[In trang]
Phát triển kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phía Nam
Thứ sáu, 13/11/2020
Kinh tế tuần hoàn không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn là giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Kinh tế tuần hoàn không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn là giải pháp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ý kiến trên được đa số đại biểu tham dự Hội thảo “Phát triển kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phía Nam - Vấn đề và giải pháp” do Tạp chí Cộng sản và Thành ủy Cần Thơ đồng phối hợp tổ chức diễn ra vào sáng ngày 10/11, tại TP.Cần Thơ.
Theo ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, trong thời gian qua, những tác động từ tình trạng gia tăng dân số, biến đổi khí hậu toàn cầu, yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao... nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, phải đối diện với nhiều thách thức.
Trước thực trạng đó, để phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi thích hợp.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Tại Cần Thơ bước đầu hình thành một vài mô hình theo hướng kinh tế tuần hoàn như: Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ (CanTho Starup Ecosystem).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ về lý thuyết thì có thể chưa biết rõ mô mình kinh tế tuần hoàn là như thế nào nhưng thực tế thì đã có nhiều doanh nghiệp đang phát triển theo mô hình này. Như ở Bến Tre nổi bật với 3 mô hình kinh tế tuần hoàn, đó là: sản xuất chế biến dừa theo chuỗi giá trị khép kín với 40 sản phẩm; mô hình chăn nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế và lấy trùn quế nuôi thủy sản; đốt giấy thải tại nhà máy giấy để phát điện công suất đủ phục vụ cho cả cụm công nghiệp.
“Bến Tre có 4.500 doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nhưng vẫn có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn rất hay, nói như thế để cho thấy kinh tế tuần hoàn không phải là cái gì đó cao siêu chỉ dành cho doanh nghiệp lớn mà doanh nghiệp nhỏ vẫn có thể áp dụng được”, ông Sơn phân tích.
Theo Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường, mô hình kinh tế tuần hoàn được chia thành ba cấp độ: Cấp độ thấp: tập trung vào quá trình sản xuất của các doanh nghiệp và sản xuất các mặt hàng nông sản, các nhà sản xuất được khuyến khích và yêu cầu áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn và thiết kế sinh thái; Cấp độ vừa: bao gồm việc phát triển các khu công nghiệp sinh thái và các hệ thống nông nghiệp sinh thái khác, nhằm tạo cơ hội tốt nhất cho việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với hoạt động của doanh nghiệp; Cấp độ cao: toàn bộ các công đoạn của quá trình sản xuất đều được thiết kế, không có chất thải đưa ra môi trường. Chất thải đều được giảm đến mức tối thiểu và tái sử dụng.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế tuần hoàn lại khá mới mẻ với nước ta, nhất là cộng đồng doanh nghiệp và người dân, vì vậy, để mô hình kinh tế tuần hoàn được triển khai sâu rộng ở các tỉnh, thành phía Nam phát triển thì vấn đề trước tiên là nhận thức đúng về bản chất của mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện từ thiết kế đến triển khai, trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý, lãnh đạo để tạo ra một đồng thuận chung. Doanh nghiệp được xem là động lực trung tâm của nền kinh tế tuần hoàn. Chính phủ cần có chính sách như thế nào để thể hiện vai trò kiến tạo, hỗ trợ, đề ra quyết sách khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp chủ động tham gia. 
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp