[In trang]
Kinh tế tuần hoàn - Hướng phát triển bền vững của TKV
Thứ bảy, 13/03/2021
TKV đang khuyến khích các đơn vị trong ngành đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị gia tăng, sản xuất than phát triển hài hòa với môi trường. Hướng kinh tế tuần hoàn này giúp Tập đoàn giảm chi phí sản xuất, có thể tái sử dụng nước thải, đất đá thải… thành nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các nhà máy.
TKV đang khuyến khích các đơn vị trong ngành đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị gia tăng, sản xuất than phát triển hài hòa với môi trường. Hướng kinh tế tuần hoàn này giúp Tập đoàn giảm chi phí sản xuất, có thể tái sử dụng nước thải, đất đá thải… thành nguyên liệu phục vụ sản xuất cho các nhà máy.
Kho chứa than thu hồi sau lọc ép của Công ty Tuyển than Cửa Ông được cấp chủ yếu cho Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả.
Tái sử dụng nguồn tài nguyên phục vụ sản xuất
Trước đây, để tận thu than sau quá trình sàng tuyển tại các nhà máy của Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV, phương pháp duy nhất là xử lý bằng cách phơi bùn ngoài các hố lắng tự nhiên, khá lạc hậu, hiệu quả kinh tế không cao. Các hố bùn lắng của Tuyển than Cửa Ông nằm sát Vịnh Bái Tử Long (TP Cẩm Phả), tiềm ẩn lượng lớn nước dễ bị ngấm thẩm thấu vào đất và bay hơi. Mùa mưa, bùn và nước dễ tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường xung quanh; thời tiết nắng, khô kéo dài, việc thu hồi, vận chuyển than bùn gây phát tán bụi bẩn, vừa ô nhiễm môi trường không khí, vừa gây thất thoát sản lượng than thu hồi.
Để khắc phục tình trạng này, cuối năm 2009 Công ty đã đầu tư 118 tỷ đồng xây dựng Xưởng lọc than bùn cặn bể cô đặc của 2 nhà máy tuyển số 1 và số 2; công suất 1-2 triệu tấn than/năm. Xưởng lọc than bùn  gồm các hạng mục chính: Nhà đặt máy lọc chân không tăng áp, nhà đặt máy nén khí và nhà kho than cám sau lọc.
Quý I/2010, Xưởng đi vào hoạt động, vận hành theo cơ chế chuyển bùn than từ đáy bể cô đặc của nhà máy sàng tuyển qua trạm bơm chuyển tiếp, rồi được bơm vào thùng khuấy trong nhà máy (dung tích 52m3/thùng). Tại thùng khuấy, bùn than được bổ sung chất trợ lắng keo tụ, rồi được 3 bơm có lưu lượng 250m3/h, bơm vào 3 máy lọc ép kiểu buồng tăng áp. Qua máy lọc ép tăng áp, dưới tác dụng của dòng khí nén (từ xưởng khí nén cấp vào), bùn than được phân tách thành than bùn và nước lọc. Bùn than sau khi được tách nước có độ ẩm tiếp tục được tách bằng máy phân ly nước và không khí, chảy vào bể nước tuần hoàn và được bơm trở lại nhà máy tuyển.
Với công nghệ lọc, ép than bùn giúp Công ty tăng khả năng thu hồi than bùn để thành phẩm than cám 5, cám 6 cung cấp cho Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả hoặc pha trộn với các loại than khác. Sản phẩm sau khi lọc ép đáp ứng được yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng, sản xuất ngày càng thân thiện với môi trường. Công ty còn có thể khắc phục được những nhược điểm tình trạng ô nhiễm môi trường quanh khu vực hố lắng. Năm 2020, sản lượng than bùn sau lọc ép của Công ty đạt 430.000 tấn; dự kiến năm 2021 là trên 456.000 tấn.
Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê (TX Đông Triều) và Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả thải ra môi trường khoảng 1,2-1,4 triệu tấn tro xỉ/năm. Trước đây, cả 2 nhà máy này đều chịu áp lực lớn trước tình trạng quá tải bãi thải tro xỉ. Tuy nhiên việc tận dụng tro xỉ nhiệt điện làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các loại vật liệu xây dựng như: Gạch không nung, bê tông nhẹ, tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ, rất hiệu quả, đặc biệt là phụ gia cho sản xuất xi măng đang là hướng đi giải quyết "lợi ích kép” của các nhà máy.
Bãi thải tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả được dự trữ cung cấp làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các loại vật liệu xây dựng.
Điển hình từ năm 2016 đến nay, Công ty Nhiệt điện Đông Triều đã ký hợp đồng với Công ty CP Thanh Tuyền Group (TX Đông Triều) tiêu thụ 300.000 tấn tro xỉ/năm để làm vật liệu sản xuất gạch không nung. Đây là đơn vị tiêu thụ lượng tro xỉ lớn và ổn định nhất của Công ty. Trung bình mỗi năm, sản lượng của Nhà máy đạt trên 200 triệu viên các loại, trong đó gạch không nung khoảng 120 triệu viên.
Theo tính toán của các chuyên gia, việc xử lý tro xỉ nhiệt điện rất tốn kém, cần hàng trăm ha đất để chứa và chôn lấp; chi phí mặt bằng bãi đổ thải khoảng 1 triệu đồng/m2; xử lý tro xỉ, vận hành bãi khoảng 120.000 đồng/tấn. Sản phẩm gạch không nung nói riêng, các sản phẩm thân thiện với môi trường của Công ty nói chung, đang góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giúp các cơ sở sản xuất giảm chi phí xử lý chất thải công nghiệp, tiết kiệm tài nguyên, chi phí, tạo ra các sản phẩm mới.
Phát triển rộng chuỗi giá trị
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là tài nguyên than khai thác ngày càng xuống sâu, cạn kiệt dần đã kéo theo chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận sản xuất, kinh doanh của các đơn vị TKV. Việc phát triển chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn được xem là “chìa khóa” quan trọng để TKV nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh tận dụng thu hồi than bùn sau lọc ép hay tái sử dụng tro xỉ làm vật liệu sản xuất gạch không nung một số đơn vị ngành Than như: Công ty Than Nam Mẫu, Công ty CP Than Vàng Danh, Công ty Than Hạ Long, Công ty Than Hòn Gai, Công ty CP Than Cọc Sáu, Công ty Than Thống Nhất, tận dụng nguồn nước thải mỏ qua xử lý để tái sử dụng phục vụ sản xuất than. Trung bình mỗi năm, TKV xử lý hơn 123 triệu m3 nước thải mỏ. Theo thống kê của TKV, riêng giai đoạn 2018-2020, Tập đoàn đã tái sử dụng hơn 15 triệu m3 nước. Nguồn nước tái sử dụng sau khi xử lý được đơn vị phục vụ chủ yếu cho công tác sàng tuyển than, phun sương dập bụi, vệ sinh thiết bị...
Việc tái sử dụng nguồn nước thải phục vụ cho sản xuất than không chỉ tiết giảm chi phí mà còn được xử lý, chủ động cung cấp nguồn nước ổn định, đảm bảo phục vụ sản xuất. Giai đoạn 2021-2025, TKV khuyến khích tất cả đơn vị trong ngành nhân rộng mô hình tái sử dụng nguồn nước thải mỏ qua xử lý để phục vụ ngược lại cho các mỏ.
Một hướng đi mới đang được TKV và tỉnh định hướng phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn đó là chủ trương khai thác lại đất đá thải tại các bãi thải mỏ lộ thiện phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trọng điểm. Trung bình mỗi năm TKV đổ thải hơn 150 triệu m3 (hiện có hơn 1 tỷ m3 đất đá tại các bãi thải). Theo kết quả rà soát của Sở Xây dựng giai đoạn 2021-2025, tỉnh  cần khoảng 640 triệu m3 đất đá san lấp mặt bằng cho các dự án trọng điểm. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp ngành Than để rà soát, tận thu các nguồn vật liệu đất, đá thải.
TKV giao cho Công ty Chế biến than Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị khai thác than lập quy hoạch, vị trí, địa điểm xin Bộ TN&MT cấp phép khai thác lại đất, đá đổ thải phục vụ san lấp mặt bằng. Dự kiến trong quý II/2021 khi chủ trương được phê duyệt cấp phép, Công ty Chế biến than Quảng Ninh sẽ khai thác khoảng 2 triệu m3 đất đá (năm 2021) phục vụ san lấp mặt bằng một số dự án trên địa bàn tỉnh; doanh thu từ khai thác đất đá thải khoảng 100 tỷ đồng.
Ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty Chế biến than Quảng Ninh, cho biết: Việc sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng sẽ góp phần giảm độ cao, diện tích chiếm dụng của các bãi thải. Đồng thời, giải quyết được khó khăn về diện đổ thải, giảm cung độ vận tải cho mỏ than, giảm chi phí bảo vệ môi trường cho ngành Than. Các bãi thải mỏ đang trong tình trạng quá tải. Phương án chuyển đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng sẽ hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới môi trường. Hướng đi này phù hợp với mô hình chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh của tỉnh Quảng Ninh và phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tăng thu ngân sách.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, nhấn mạnh: Kinh tế tuần hoàn đang là xu hướng  tất yếu của các doanh nghiệp thời đại công nghệ 4.0. Tập đoàn có nhiều lợi thế phát triển mô hình này, bởi các đơn vị có thể liên kết với nhau từ nguyên liệu đầu vào, thiết bị, công nghệ đến đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để TKV phát triển nhanh và bền vững. Khó khăn lớn nhất hiện nay của TKV khi chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là công nghệ sản xuất của các đơn vị trực thuộc quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết tạo ra những sản phẩm chiến lược.
Gỡ "nút thắt" về khó khăn này, thời gian tới TKV sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến; đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa, tạo ra sản phẩm chuỗi kinh tế tuần hoàn. Tập đoàn sẽ thu hút thêm nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, ngành cơ khí, chế tạo phải đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng sản phẩm chuỗi khép kín.
Theo Báo Quảng Ninh