Đẩy mạnh sản xuất xanh và tăng trưởng xanh
Thứ ba, 27/04/2021
Đó là một trong những kiến nghị của các chuyên gia về giải pháp phát triển năng lượng bền vững tại Diễn đàn phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam được tổ chức ngày 20-4 tại Hà Nội.
Đó là một trong những kiến nghị của các chuyên gia về giải pháp phát triển năng lượng bền vững tại Diễn đàn phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam được tổ chức ngày 20-4 tại Hà Nội.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đều cho rằng, năng lượng vừa là ngành kết cấu hạ tầng vừa là ngành sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, là động lực của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việt Nam đứng trong số các nước hàng đầu có tiềm năng về năng lượng tái tạo ở Đông Nam Á. Sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là sử dụng các nguồn tài nguyên bản địa để cung cấp năng lượng hiệu quả cho nền kinh tế và giảm năng lượng nhập khẩu, giảm mức tiêu thụ năng lượng hóa thạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là sử dụng các nguồn tài nguyên bản địa để cung cấp năng lượng hiệu quả cho nền kinh tế. Ảnh minh họa.
Tuy thế, hiện nay, nhận thức về tăng trưởng xanh vẫn còn hạn chế, nguồn ngân sách phân bổ cho các hoạt động, dự án, chương trình để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh còn thiếu; sự tham gia của tư nhân còn hạn chế trong các ngành, lĩnh vực... Do đó, PGS, TS Bùi Quang Tuấn cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần nhận thức đầy đủ về “cơ hội vàng” cũng như các thách thức và phương hướng phải làm trong thời gian tới để đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất xanh và tăng trưởng xanh, dần dần thực hiện lối sống xanh, thúc đẩy tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm..
Quang cảnh diễn đàn.
Phân tích về năng lượng tái tạo, theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021-2030, mức tiết kiệm năng lượng trung bình có thể giúp đạt các mục tiêu chính sách tốt với mức tăng chi phí vừa phải. Tuy nhiên ở giai đoạn sau 2030, nếu các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả được đẩy mạnh hơn nữa thì hiệu quả kinh tế đối với quốc gia sẽ cao hơn nhiều. Năng lượng tái tạo và khí tự nhiên sẽ là các trụ cột cho việc chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn thông qua giảm tỷ trọng năng lượng nhập khẩu và đa dạng hóa cung cấp năng lượng.
Do vậy, ông Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, cần hoàn thiện khung pháp lý, thể chế ở các phân ngành năng lượng phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Cùng với đó là đẩy mạnh khả năng cung cấp nhiên liệu hóa thạch trong nước thông qua xây dựng năng lực dự trữ, đầu tư mỏ, đẩy mạnh thăm dò và phát hiện trữ lượng tài nguyên năng lượng mới. Đặc biệt, cần định giá năng lượng hiệu quả theo cơ chế thị trường, đưa ra tín hiệu giá đúng đắn điều chỉnh các hành vi sản xuất và tiêu thụ năng lượng; từng bước hoàn thiện các thị trường năng lượng liên thông và đồng bộ nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động cung cấp và sử dụng năng lượng...
Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân