[In trang]
Sóc Trăng: Hướng đến phát triển mạnh ngành công nghiệp sạch
Thứ hai, 27/10/2014
Sau hơn 22 năm tái lập tỉnh, công nghiệp Sóc Trăng đã có những bước phát triển đáng kể. Quyết tâm của ngành là sẽ đưa Sóc Trăng trở thành một địa phương có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, nhanh, bền vững nhất khu vực, trong đó động lực là ngành công nghiệp sạch. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Trạng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng xung quanh những giải pháp thực hiện mục tiêu này. Phượng Hằng thực hiện.

Sau hơn 22 năm tái lập tỉnh, công nghiệp Sóc Trăng đã có những bước phát triển đáng kể. Quyết tâm của ngành là sẽ đưa Sóc Trăng trở thành một địa phương có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, nhanh, bền vững nhất khu vực, trong đó động lực là ngành công nghiệp sạch. Tạp chí Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Minh Trạng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng xung quanh những giải pháp thực hiện mục tiêu này. Phượng Hằng thực hiện.

Xin ông cho biết những thành tựu mà ngành công nghiệp Sóc Trăng đã đạt được sau hơn 22 năm tái lập tỉnh?

Sau hơn 22 năm tái lập tỉnh, mặc dầu còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, lĩnh vực công nghiệp đã đạt được thành tựu quan trọng, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Điều đó thể hiện qua những số liệu cụ thể như sau: Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1992 chỉ đạt 478 tỷ đồng thì đến năm 2013 là 8.269 đồng (giá cố định 1994), tăng 17,3 lần so với năm 1992 (tương đương 7.791 tỷ đồng); tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1992 - 2013 là 14,54%. Ước thực hiện giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 là 8.400 tỷ đồng, tăng 17,57 lần so với năm 1992 (tương đương 7.922 tỷ đồng); tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1992 - 2014 là 13,92%.

Thế mạnh của công nghiệp Sóc Trăng hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào ngành chế biến thủy sản với trên 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu, vậy ông có thể giới thiệu thêm về thế mạnh công nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh?


Công nghiệp chế biến nói chung chiếm tỷ trọng trên 97% giá trị sản xuất công nghiệp địa phương, trong đó ngành công nghiệp mũi nhọn là chế biến hàng thủy sản. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nuôi trồng và khai thác thủy sản, công nghiệp chế biến hàng thủy sản phát triển nhanh từ năm từ năm 1996 đến nay. Nếu như năm 2001, toàn tỉnh có 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản với công suất 18.000 tấn thành phẩm/năm, thì hiện nay có 10 doanh nghiệp với công suất là 120.500 tấn/năm. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản đã đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước, trong đó gồm các thị trường xuất khẩu chủ lực như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Ca-na-đa, Hàn Quốc…Sản lượng sản xuất tôm đông lạnh năm 1992 chỉ có 599 tấn, thì đến năm 2002 đạt 21.878 tấn và năm 2013 là 41.332 tấn.

 

Vấn đề quy hoạch vùng nguyên liệu bền vững nhằm phục vụ cho lĩnh vực công nghiệp chế biến được tỉnh chú trọng ra sao, thưa ông?


Việc đảm bảo nhu cầu nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho chế biến nói chung, đặc biệt là vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến tôm đông nói riêng là vô cùng quan trọng, có thể khẳng định là yếu tố quyết định, do vậy được các cấp, các ngành và các địa phương rất quan tâm chỉ đạo. Theo đó, năm 1992 diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 19.799 ha, và đến cuối năm 2013 diện tích nuôi trồng thủy sản là 68.250 ha, trong đó diện tích nuôi tôm đạt 46.028 ha, tập trung chủ yếu ở 4 huyện gồm: thị xã Vĩnh Châu 23.634 ha, huyện Mỹ Xuyên 17.166 ha, Trần Đề 3.354 ha và huyện Cù Lao Dung 1.455 ha.

Song song với việc quy hoạch vùng nguyên liệu, UBND tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, kết hợp với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tập trung đầu tư hệ thống công trình thủy lợi, các công trình điện. Ngoài ra các sở, ngành tỉnh còn tích cực trong việc hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản cho người dân, tập huấn các quy trình sản xuất mới, hiện đại, hiệu quả nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm.

 

Tuy có bước phát triển về công nghệ sản xuất nhưng lĩnh vực chế biến các mặt hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là lĩnh vực chế biến thủy sản của tỉnh vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh sẵn có. Ông có thể cho biết nguyên nhân của những hạn chế này là gì?

 

Kể từ khi tái lập tỉnh đến nay sản xuất công nghiệp của tỉnh có bước phát triển đáng kể, đặc biệt là chế biến thủy sản.Tuy nhiên, lĩnh vực chế biến thủy sản còn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, do một số nguyên nhân chủ yếu sau đây: Đối với khâu nuôi trồng, do nguồn vốn còn nhiều khó khăn nên các công trình phục vụ nuôi trồng chưa khép kín, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu của người dân, đặc biệt là các công trình thủy lợi, nguồn điện... Một số ít doanh nghiệp chế biến thủy sản, do công nghệ, thiết bị được đầu tư từ những thập niên 90, song đến nay chậm được đổi mới. Doanh nghiệp lại chưa quan tâm đúng mức trong việc đầu tư vùng nguyên liệu. Hầu hết doanh nghiệp chưa tạo được sự gắn kết với người nuôi nên không chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, dẫn đến tình trạng sản xuất cũng mang tính thời vụ, khai thác công suất thiết kế của doanh nghiệp chưa hiệu quả.Thị trường xuất khẩu luôn biến động, các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe. Công tác dự báo thị trường tiêu thụ còn yếu, thiếu kiến thức thương mại, dẫn tới việc doanh nghiệp không chủ động được thị trường. Ngoài ra là những khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, dịch bệnh trên tôm ngày càng diễn biến phức tạp, gây tâm lý lo ngại cho người nuôi.

Để từng bước nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, vấn đề vận động các doanh nghiệp thay đổi công nghệ, thay đổi quy trình sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc và đa dạng hóa sản phẩm được toàn ngành chú trọng ra sao? Về vấn đề này, về phía tỉnh Sóc Trăng có những hỗ trợ nào dành cho doanh nghiệp?

 

Tỉnh Sóc Trăng đã có một số chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp; Dự án Phát triển DNNVV tỉnh Sóc Trăng…Về phía ngành Công Thương thời gian qua đã hỗ trợ doanh nghiệp thông qua một số chính sách, cụ thể như sau: Về chương trình khuyến công, trong giai đoạn 2010-2013, tổ chức hỗ trợ 109 đề án, với số tiền là 18,8 tỷ đồng. Trong đó, chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ thực hiện 3 đề án để quy hoạch chi tiết xây dựng 3 cụm công nghiệp, chương trình khuyến công địa phương hỗ trợ thực hiện 76 đề án với số tiền trên là 3,6 tỷ đồng; đơn vị thụ hưởng đóng góp trên 12,8 tỷ đồng. Về Chương trình sản xuất sạch hơn, năm 2011, từ nguồn kinh phí hỗ trợ 31,6 triệu đồng của CPI, đã tổ chức 1 khóa tập huấn “Áp dụng sản xuất sạch hơn trong ngành công nghiệp chế biến”, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp đã xây dựng và phát sóng 4 chuyên mục về sản xuất sạch hơn trên Đài Truyền hình Sóc Trăng. Tổ chức cho các cơ sở sản xuất công nghiệp, tham quan học tập kinh nghiệm mô hình chế biến gỗ tại Bình Dương. Ngoài ra, ngành còn hỗ trợ 1 doanh nghiệp đầu tư thiết bị lò nướng bánh pía công nghệ sử dụng điện và thực hiện đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn cho 10 cơ sở sản xuất công nghiệp.


 

Mục tiêu tỉnh Sóc Trăng hướng tới là phát triển công nghiệp sạch, đồng bộ trên nhiều mặt như thị trường tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu, thiết bị công nghệ sản xuất, nguồn nhân lực... Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, ngành Công Thương đã có những chủ trương và biện pháp gì?


Ngành Công Thương tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường khai thác lợi thế về nguồn lao động dồi dào, điều kiện đất đai và nguyên liệu tại chỗ, nhất là nguồn nguyên liệu nông sản, thủy sản phục vụ công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp nhằm tạo mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp. Tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm công nghiệp mũi nhọn có lợi thế cạnh tranh về nguyên liệu tại chỗ, như chế biến nông sản, thủy sản; phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, về lao động và các sản phẩm truyền thống đặc thù của tỉnh. Tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư để phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao như cơ khí, thiết bị điện, điện tử tin học, công nghiệp hỗ trợ. Tăng cường hợp tác giữa Sóc Trăng với các tỉnh trong việc phát triển công nghiệp Vùng ĐBSCL, phù hợp với quy hoạch tổng thể vùng và quy hoạch ngành công nghiệp. Thực hiện những giải pháp đồng bộ về vốn, đất đai, công nghệ, nguồn nhân lực, cơ chế chính sách...với những hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp nhằm tạo lòng tin cho các nhà đầu tư yên tâm đến với địa phương đầu tư.