[In trang]
Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu
Thứ ba, 03/11/2020
Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đưa ra tại Hội thảo Kinh tế tuần hoàn hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tại Hà Nội chiều 23/10.
Nhận định trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đưa ra tại Hội thảo Kinh tế tuần hoàn hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức tại Hà Nội chiều 23/10.
Xu hướng tất yếu của kinh tế tuần hoàn
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, phát triển kinh tế tuần hoàn đang dần trở thành xu hướng của các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển có ít tài nguyên, nhất là khi nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày càng cạn kiệt.
Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu ảnh 1
Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nỗ lực và đã đạt được nhiều thành quả trong tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có công nghệ lạc hậu, lỗi thời, quy mô sản xuất nhỏ lẻ và thiếu nguồn lực đầu tư cho công nghệ tái chế.
Vì vậy, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện được mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.
“Việc lựa chọn nền kinh tế tuần hoàn đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp Việt Nam tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất.
Do đó, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho các doanh nghiệp, việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, không chỉ đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, mà còn giúp đạt được các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.
Nhiều mô hình tái chế tại Việt Nam
PGS TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tại Việt Nam đã manh nha phát triển một số mô hình kinh tế tuần hoàn, góp phần mang lại những lợi ích cả về mặt kinh tế và xã hội cho các bên tham gia.
Điển hình như mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm…) tạo ra Chitosan và SSE với tiềm năng gia trị kinh tế lên tới 4 - 5 tỷ USD/năm, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến phụ phẩm thủy sản, người chăn nuôi cũng được hưởng lợi từ chuỗi thu mua chế biến này.
Hay như các mô hình vườn ao chuồng và các biến thể, các mô hình sản xuất nuôi trồng hữu cơ, các làng nghề tái chế mang lại nhiều công ăn việc làm và cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình.
Đặc biệt là mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Cần Thơ và Đà Nẵng giúp tiết kiệm 6,5 triệu USD cho các doanh nghiệp nhờ giảm nước thải và chất thải, giảm chi phí nước sạch đầu vào, đồng thời tận dụng cơ hội tận thu nhiệt thải để sản xuất nước nóng và hơi cấp cho các nhà máy trong khu công nghiệp có tiềm năng giảm sử dụng 20 - 40% nhiên liệu đốt của một số doanh nghiệp.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã đi đầu tham gia sáng kiến không xả thải ra thiên nhiên do VCCI khởi xướng và thành lập Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam như Coca Cola Việt nam, Unilever, Friesland Campina, Lavie, Nestle Việt Nam, Nuti Food, Suntory Pepsi Co Việt Nam, Tetra PaK Việt Nam, TH Group và URC Việt Nam.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Lê Thị Hồng Nhi, Quản lý cấp cao, Phòng đối ngoại và Phát triển bền vững Unilever Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã đặt mục tiêu sẽ giảm một nửa tác động đến môi trường liên quan đến sản xuất và sử dụng các sản phẩm nhựa.
Để giảm xả thải ra thiên nhiên, đến năm 2025 doanh nghiệp cam kết sẽ cắt giảm 50% sử dụng nhựa nguyên sinh, cắt giảm dung lượng nhựa sử dụng và sử dụng nhựa tái chế PCR, đồng thời thu gom và xử lý toàn bộ số lượng bao bì sản phẩm bán ra thị trường, sử dụng vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng hoặc tự phân hủy đối với tất cả bao bì sản phẩm.
Bên cạnh đó, bà Lê Thị Ngọc Mỹ, Giám đốc Phát triển Bền vững Heineken Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã áp dụng đồng bộ mô hình kinh tế tuần hoàn mang tên RESOLVE (viết tắt của: REgenerate – Tái tạo; Share – Chia sẻ; Optimize – Tối ưu hóa; Loop – Tái sử dụng/ Tái chế; Virtualize – Số hóa và Exchange – Chuyển đổi) nhằm tạo ra những giá trị bền vững cho môi trường cũng như các bên liên quan.
Theo bà Mỹ, trong năm 2019, HEINEKEN Việt Nam đã cắt giảm hơn 2.000 tấn khí thải CO2 từ việc tối ưu hóa tải trọng, sử dụng xe tải đạt chuẩn Euro IV và tận dụng vận chuyển bằng xe lửa.
Ngoài ra, Heineken Việt Nam cũng gần như không còn chất thải chôn lấp, nhờ tái sử dụng và tái chế hầu hết toàn bộ chất thải hoặc phụ phẩm trong sản xuất. Chai và két bia sau khi ra thị trường đều được thu hồi trở lại về nhà máy, trải qua quá trình khử trùng nghiêm ngặt, đảm bảo đạt tiêu chuẩn vệ sinh để có thể tái sử dụng. Một chai thủy tinh có thể được tái sử dụng tới 20 lần, và một két bia có thể tái sử dụng trong 5 – 10 năm, sau đó sẽ được cán vụn và bán lại cho các công ty cung cấp thủy tinh và nhựa.
Cần hoàn thiện tiêu chí đánh giá và khung khổ quản lý
Mặc dù vậy, theo PGS TS Chinh, tại Việt Nam thực tế đã có một số biểu hiện của nền kinh tế tuần hoàn với các mô hình tái chế bước đầu, tuy nhiên việc tái sử dụng và tái chế chưa triệt để, công nghệ còn cũ và lạc hậu, mới chỉ chú trọng kinh tế, vì một số mô hình tái chế chất thải nhưng lại chính là nguồn phát sinh chất thải.
Mặt khác, một số mô hình tái chế chưa phải là một vòng đầy đủ với 5 khâu đồng bộ của kinh tế tuần hoàn bao gồm thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải, biến chất thải trở lại thành tài nguyên), đặc biệt khâu thiết kế trong sản xuất chưa được chú ý.
“Do đó cần nhận thức đúng bản chất kinh tế tuần hoàn cần gắn kết với đổi mới về công nghệ và thiết kế, đồng thời phải xây dựng được đầy đủ bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá và hoàn thiện khung khổ hành lang pháp lý nhằm quản lý đồng bộ trong lĩnh vực này mới có thể phát huy hiệu quả tối ưu xanh sạch của nền kinh tế tuần hoàn”, PGS TS Chinh khuyến nghị.
Đồng tình quan điểm này, Tổng thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh đề xuất, trong thời gian tới, các cơ quan hữu quan cần tập trung phối hợp nghiên cứu, đưa ra bộ chỉ số đo lường để giúp các đơn vị có cơ hội đong đếm mức độ thực hiện kinh tế tuần hoàn. Từ đó, có thể định lượng hóa thành những con số, tỷ lệ cụ thể để soi chiếu và xác định cấp độ.
Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó toàn bộ các hoạt động từ thiết kế, sản xuất đến cung cấp dịch vụ hướng tới tái sử dụng vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), nền kinh tế tuần hoàn là một chu trình sản xuất khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Kinh tế tuần hoàn đem lại 4 lợi ích cơ bản thông qua tận dụng tối đa các nguồn lực, bao gồm: tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, lợi ích xã hội.
Đặc tính của kinh tế tuần hoàn là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên của ngành kia, đồng thời góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.
Mô hình kinh tế tuần hoàn đưa một phần hoặc toàn bộ chất thải về vòng sản xuất cũ, cấu trúc lại và sử dụng lại, do đó, góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải cho đầu vào sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
Theo: Đầu Tư Chứng Khoán