Giảm thiểu và hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Mục đích của Kế hoạch là nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 33/CT-TTg và Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; đồng thời huy động sự tham gia một cách thiết thực, chủ động của các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa từ chính sách, pháp luật cho đến các hoạt động, việc làm cụ thể. Thực hiện tinh thần nêu gương của các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong cuộc chiến chống chất thải nhựa qua đó lan tỏa và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Việc xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phải được triển khai sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực và hiệu quả; Có tiêu chí rõ ràng, cụ thể phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị; có đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết đánh giá những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém và đề ra giải pháp thực hiện, bảo đảm đạt được các mục tiêu của Kế hoạch; Đề cao trách nhiệm, vai trò và nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện Kế hoạch.
Kế hoạch tập trung vào các nội dung chính sau:
Hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa, gồm: Xây dựng, hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và các văn bản quy định chi tiết Luật theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài nguyên; rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý chất thải nhựa. Đề xuất quy định pháp luật về tái xuất hoặc trả lại phế liệu nhựa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Rà soát, tiếp tục đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về nhãn sinh thái, đặc biệt là đối với túi ni lông thân thiện môi trường và các sản phẩm nhựa có hàm lượng tái chế cao. Rà soát, đề xuất hoàn thiện hoặc phối hợp xây dựng mới các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật môi trường cho các sản phẩm, hàng hóa và túi ni lông có nguồn gốc từ nhựa tái chế, các sản phẩm, hàng hóa chứa hạt vi nhựa, nano nhựa để phòng ngừa các tác động xấu đến sức khỏe con người, môi trường sinh thái; đề xuất quy định và lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón.... Nghiên cứu, đề xuất chính sách và quy định pháp luật hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần. Nghiên cứu, xây dựng chính sách, quy định pháp luật khuyến khích tổ chức, cá nhân phân loại chất thải nhựa tại nguồn tạo điều kiện thuận lợi để thu gom, tái chế.
Xây dựng quy định chi tiết Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) liên quan đến trách nhiệm của nhà sản xuất (thay thế Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 05 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ). Nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, mô hình hợp tác công tư, mô hình kinh tế chia sẻ, các sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của các hiệp hội, các tổ chức, các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa. Nghiên cứu, đánh giá thực trạng và xu hướng phát sinh chất thải nhựa từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đề xuất cơ chế, chính sách quản lý chất thải nhựa phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử với các sản phẩm nhựa, chất thải nhựa: Xây dựng, phát động các phong trào thi đua tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; xây dựng định hướng tuyên truyền trong toàn ngành, đồng thời nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, mô hình, sáng kiến hiệu quả trong quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Giảm thiểu và hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu làm bằng nhựa trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; không sử dụng chai, cốc, ống hút nhựa.... dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Thực hiện thu gom, phân loại rác thải tại cơ quan, trụ sở làm việc để phục vụ hoạt động thu gom, tái chế chất thải nói chung và rác thải nhựa. Khuyến khích, phát động phong trào công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị gương mẫu trong hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần và tuyên truyền, vận động người thân, gia đình, bạn bè cùng tham gia thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy”. Bố trí lắp đặt thùng đựng rác và phân loại rác tại trụ sở Bộ đảm bảo thu hồi được chất thải để phục vụ hoạt động thu gom, tái chế; hướng dẫn việc lắp đặt thùng đựng rác và phân loại rác tại các đơn vị thuộc Bộ bảo đảm thống nhất, đồng bộ về màu sắc, mẫu mã... Xây dựng và công bố tài liệu kỹ thuật hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại gia đình, công sở. Nghiên cứu, đề xuất tiêu chí giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa trong đánh giá, xếp hạng kết quả hoạt động bảo vệ môi trường của các địa phương. Tổ chức chiến dịch thu gom rác thải, làm sạch một số bãi biển quy mô quốc gia trên cơ sở xác định thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện phù hợp, kết hợp với tổ chức Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ biển và hải đảo. Truyền thông và triển khai nhân rộng áp dụng mô hình giảm thiểu, thu gom, phân loại chất thải nhựa và túi ni lông tại các khu du lịch gắn liền với biển và hải đảo phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương .
Xây dựng, thực hiện và tổng kết các chiến lược, đề án, dự án và một số nhiệm vụ cụ thể; Tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý chất thải nhựa.
Theo Báo Công nghiệp Môi trường