[In trang]
Giải pháp quản lý, tái chế và sử dụng chất thải rắn của Tổng Công ty Thép Việt Nam
Thứ hai, 07/09/2020
Ngành thép Việt Nam nói chung và TCT Thép cần phải tiếp tục hoàn thiện và triển khai “Chiến lược BVMT” với các giải pháp hữu hiệu; Tăng cường hợp tác và tiếp cận giải pháp mới của các tập đoàn thép trên thế giới để áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (TCT Thép) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành thép Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực: Khai thác quặng sắt, than mỡ và mỏ nguyên liệu khác cho sản xuất gang, thép; Sản xuất và kinh doanh gang, thép, vật liệu chịu lửa, thiết bị luyện kim, sản phẩm thép cán (thép thanh, dây, thép tấm, tôn mạ mầu) và vật liệu xây dựng (gạch ốp lát, gạch granit); Tư vấn thiết kế, chế tạo, thi công xây lắp các công trình sản xuất thép, các công trình công nghiệp và dân dụng… Bằng những nỗ lực không ngừng trong 60 năm qua (1960-2020), TCT Thép đã đạt nhiều kết quả trong khai thác, tuyển, chế biến khoáng sản (quặng sắt, than mỡ luyện Cốc, nguyên liệu mỏ trợ dung khác), sản xuất đủ gang, thép cho nhu cầu của Việt Nam và BVMT một cách bền vững.
NGUỒN PHÁT SINH CHẤT THẢI RẮN TRONG HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT CỦA TCT THÉP
Ngành thép là một ngành công nghiệp nặng và ẩn chứa các yếu tố độc hại. Sản xuất gang, thép và cán thép phải qua nhiều công đoạn và sử dụng nhiều nguyên, nhiên liệu với khối lượng lớn (các loại khoáng sản (TNKS), sắt thép phế, hóa chất...). Mỗi công đoạn sản xuất đều phát sinh ra chất thải rắn (CTR), khí, bụi và nước thải, nếu chúng không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường [1].
Bảng 1. Nguồn gốc phát sinh và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất của TCT Thép [3]
Hoạt động sản xuất và kinh doanh (SXKD) của TCT Thép đã phát sinh CTR tại các công đoạn (Bảng 1) được mô tả như sau.
a. CTR phát sinh trong HĐKS của TCT Thép (tại công đoạn 1)
Hoạt động khai thác, tuyển và chế biến khoáng sản (HĐKS) là một khâu quan trọng và không thể thiếu trong quá trình hoạt động của ngành thép Việt Nam.
Lượng CTR (chủ yếu là đất đá thải) phát sinh hàng năm do khai thác mỏ quặng sắt và than mỡ của TCT Thép khoảng trên 11,5 triệu tấn (từ khai thác quặng sắt 9 triệu tấn và từ khai thác than là 2,5 triệu tấn). Lượng CTR quy đổi từ các hồ chứa bùn thải của các nhà máy tuyển quặng sắt và tuyển than mỡ hàng năm khoảng hơn 3 triệu tấn.
Do các mỏ quặng sắt và than phân bố ở vùng thượng nguồn sông và suối, nên khi khai thác và tuyển ngoài việc phát sinh CTR, còn có khả năng gây đục và ô nhiễm nguồn nước phía hạ lưu sông suối. Mặt khác, HĐKS đã làm cạn kiệt dần khoáng sản và có những tác động tới môi trường: i) Làm biến đổi địa hình, cảnh quan và môi trường sinh thái; ii) Gây ô nhiễm môi trường đất và nước; iii) Gây sự cố môi trường...[1].[2].
b. CTR phát sinh trong sản xuất gang thép (tại công đoạn 2)
Trong quá trình luyện gang và luyện thép sẽ phát sinh các CTR gồm: xỉ gang; xỉ thép; bụi chứa kim loại nặng. Theo số liệu của các tổ chức thế giới (WB, UNEP, UNIDO, WHO), sản xuất 1 tấn thép sẽ phát sinh từ 300-500kg CTR. Số liệu khảo sát tại 4 Nhà máy luyện gang thép của Ấn Độ cho biết, để sản xuất 70 triệu tấn thép các nhà máy này đã thải ra từ 35-40 triệu tấn CTR [4].
CTR phát sinh trong quá trình sản xuất gang thép của TCT Thép bao gồm các loại: xỉ lò cao, xỉ và bụi lò điện; gạch chịu lửa vỡ vụn; đai băng tải, nhựa. Trong đó, nhiều nhất là xỉ lò cao và xỉ lò điện, với mức phát sinh hàng năm như sau [2]:
- Mức phát sinh xỉ lò cao tại các nhà máy luyện gang là 390 kg xỉ/1 tấn gang lỏng (với những nhà máy luyện gang lò cao dung tích lớn V>1.000-5.000 M3 của các nước trên thế giới lượng xỉ gang chi từ 230-290 kg xỉ/1 tấn gang lỏng);  
- Mức phát sinh xỉ lò điện tại các nhà máy luyện thép: sản xuất thép lò chuyển (BOF) là 150 kg xỉ/1 tấn thép lỏng; sản xuất thép lò điện (EAF) là 100-150kg xỉ/1 tấn thép lỏng.
Với công suất sản xuất gang thép hiện nay của TCT Thép, lượng CTR phát sinh hàng năm khoảng 3 triệu tấn, trong đó xỉ lò cao, xỉ và bụi lò điện là 1,6 triệu tấn (chiếm trên 50%).
c. CTR phát sinh trong quá trình cán thép của TCT Thép (tại công đoạn 3)
Trong quá trình sản xuất các sản phẩm thép cán (gồm có thép thanh, thép dây, thép hình cỡ nhỏ, thép tấm, tôn mạ mầu..) đã phát sinh CTR chủ yếu là các vảy cán, đầu mẩu, phế phẩm... với số lượng không nhiều (gần 1 triệu tấn), CTR này đều được tái sử dụng cho vào các lò luyện thép.
d. CTR phát sinh trong hoạt động khác của TCT Thép (tại công đoạn 4÷7)
Trong hoạt động khác nêu trong Bảng 1 (từ công đoạn 4÷7) đều phát sinh CTR chủ yếu là đầu mẩu sắt thép, dây buộc bằng thép, mảnh vụn gạch chịu lửa, phế phẩm... với số lượng khoảng 2 triệu tấn/năm. Đối với CTR kim loại sẽ được tái sử dụng cho vào các lò luyện thép.
Đối với các loại CTR phi kim loại và rác thải sịnh hoạt sẽ được thu gom sau đó chúng được Công ty dịch vụ môi trường chuyển đến các bãi rác chôn lấp và xử lý theo quy định.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ, TÁI CHẾ VÀ SỬ DỤNG CTR CỦA TCT THÉP  
Quá trình phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp (DN) của TCT Thép phải có tư duy và hành động tích cực tìm hướng đi thích hợp, nhằm đảm bảo hài hòa quá trình tăng trưởng với BVMT một cách bền vững. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng về BVMT trong hoạt động SXKD, TCT Thép đã chủ trì xây dựng “Kế hoạch hành động BVM của ngành thép Việt Nam giai đoạn 2016-2030” với mục tiêu tổng thể phải hướng tới: i) Xây dựng ngành thép hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới, phát huy nội lực và tăng cường hội nhập cùng phát triển; ii) Tiếp cận công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường trong các dự án đầu tư sản xuất gang thép (đặc biệt đối với những dự án đầu tư liên hợp sản xuất thép có quy mô lớn ở các vùng biển và đông dân cư); iii) Áp dụng quy trình “Sản xuất sạch” và “Công nghệ sản xuất thép ít tiêu tốn vật tư nguyên nhiên liệu” đối với các DN thép đang hoạt động và Dự án đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ trên quy mô toàn ngành; iv) Lấy việc phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiểu, quản lý và xử lý chất thải hữu hiệu nhằm đảm bảo không để sự cố môi trường và ô nhiễm môi trường xảy ra.
Cùng với đó, ngành thép đã xây dựng và ban hành “Quy chế BVMT của TCT Thép Việt Nam” một cách cụ thể nên đã đạt được kết quả đáng kể: i) Cải tạo và phục hồi môi trường sau khi khai thác TNKS; ii) Hạn chế ô nhiễm môi trường do khí và bụi thải trong sản xuất gang thép; iii) Môi trường sống và làm việc của các DN được nâng cao, bệnh nghề nghiệp đã giảm mạnh.
Như đã trình bày ở trên, CTR có số lượng phát sinh nhiều và có mặt trong tất cả các công đoạn SXKD của TCT Thép. Tùy thuộc vào loại CTR phát sinh sẽ có những giải pháp xử lý phù hợp được nêu trong Bảng 2.
Bảng 2. Một số giải pháp xử lý CTR của TCT Thép
Các bãi thải chứa đất đá bóc trong quá trình khai thác mỏ được thiết kế theo quy định, chiều cao tầng đổ thải là 30 m, các tầng có mương gom nước, chân bài thải có tường chắn và bề mặt các bãi thải trồng cây để chống xói mòn và trượt lở (Hình H1).   
Đối với hồ chứa bùn thải của các nhà máy tuyển quặng sắt được thiết kết với dung tích chứa đủ và có đập chắn được xây dựng đảm bảo ổn định trong suốt thời gian tồn tại của mỏ và tuyển. Hồ chứa có ngăn lắng bùn để khi nước thải tràn ra không làm đục sông suối (Hình H2).  
Tại khu vực Nhà máy luyện gang, luyện thép và cán thép đều có các bãi chứa CTR riêng, xỉ gang và xỉ thép sẽ được tái chế để sử dụng cho các lĩnh vực nêu trong Bảng 2. Đối với bụi luyện thép và CTR nguy hại sau khi phân loại, dán nhãn CTNH (Hình H3 và H4) sẽ được bảo quản trong kho chuyên dụng có mái che (Hình H5) và định kỳ chuyển cho các đơn vị chức năng xử lý theo quy định Luật BVMT.
H3. Phân loại CTR nguy hại và sinh hoạt
H4. Kho chứa bụi luyện thép
H5. Kho chứa CTR nguy hại
Kết quả chế biến và sử dụng xỉ thép tại Công ty Thép Miền Nam - VNSteel (thuộc TCT Thép) nêu trên (Hình H6 đến H9). Xỉ hạt được sử dụng làm đường giao thông và làm phụ gia cho sản xuất xi măng [2].
 Ngoài các giải pháp quản lý, tái chế và sử dụng CTR nêu trên, TCT Thép đã thực hiện một số giải pháp quản lý theo pháp luật BVMT một cách đồng bộ, cụ thể như sau:
- Tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức và hiệu lực BVMT cho cán bộ và CNVC của các DN; Tổ chức tuyên truyền sâu rộng để mọi người lao động hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm nhằm thực hiện nghiêm minh pháp luật về BVMT.
- Không phê duyệt những Dự án đầu tư mới với công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ và không đảm bảo điều kiện môi trường. Phấn đấu đến 2022 phải có trang bị đủ hệ thống thiết bị kiểm soát mức độ gây ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất thép theo TCVN và tiêu chuẩn ISO 14000; Đầu tư chiều sâu và tăng cường nguồn tài chính cho nghiên cứu khoa học về BVMT cho các đơn vị thuộc TCT Thép.   
- Phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt các vi phạm HĐKS và BVMT ở các đơn vị của TCT Thép.  
- Mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý BVMT. Thực hiện các chương trình hợp tác trong nước và ngoài nước về nghiên cứu KHCN và đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực BVMT. 
- Thực hiện việc huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư một số dự án trong lĩnh vực BVMT tại các các đơn vị của TCT Thép.
Trong công cuộc đổi mới kinh tế của Đảng và Chính phủ, ngành thép Việt Nam đã có mức tăng trưởng 10-11%/năm. Trong đó, TCT Thép là một trong các DN sản xuất thép có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu thép xây dựng cho toàn quốc và góp phần bình ổn thị trường thép Việt Nam. Mặc dù phải đối mặt với thách thức về thiếu TNKS và ô nhiễm môi trường do một số DN thép và một số ngành công nghiệp gây nên, nhưng trong thời gian qua hoạt động SXKD của TCT Thép vẫn ổn định và phát triển, đặc biệt là làm tốt công tác BVMT theo quy định của pháp luật.   
Để tận dụng tối đa nguồn lực trong nước mang lại hiệu quả cao hơn trong SXKD và BVMT một cách bền vững trong giai đoạn 2016 - 2030, ngành thép Việt Nam nói chung và TCT Thép cần phải tiếp tục hoàn thiện và triển khai “Chiến lược BVMT” với các giải pháp hữu hiệu; Tăng cường hợp tác và tiếp cận giải pháp mới của các tập đoàn thép trên thế giới để áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TS. Nghiêm Gia, ThS. Nguyễn Đức Vinh Nam:“Nghiên cứu xây dựng Quy chế BVMT của Tổng Công ty Thép Việt Nam”. Đề tài NCKH cấp Bộ. HN  2009;
TS.Nghiêm Gia, TS.Nguyễn Văn Sưa :“Giải pháp quản lý, chế biến và sử dụng xỉ gang, xỉ thép ở Việt Nam”. Hội thảo KH về BVMT trong khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản. Tháng 8 năm 2019.
TS. Nghiêm Gia, ThS. Nguyễn Đức Vinh Nam và nnk: “Đánh giá tác động và đề xuất giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng của ngành thép Việt Nam”. Đề tài NCKH cấp Bộ. Hà Nội năm 2010-2011
NCS Hảo Võ - Đại học Arizona, Hoa Kỳ.
TS. Nghiêm Gia
Hội Khoa học Kỹ thuật Đúc Luyện kim Việt Nam
KS. Bùi Huy Tuấn
Tổng Công ty Thép Việt Nam
TS. Tạ Ngọc Hải
Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam
Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt 1/2020