[In trang]
Lời giải bền vững cho ngành song mây
Thứ ba, 21/06/2011
Tiên phong trong cải tiến quy trình công nghệ, áp dụng hiệu quả giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH) một số DN ngành song mây đang tiến những bước dài trong việc phát triển sản xuất bền vững.

Tiên phong trong cải tiến quy trình công nghệ, áp dụng hiệu quả giải pháp sản xuất sạch hơn (SXSH) một số DN ngành song mây đang tiến những bước dài trong việc phát triển sản xuất bền vững.

Mây tre đan là một trong những sản phẩm quan trọng, chiếm cơ cấu lớn trong xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặt hàng này đang có tiềm năng rất lớn. Sức tiêu thụ của thị trường mây tre đan thế giới hiện vào khoảng 4 tỷ USD/năm, tuy nhiên tổng giá trị sản xuất các mặt hàng mây trên toàn thế giới chưa vượt qua con số 1,5 tỷ USD, trong đó các sản phẩm mây Việt Nam vẫn chiếm một thị phần nhỏ.


Dự án Thiết lập hệ thống Sản Xuất Mây Song bền vững tại Lào, Campuchia và Việt Nam sẽ giúp tăng tính bền vững trong ngành sản xuất mây

Việt Nam có khoảng 238 DN đang hoạt động trong các công đoạn khác nhau của ngành mây như khai thác, chế biến, xuất khẩu; 713 làng nghề mây tre đan, chiếm 24% tổng số làng nghề thủ công ở Việt Nam và có số lượng lao động tham gia sản xuất lớn nhất – 342.000 lao động.
Mặc dù có tiềm năng lớn trong phát triển nhưng ngành song mây Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững. Cụ thể, tại hội nghị bàn tròn quốc gia lần 5 về sản xuất và tiêu thụ bền vững diễn ra mới đây tại Nha Trang, ông Lê Xuân Thịnh – Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC) cho biết: Ngành mây Việt Nam hiện khai thác theo kiểu tận diệt, không quy hoạch hoặc trồng mới khiến song mây ngày càng cạn kiệt; Khai thác không đúng tiêu chuẩn nên tạo ra lượng chất thải nhiều; Không có cách thức sơ chế, bảo quản hợp lý nên tỷ lệ hư hỏng nguyên liệu cao do mối, mọt, mốc. Bên cạnh đó, việc chế biến song mây cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như sử dụng dầu thải diesel để luộc gây ô nhiễm môi trường; Không có nhiều công nghệ sấy nguyên liệu hợp lý vào mùa mưa, mùa nồm nên tốn nhiều than mà tỷ lệ hư hỏng vẫn cao; Sử dụng máy chẻ, máy chuốt cũ tiêu hao nhiều năng lượng, tỷ lệ mây chẻ bị gẫy nhiều, bề mặt sợi mây không nhẵn; Tốn nhiều nước và hóa chất trong quá trình tẩy do công nghệ không hợp lý. Ngoài ra, khâu hoàn thiện song mây cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố dễ gây ô nhiễm môi trường như thải nhiều keo PVA trong quá trình nhúng tạo độ cứng; Phát sinh dung môi trong quá trình sơn…

Nhu cầu của các thị trường lớn trên thế giới như châu Âu, Mỹ… là có thật. Nhưng đi kèm với nhu cầu lớn là những đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm.

 
Dự án “Thiết lập hệ thống sản xuất mây song bền vững tại Lào, Campuchia và Việt Nam” được đồng tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU), công ty đa quốc gia IKEA và Tổ chức hỗ trợ tài chính Đức (DEG). 

Thời gian thực hiện dự án là 2009-2011. Dự án đã và đang hỗ trợ tổ chức bằng các khóa đào tạo nhân lực, cũng như hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp để họ thử nghiệm và áp dụng các kỹ thuật SXSH mới trong quy trình sản xuất của mình.
Nhận thức được những yếu tố thiếu bền vững này, dự án Thiết lập hệ thống sản xuất song mây bền vững của 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia) của Liên minh châu Âu ra đời với mục đích hỗ trợ cho các DN Mây tre đan tại 3 nước Đông Dương tìm ra hướng đi mới nhằm hướng đến phát triển bền vững. Theo đó, dự án đã mở những lớp tập huấn nhằm hỗ trợ DN đầu tư thực hiện những giải pháp SXSH trong ngành mây. Ngoài những giải pháp đơn giản như thay đổi hệ thống chiếu sáng bằng chiếu sáng tự nhiên và bóng đèn hiệu suất cao, tiết kiệm điện; Thu hồi hóa chất, keo để tận dụng lại, tiềm năng SXSH ở các khâu khác như sản xuất, chế biến mây còn rất lớn. Cụ thể, dầu diesel trong khâu luộc được thay thế bằng dầu cọ hoặc dầu đậu nành thứ cấp thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, khâu luộc cũng được tối ưu hóa bằng cách thiết kế lại hệ thống nồi luộc, có hệ thống nâng nguyên liệu, máng thu hồi dầu. Các DN có hệ thống hơi có thể tận dụng hơi thừa để luộc mây. Riêng ở khâu sấy, bảo quản mây, DN phải xây dựng hệ thống sấy mây tận dụng chất thải trong quá trình chế biến để gia nhiệt, thay thế cho than, điện. Khâu này có thể giúp tiết kiệm khoảng 61 tấn than/năm. Ngoài ra, công nghệ tẩy mây cũ sử dụng hóa chất và tẩy ở nhiệt độ thường mất khoảng 36-48 giờ, nhưng nếu DN sử dụng công nghệ cacbon hóa để xử lý mối mọt và tạo cho sản phẩm có màu tự nhiên (từ trắng, xám đến đen) tùy theo yêu cầu thay cho quá trình nhuộm cũ cũng có thể giúp cắt giảm từ 30-50% lượng hóa chất dùng để nhuộm mây. Lượng chất thải sau chế biến như lá, vỏ cây cũng có thể dùng để bón lại cho cây mây.

Bà Sabine Gish Boie, cán bộ quản lý dự án cho biết: “Tại Việt Nam, dự án đã tiến hành điều tra trữ lượng 6000 ha mây thuộc tỉnh Quảng Nam và Huế, trong đó có  khoảng 2.000ha được đưa vào quản lý bền vững”. Ông Lê Xuân Thịnh cho biết: “Hiện có 7 công ty bao gồm: Âu Cơ, Ngọc Đông, Vĩnh Long, Hà Linh, Hiệp Hòa, Đức Phong và Nam Phước đã cam kết áp dụng qui trình sản xuất sạch hơn.”

Xí nghiệp mây tre lá Âu Cơ là một trong những xí nghiệp đầu tiên của Quảng Nam được nhận những hỗ trợ từ Hợp phần SXSH trong công nghiệp và Dự án để thực hiện các giải pháp SXSH. Theo đó, xí nghiệp đã lựa chọn một loạt các giải pháp để triển khai SXSH, chủ yếu tập trung vào việc thay thế hệ thống tẩy mây, xây dựng hệ thống xử lí nước thải, hệ thống sấy mây, thiết kế nắp đậy bể luộc mây, lắp đặt hệ thống thu gom hút bụi…

Cụ thể, xí nghiệp đầu tư thay thế mới hệ thống tẩy mây bằng inox, có hệ thống gia nhiệt. Sự thay đổi này giúp lượng hóa chất được sử dụng để tẩy mây giảm 40%, thời gian tẩy mây giảm đi một nửa. Riêng ở khâu này, ước tính mỗi tháng, xí nghiệp tiết kiệm được 30 triệu đồng chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, xí nghiệp còn lắp thêm các tấm nhựa chiếu sáng tự nhiên để tận dụng ánh sáng mặt trời cho sản xuất, thay thế đèn sợi đốt bằng đèn compact, giúp tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền điện mỗi tháng… Ngoài lợi ích kinh tế, sau 2 năm triển khai các giải pháp SXSH, xí nghiệp đã giảm được 3,7 tấn CO2 phát thải, giảm 1.300m3 nước thải và 10.800kg hóa chất thải vào môi trường mỗi năm./.

Bảo Ngọc