[In trang]
Giải pháp thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam về môi trường
Thứ ba, 03/11/2020
Bài viết đưa ra một số giải pháp gợi mở nhằm thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp Việt Nam về môi trường
Bảo vệ môi trường tự nhiên là nhiệm vụ bức thiết hiện nay cũng như trách nhiệm bắt buộc đối với các doanh nghiệp mà do tính chất hoạt động có khả năng gây ô nhiễm. Bài viết đưa ra một số giải pháp gợi mở nhằm thúc đẩy thực hiện trách nhiệm xã hội (TNXH) của doanh nghiệp Việt Nam về môi trường, cụ thể như sau:
Khuyến khích thực hiện các quy chuẩn quốc tế về TNXH của DN đối với môi trường bằng các quy định “mềm” và “cứng”
Chính phủ có thể khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện TNXH về môi trường thông qua các quy định “mềm” hoặc quy định “bắt buộc”.
Quy định mềm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường như UN Global Compact, ISO 26000. Các quy định này không mang tính bắt buộc, nhưng là một phương pháp bổ sung hữu hiệu đối với các quy định bắt buộc. Bên cạnh đó, ưu điểm của cách tiếp cận “mềm” này là không mất nhiều thời gian để đàm phán và thông qua như những quy định bắt buộc.
Bên cạnh đó, mặc dù việc thực hiện trách nhiệm xã hội về môi trường không phải là bắt buộc, Chính phủ có thể những quy định tối thiểu để doanh nghiệp thực hiện, đặc biệt khi vấn đề môi trường là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích quốc gia nếu doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của mình. 
Thúc đẩy phát triển mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững
Phát triển kinh tế gắn với BVMT, phát triển bền vững (PTBV) đất nước là quan điểm và mục tiêu phát triển chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thay đổi mẫu hình sản xuất và tiêu thụ theo hướng bền vững đang được coi là cách tiếp cận hiệu quả và toàn diện nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế và BVMT.
Thực tế Việt Nam hiện nay, tiêu thụ bền vững còn chưa được quan tâm, các hoạt động triển khai còn hạn chế. Ở Việt Nam, thói quen tiêu dùng bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế. Với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong hơn 10 năm gần đây, nhiều thói quen tiêu dùng, nhất là ở thế hệ trẻ, đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững. Các hoạt động đã triển khai mới dừng ở nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nilon sinh thái, 3R và chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động chỉ nằm trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy chưa có tính phổ biến và tính bền vững.
Do vậy, thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai mô hình sản xuất và tiêu thụ bền vững là giải pháp quan trọng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện TNXH về môi trường nhờ giảm thiểu các thói quen, tập quán sản xuất và tiêu dùng gây ô nhiễm môi trường. 
Mở rộng áp dụng cơ chế đặt cọc 
Việt Nam mới áp dụng cơ chế đặt cọc đối với lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, cần nghiên cứu khả năng mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế này đối với các lĩnh vực hoạt động kinh tế khác có liên quan tới việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên như thủy điện, dầu khí, khai thác thủy hải sản, du lịch… để tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong lĩnh vực này đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Với cách áp dụng cơ chế đặt cọc, các doanh nghiệp sẽ phải quan tâm hơn tới việc thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường. Nếu vi phạm các cam kết, họ sẽ không nhận lại được khoản tiền đặt cọc ban đầu từ chính quyền địa phương, hoặc chỉ được nhận lại số tiền còn lại sau khi đã trừ đi chi phí khắc phục hậu quả tiêu cực do hoạt động kinh tế của họ gây ra cho môi trường. 
Nghiên cứu khả năng áp dụng cơ chế mua bán quyền phát thải ô nhiễm
Đây là biện pháp đã được nhiều nước áp dụng, đặc biệt là các nước công nghiệp phát triển. Nhà nước nên triển khai nghiên cứu áp dụng cơ chế mua bán quyền phát thải ô nhiễm đối với một số chất gây ô nhiễm không khí như CO, SO2, NOx... nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ môi trường, tạo thị trường mua bán quyền phát thải ô nhiễm. 
Tài liệu tham khảo
1. PGS.TS Nguyễn Đình Tài (2010), Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Các vấn đề đặt ra hôm nay và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 2, năm 2010.
2. TS. Nguyễn Thế Đồng (2013), Sản xuất và tiêu thụ bền vững ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Môi trường, số 10/2013.
3. Abdul Rashid và cộng sự (2013), Environmental Corporate Social Responsibility (ECSR) as a Strategic Marketing Initiatives, Procedia - Social and Behavioral Sciences 130 ( 2014 ) 499 – 508
4. Iveta Ubrežiová và cộng sự (2015), Corporate Social Responsibility and Perception of Environmental Pillar in the Selected Set of the Slovak Enterprises, Procedia Economics and Finance 34 ( 2015 ) 542 – 549
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc Gia