[In trang]
Việt Nam từng bước xây dựng lộ trình cho thị trường các-bon
Thứ năm, 29/04/2021
Theo đó, Việt Nam đã có một số dự án tham gia thị trường các-bon tự nguyện, trao đổi theo nhu cầu các bên, phổ biến là Tiêu chuẩn các-bon chứng nhận (VCS), Tiêu chuẩn vàng (GS)...
Có thể nói, dù tham gia các hoạt động trao đổi tín chỉ quốc tế dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng đến nay, Việt Nam mới bắt đầu đặt những “viên gạch” đầu tiên chính thức xây dựng thị trường các-bon trong nước, khởi đầu bằng việc đưa nội dung này vào Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Giám đốc Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam” (Dự án VNPMR) cho biết, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu sắp bước sang giai đoạn mới với việc các bên bắt đầu thực hiện Thỏa thuận Paris kể từ năm 2021 trở đi. Trong đó, bao gồm đóng góp về giảm phát thải nhà kính được cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Việt Nam đã hoàn thành NDC cập nhật và đã gửi cho ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường, tương đương 83,9 triệu tấn CO2. Mức đóng góp giảm nhẹ sẽ tăng lên 27%, tương đương 250,8 triệu tấn CO2 khi nhận được hỗ trợ quốc tế.

Trên thực tế, thị trường các-bon trên thế giới tồn tại dưới hai hình thức, gồm thị trường các-bon bắt buộc và thị trường các-bon tự nguyện. Thị trường các-bon bắt buộc được thành lập và quản lý bởi các hiệp định, thỏa thuận giảm phát thải các-bon quốc gia và quốc tế, ví dụ như Nghị định thư Kyoto, thị trường trao đổi phát thải của Liên minh châu Âu. Cơ chế vận hành tiêu biểu là thông qua thiết lập hệ thống thương mại phát thải (ETS).

Việt Nam đã có một số dự án tham gia thị trường các-bon tự nguyện, trao đổi theo nhu cầu các bên, phổ biến là Tiêu chuẩn các-bon chứng nhận (VCS), Tiêu chuẩn vàng (GS)... Điểm đặc biệt của thị trường các-bon tự nguyện là sự đa dạng dự án của các bên, và thường được coi là nơi thử nghiệm trước khi đưa vào thị trường các-bon bắt buộc. Theo quy định của các cơ chế này thì hồ sơ không cần có ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng theo Luật Bảo vệ môi trường, các hoạt động này về sau sẽ cần phải đăng ký với Bộ TN&MT để nắm được các giao dịch.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn thuộc Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước và thực hiện các dự án trao đổi tín chỉ trong và ngoài nước.

Song song, để hình thành và phát triển thị trường các bon ở Việt Nam, một số nội dung ưu tiên cần tiếp tục được triển khai đồng bộ như xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…

Theo đó, từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn chuẩn bị, thực hiện các hoạt động như nghiên cứu quy chế xây dựng thị trường các-bon, các quy định về triển khai thực hiện cho phép đơn vị tham gia dự án trao đổi Tín chỉ các-bon, tăng cường năng lực cho các bên tham gia; điều tra, đánh giá xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính sẽ phân bổ cho các cơ sở tham gia thị trường…
Hà Trần