[In trang]
Hà Nội kết nối sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành mây tre đan và chế biến gỗ
Thứ bảy, 10/10/2020
Sáng 29/9, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức lễ khai mạc hội chợ “Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ TP. Hà Nội năm 2020”. Hội chợ với sự tham gia của 70 gian hàng đến từ các cơ sở sản xuất mây tre đan, chế biến gỗ của huyện Chương Mỹ.
Sáng 29/9, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ tổ chức lễ khai mạc hội chợ “Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững ngành mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ TP. Hà Nội năm 2020”.
Trong khuôn khổ chương trình kết nối là Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, xúc tiến thương mại và chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ huyện Chương Mỹ lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020-2025. Hội chợ với sự tham gia của 70 gian hàng đến từ các cơ sở sản xuất mây tre đan, chế biến gỗ của huyện Chương Mỹ.
Việc tổ chức hội chợ giúp bảo tồn và hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất thúc đẩy liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp - nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối với người tiêu dùng; đồng thời tái sản xuất kinh doanh, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu trọng điểm hậu Covid-19. Là địa phương đồng hành cùng chương trình, huyện Chương Mỹ có 35 làng nghề được UBND thành phố công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó chủ yếu là làng nghề mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 7/5/2020 của UBND TP. Hà Nội về Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2020 với mục tiêu: Hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm để tham gia “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững” nhằm thực hiện tái sản xuất kinh doanh đáp ứng thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu trọng điểm trong quá trình phục hồi kinh tế, phục hồi kinh tế xanh của thế giới, đảm bảo an sinh xã hội…
“Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã khiến nhiều chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh ngành hàng thủ công mỹ nghệ bị gián đoạn, dự báo các mặt hàng này sẽ bị giảm doanh thu từ 70 - 80% so với cùng kỳ năm 2019. Việc tổ chức hội chợ là hoạt động hỗ trợ DN ngành thủ công mỹ nghệ vực lại sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn. Đồng thời hướng người tiêu dùng tới lựa chọn những sản phẩm có chất lượng, sản xuất từ các công nghệ thân thiện với môi trường”, ông Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.
Là địa phương đồng hành cùng chương trình, huyện Chương Mỹ có 35 làng nghề được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó chủ yếu là làng nghề mây tre đan, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2019 trên địa bàn huyện đạt 8.790 tỷ đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gia tăng còn đóng góp vào sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ - Nguyễn Ngọc Lâm - cho biết, hội chợ kết nối lần này còn góp phần kêu gọi, thúc đẩy các DN sản xuất, kinh doanh cùng chung tay, góp sức hình thành liên kết mạng lưới giữa nhà cung cấp nguyên liệu - nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, nhằm nâng cao năng lực tham gia chuỗi cung ứng.
Lãnh đạo Sở Công Thương và Huyện Chương mỹ đi thăm các gian hàng
Đánh giá về vai trò của mặt hàng này đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội - chia sẻ: Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan đối với nước ta có ý nghĩa cả về mặt kinh tế và xã hội. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này không lớn, chỉ khoảng 100 triệu đôla Mỹ, nhưng giá trị thực thu lại rất cao. Hàng mây tre đan chủ yếu từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong nước, nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất rất ít (chỉ chiếm 3-5% giá trị sản phẩm) nên giá trị thực từ xuất khẩu cao đến 95-97%, ít có mặt hàng nào xuất khẩu khác sánh kịp. Nếu chúng ta tăng lên 1 triệu USD xuất khẩu mặt hàng này thì thu lợi tương đương gần 5 triệu USD xuất khẩu hàng dệt may.
Về mặt xã hội, khoảng 1.400 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên cả nước theo nhiều loại hình như hộ gia đình, tổ sản xuất, hợp tác xã, DN tư nhân đang sử dụng hàng triệu lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo rất thiết thực, phù hợp với nước ta trong giai đoạn hiện nay và trong nhiều năm sau.
Tại hội chợ, nhiều nghệ nhân mong muốn Sở Công Thương Hà Nội, UBND thành phố cần tổ chức nhiều hơn nữa các hội chợ có quy mô, đối tượng ngành hàng thủ công mỹ nghệ và các ngành hàng khác nhằm kết nối từ sản xuất đến tiêu dùng được thuận lợi hơn, nhanh chóng vực dậy kinh tế khu vực nông thôn trong tình hình hiện nay.
Mai Anh t/h