Sớm hoàn thiện Lộ trình thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 7 cho Việt Nam
Thứ sáu, 28/08/2020
Sáng ngày 28/8/2020, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương, Liên hợp quốc (UNESCAP) chủ trì tổ chức Hội thảo Khởi động giới thiệu kế hoạch thực hiện của Dự án thí điểm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Lộ trình quốc gia để thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 7 (SDG7).
Sáng ngày 28/8/2020, Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á-Thái Bình Dương, Liên hợp quốc (UNESCAP) chủ trì tổ chức Hội thảo Khởi động giới thiệu kế hoạch thực hiện của Dự án thí điểm hỗ trợ Việt Nam xây dựng Lộ trình quốc gia để thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững số 7 (SDG 7).
Tại đầu cầu Việt Nam có sự tham dự của các nhà hoạch định chính sách đến từ Bộ Công Thương, Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Bộ KHĐT và các doanh nghiệp năng lượng trọng điểm, Viện nghiên cứu và các chuyên gia độc lập. Các chuyên gia UNESCAP và tư vấn quốc tế tham gia với hình thức trực tuyến.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương và UNESCAP, Lộ trình quốc gia để thực hiện SDG 7 cho Việt Nam sẽ được hai phía phối hợp xây dựng dựa trên việc sử dụng Bộ công cụ xây dựng chính sách năng lượng quốc gia nhằm thực hiện SDG 7 (National Expert School for Energy Planning – NEXSTEP).
Dự kiến, dự thảo Lộ trình sẽ được công bố vào đầu năm 2021 sau khi tham vấn các bên liên quan.
Qua hội thảo này, Bộ Công Thương giới thiệu về kế hoạch thực hiện của Dự án và sự phối hợp giữa các bên liên quan trong việc xây dựng Lộ trình SDG7, và đặc biệt, phác thảo các bước và nhiệm vụ quan trọng cần hoàn thành vào năm 2020, hướng tới năm 2030.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ TKNL&PTBV (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (TKNL&PTBV) - Bộ Công Thương, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc 9/2015, Chính phủ Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 (CTNS) và 17 SDGs. Trong đó SDG7 về Năng lượng sạch và Giá cả phải chăng cũng là mục tiêu quan trọng mà Việt Nam đang hướng tới. Để thực hiện việc này đòi hỏi cần xây dựng lộ trình tăng trưởng kinh tế bền vững, xem xét mối tương quan giữa SDG 7 và các SDG khác.
Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu năng lượng ngày càng cao tương ứng với xu hướng phát triển kinh tế xã hội trong khi các nguồn cung năng lượng truyền thống đang khan hiếm dần đã đặt ra thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Thực tế cho thấy từ năm 2015, Việt Nam đã bắt đầu phải nhập khẩu năng lượng. Nhu cầu năng lượng nhập khẩu dự đoán sẽ còn tăng cao trong những năm tiếp theo và có thể lên tới gần 50% trong thập kỷ tới. Do đó, việc chuyển đổi năng lượng sang hướng đẩy mạnh năng lượng tái tạo (NLTT) và hiệu quả TKNL là yêu cầu bắt buộc.
Đại diện Bộ Công Thương nhận định việc đề xuất Lộ trình chuyển đổi ngành năng lượng để đạt được CTNS 2030 và các mục tiêu của Thỏa thuận Paris là một nhiệm vụ phức tạp và khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách. Qua Hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng đánh giá cao những nỗ lực của UNESCAP trong việc phát triển NEXSTEP để hỗ trợ xây dựng lộ trình SDG7 cho các nước thành viên; đồng thời cũng bày tỏ kỳ vọng vào kết quả hợp tác giữa hai bên.
Theo Giám đốc Ban Năng lượng UNESCAP, ông Hongpeng Liu để thực hiện các mục tiêu SDG 7 và “không để ai bị bỏ lại đằng sau”, điều quan trọng là cần xây dựng một Lộ trình có sự tham gia của tất cả các bên liên quan có mối liên hệ với nhu cầu hoặc nguồn cung năng lượng. Đồng thời, ông Liu nhấn mạnh điều này cần được xem xét trong bối cảnh hài hoà và phù hợp với các chiến lược và kế hoạch năng lượng Việt Nam hiện có.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế đã trình bày sơ lược về Bộ công cụ NEXSTEP (National Expert SDG Tool for Energy Planning) đã được UNESCAP giới thiệu cho nhiều quốc gia thành viên trong việc đánh giá và xây dựng lộ trình thực hiện SDG7 với điều kiện và nguồn lực phù hợp cho từng trường hợp. Kinh nghiệm từ các quốc gia đã ứng dụng cho thấy NEXSTEP là công cụ tham khảo hiệu quả.
Cũng qua chia sẻ của đại diện UNESCAP, khu vực châu Á Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam sẽ trở thành điểm nóng trong phát triển NLTT và công nghệ liên quan đến hiệu quả năng lượng. Các chuyên gia đánh giá cao những nỗ lực và thành quả mà Chính phủ và người dân Việt Nam đã đạt được trong việc tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, tăng tỷ trọng NLTT, giảm phát thải khí nhà kính, cũng như thực hiện các mục tiêu PTBV. Đặc biệt việc đã phổ cập điện tới gần 100% dân số là nỗ lực mà ít quốc gia đang phát triển có thể đạt được.
Theo thống kê của Chương trình VNEEP các giai đoạn trước, chúng ta đã tiết kiệm được lượng điện tương đương 4,9 triệu và 11,2 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trên cơ sở này, Thủ tướng Chính phủ đã nâng mục tiêu cả nước phải tiết kiệm khoảng 60 triệu TOE trong giai đoạn 2019-2030.
Song song với đó, nhiều cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển NLTT cũng đã được ban hành, như giá ưu đãi, cơ chế bắt buộc mua điện từ các dự án NLTT… Điều này đặc biệt có lợi cho các nhà thầu vừa và nhỏ trong việc tiết kiệm thời gian và quy trình đàm phán hợp đồng mua bán điện. Từ đó, NLTT bước đầu đã có những khởi sắc. Cụ thể, tính đến hết tháng 7/2020, sản lượng NLTT đạt 6,33 tỷ kWh. Trong đó, riêng điện mặt trời có tốc độ tăng trưởng bằng 101% so với kế hoạch, bỏ xa các nguồn năng lượng truyền thống.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định xét từ góc độ hoạch định chính sách và sự tham gia của khu vực tư nhân, phát triển NLTT vẫn còn nhiều bất cập, như: hành lang pháp lý chưa đủ; khả năng truyền tải chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; thiếu nguồn tài chính… Hiện Bộ Công Thương đang gấp rút triển khai hành động cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn. Trước mắt là sửa đổi giá FIT cho năng lượng rác (WTE); hoàn thiện cơ chế đấu thầu và thí điểm đấu thầu điện gió, điện mặt trời; thúc đẩy hợp tác nghiên cứu phát triển các công nghệ NLTT và TKNL… Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật NLTT để trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội trong thời gian sắp tới.
Mục tiêu phát triển bền vững số 7Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người. Các mục tiêu cụ thể đến năm 2030: đảm bảo tiếp cận phổ cập các dịch vụ năng lượng đáng tin cậy, hiện đại với giá cả phải chăng; tăng cường chia sẻ nguồn năng lượng có thể tái tạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu; tăng gấp đôi tỷ lệ cải thiện hiệu quả năng lượng toàn cầu; tăng cường hợp tác quốc tế tạo điều kiện tiếp cận công nghệ và nghiên cứu năng lượng sạch, bao gồm năng lượng có thể tái tạo, hiệu quả năng lượng và công nghệ nhiên liệu hóa thạch tiên tiến và sạch hơn, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng và công nghệ năng lượng sạch; mở rộng cơ sở hạ tầng và cải tiến công nghệ để cung cấp các dịch vụ năng lượng hiện đại và bền vững cho tất cả mọi người ở các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước kém phát triển, các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các quốc gia đang phát triển không có biển, cùng với các chương trình hỗ trợ tương ứng.
Hương Giang ghi