quá trình công nghiệp khác.
Theo ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) trước hết ở nhận thức: Nhận thức từ người dân cho đến những người làm quản lý và kỹ nghệ, phải coi KTTH không phải để xử lý chất thải mà tuần hoàn vật chất, tạo ra giá trị gia tăng cho những vật chất mà trong quá trình sử dụng công nghệ vẫn chưa được sử dụng hết thì sẽ được tiếp tục được sử dụng trong một ngành công nghệ mới, đó là KTTH.
Các đại biểu tại hội thảo cho rằng, để thực hiện KTTH, cần giải quyết triệt để những tác động ra môi trường. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Green Life Group - cho biết, DN đã đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn, sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại từ Khu công nghiệp Định Quán (Đồng Nai), Nhà máy Lý Sơn (Quảng Ngãi), Nhà máy Lagi, đảo Phú Quý (Bình Thuận). Đồng thời, Green Life Group phát triển thêm nhà máy tái chế, xử lý rác, tận thu những nguồn nguyên liệu như túi nilon, dầu nhớt thải, những chất thải nguy hại… Trong những dự án sắp tới, DN hướng đến đốt rác phát điện, tận thu tất cả nguồn nhiệt lượng từ đốt rác mà bấy lâu nay bỏ phí.
Ông Nguyễn Quang Minh cũng cho biết thêm, trong năm 2022, Green Life Group sẽ đầu tư thêm nhà máy đốt rác phát điện tại Định Quán (Đồng Nai). Ngoài ra - hiện DN còn đầu tư dự án tại Trà Vinh, xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp, nguy hại và đặc biệt là đốt rác phát điện.
Ý kiến tranh luận của giáo sư Võ Tòng Xuân và các DN như Tập đoàn Tín Thành, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, Công ty TNHH Môi trường SUS Thượng Hải, Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng Đa Lộc... từng thành công trong việc thực hiện kinh tế toàn hoàn đối với chất tải phát biểu tại hội thảo chỉ ra rằng, phế phẩm nông nghiệp, phế thải công nghiệp chính là tài nguyên đắt giá. Với khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện nay các DN hoàn toàn có đủ năng lực để thực thi hiệu quả trong việc biến rác thải thành tiền. Theo đó, thông qua công nghệ và sự vận hành theo chuỗi của các nhà máy sẽ biến rác thải thành điện năng, phân bón, vật liệu xây dựng... có giá trị, vừa mang lại lợi ích lớn cho cuộc sống và trực tiếp bảo vệ môi trường.
Bảo vệ môi trường ngành Công Thương
Tại hội thảo các đại biểu đều nhìn nhận, ngành Công Thương với đặc thù sản xuất công nghiệp và thương mại, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, các DN thuộc ngành đóng vai trò quan trọng trong việc xanh hóa nền công nghiệp, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đất nước. Song các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại cũng phát sinh nhiều vấn đề về môi trường cần được quan tâm giải quyết.
Đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo “Phát triển ngành công nghiệp môi trường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đối với chất thải”
Trình bày tham luận “Bảo vệ môi trường ngành công thương giai đoạn 2020-2025 tại hội thảo, ông Hoàng Văn Vy - Cục phó Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc - cho rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong các lĩnh vực gia công, chế biến sản phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (giấy, dệt nhuộm, thuộc da, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, nhiệt điện…) và tạo ra áp lực lớn trong công tác bảo vệ môi trường (BVMT).
Do đó, yêu cầu về nhận diện, xác định các thách thức, vấn đề về môi trường trong các hoạt động công nghiệp (chất thải điện tử, điện mặt trời, điện gió, điện rác, từ trường, bức xạ…) và thương mại (dịch chuyển các loại công nghệ cũ, lạc hậu, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…) trong giai đoạn tới sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có được các giải pháp cụ thể nhằm tránh bị động trong công tác bảo vệ và ứng phó với các sự cố môi trường.
Hiện nay, có 70% - 90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát. Đáng chú ý 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp... đáp ứng yêu cầu BVMT.
Ông Hoàng Văn Vy cho rằng, mục tiêu đến 2025, các DN ngành Công Thương đẩy mạnh sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt, tiến tới thay thế túi nilon khó phân hủy. Đồng thời, xác định nguy cơ và đề xuất các chính sách BVMT đối với các dự án năng lượng như điện từ rác thải, điện gió, điện mặt trời và một số lĩnh vực khác theo kế hoạch tái cơ cấu ngành công nghiệp.
Một số DN phía Nam được kết nạp hội viên của Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam
Theo Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, nhận thức tầm quan trọng của công tác BVMT trong sự nghiệp phát triển bền vững hoạt động công nghiệp và thương mại, ngành Công Thương đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhưng các DN ngành Công Thương đã chấp hành tương đối nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về BVMT.
Tuy nhiên, với việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, khi các Hiệp định CPTPP, EVFTA có hiệu lực thực hiện, đòi hỏi rất lớn các DN trong nước phải có những bước đi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn liền với BVMT. Do đó, các DN phải nhìn nhận, thay đổi chiến lược phát triển, xác định phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh - sạch - nền KTTH để phát triển bền vững.
Ông Trần Đình Quyền - Chủ tịch HĐQT - CEO Tập đoàn Tín Thành - cho biết, hơn 10 năm qua, Tập đoàn Tín Thành đã nghiên cứu, phát triển và thay thế công nghệ cho hơn 32 nhà máy như Coca-cola, Carlsberg, Sabeco, Habeco, Casumina… Tín Thành cũng đã sử dụng nhiên liệu biomass để thay thế cho hàng triệu tấn dầu FO, góp phần giảm phát hàng triệu tấn CO2 cho nhiều địa phương trên cả nước. DN đã và đang tập trung chuyên sâu về chương trình công nông nghiệp khép kín tuần hoàn phát triển năng lượng tái tạo. Chương trình là sự kết hợp của chuỗi liên hoàn phát triển năng lượng tái tạo - chuỗi giá trị gia tăng từ cây cao lương và năng lượng tái tạo từ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp. Tín Thành hiện đang sở hữu 2 loại nhiên liệu quan trọng để chuyển hóa thành điện hơi, điện sinh khối, điện rác thải.
“Chúng tôi tin rằng, việc thực hiện quá trình chuyển dịch từ nguồn nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn nhiên liệu tái tạo để phát triển năng lượng tái tạo và đặc biệt là sự cộng hưởng, tuần hoàn của hai chương trình lớn này không chỉ đóng góp trực tiếp cho sự vận hành, phát triển của ngành năng lượng, nông nghiệp, môi trường mà còn mang lại những ảnh hưởng tích cực đến đời sống - xã hội và sự phát triển của toàn nền kinh tế”, ông Quyền chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng, trong quá trình triển khai, Tín Thành và nhiều DN trong ngành hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại về cơ chế, chính sách và quy định pháp luật. Vì vậy cá nhân ông cũng như nhiều DN rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế hỗ trợ phù hợp, kịp thời trong việc triển khai các dự án nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy nhanh quý trình tái cơ cấu ngành năng lượng, nông nghiệp, môi trường và phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Theo: Báo Công Thương