5 chương trình kết nối sản xuất tiêu dùng bền vững của Hà Nội
Thứ sáu, 15/01/2021
Các ngành, lĩnh vực thuộc chương trình bao gồm: Sản xuất, chế biến thực phẩm và bia - rượu - nước giải khát; mây tre đan, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ; chế biến nông sản, gốm sứ và các sản phẩm dán nhãn năng lượng…
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại chương trình kết nối sản xuất tiêu dùng bền vững các nhóm ngành sản xuất, chế biến thực phẩm
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội về kết quả thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững TP. Hà Nội năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 cho thấy Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường, xây dựng “Chuỗi giá trị xanh” trong quy trình sản xuất từ khâu nguyên liệu đầu vào đến các dịch vụ bán hàng.
Cụ thể, các chương trình kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững TP. Hà Nội đã thu hút gần 200 đơn vị tham gia với 300 gian hàng trưng bày, giới thiệu, phổ biến các sản phẩm, công nghệ, các mô hình, dịch vụ, các kênh phân phối, mạng lưới “Mua hàng xanh”, các chuỗi cung ứng bền vững đáp ứng các yêu cầu của nhà nhập khẩu quốc tế thực hiện tốt kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng.
Với vai trò đầu mối, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thu thập thông tin và nhu cầu tham gia chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững toàn cầu của 90 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong 3 lĩnh vực: linh kiện cơ khí; linh kiện điện - điện tử; công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố; xây dựng 3 báo cáo hiện trạng và nhu cầu tham gia chuỗi của 3 lĩnh vực. Đồng thời Sở tổ chức 3 hội thảo chuyên đề đánh giá kết quả khảo sát tại các khối doanh nghiệp của 3 lĩnh vực trên.
Song song với hướng dẫn triển khai thí điểm áp dụng mô hình hệ thống sản xuất, dịch vụ (PSS - Product Service systems, tiêu chuẩn châu Âu), Sở Công Thương cũng đã tập trung hướng dẫn mô hình “Điểm kinh doanh xanh” cung cấp các sản phẩm thông minh, thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị sử dụng của người tiêu dùng.
Trong đó đã tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng 4 mô hình mẫu thực tế “Điểm kinh doanh xanh” trong các lĩnh vực: thiết bị nội thất (hệ thống siêu thị Mega Market); thiết bị giáo dục (hệ thống ADC Book); thiết bị điện - điện máy (hệ thống điện máy Media Mart) và sản phẩm làng nghề truyền thống (hội làng nghề gốm sứ xã Kim Lan).
Đồng thời, tổ chức 2 hội thảo phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp thực hiện mô hình “Kinh doanh xanh” trong lĩnh vực phân phối - dịch vụ; chuỗi cung ứng bền vững nhằm nhân rộng các mô hình “Điểm kinh doanh xanh” trên địa bàn Thành phố.
Năm 2021, toàn thành phố Hà Nội phấn đấu giảm 5% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa, hóa chất, giấy; tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 70%; 80% các khu, cụm công nghiệp và 50% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đi đôi với đẩy mạnh truyền thông về sản xuất và tiêu dùng bền vững, Thành phố sẽ thúc đẩy sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, áp dụng mô hình, liên kết bền vững theo chuỗi vòng đời sản phẩm; phát triển hệ thống phân phối và nhập khẩu bền vững.
Tâm Đoàn t/h