[In trang]
Phát triển vật liệu xây không nung: Chất lượng sản phẩm từng bước được kiểm soát
Thứ sáu, 28/08/2020
Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 đến nay, nhận thức của người sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung đã có sự chuyển biến rõ rệt.
Sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung là một nhu cầu hết sức cấp thiết và là xu thế trong việc phát triển bền vững. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 về Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (gọi tắt là Chương trình 567) đến nay, nhận thức của người sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung đã có sự chuyển biến rõ rệt. Chương trình đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Nhận thức của người dân về vật liệu xây không nung ngày càng tăng.
Triển khai thực hiện Chương trình 567, nhiều địa phương tổ chức hội nghị triển khai các văn bản liên quan đến Chương trình và giới thiệu công nghệ, xúc tiến đầu tư trên địa bàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có công nghệ, thiết bị quảng bá sản phẩm, các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư có cơ hội tiếp cận công nghệ thiết bị mới.
Nhiều địa phương đã xây dựng và ban hành Chỉ thị về việc tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung.
Đặc biệt, các địa phương đã xây dựng và ban hành Lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và xây dựng Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung trên địa bàn.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đã tích cực chủ động hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, đã chủ động tìm hiểu công nghệ, đầu tư sản xuất, cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm vật liệu xây không nung đạt chất lượng, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm vật liệu xây không nung, nên tại mỗi thời điểm, tổng công suất đã đạt được mục tiêu mà Chương trình đã đề ra, chất lượng sản phẩm từng bước được kiểm soát, tất cả các công trình vốn Ngân sách Nhà nước đã sử dụng vật liệu xây không nung. Nhiều công trình ngoài vốn Nhà nước cũng đã sử dụng 80-100% vật liệu xây không nung.
Để hỗ trợ cho việc thực hiện chương trình phát triển vật liệu xây không nung, dự án “Tăng cường sản xuất và sử dụng gạch không nung ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ từ nguồn vốn của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) là một đóng góp hết sức quan trọng. Bắt đầu được thực hiện từ cuối năm 2015, kết thúc vào tháng 9/2019, dự án đã cung cấp 4 hợp phần: Hỗ trợ xây dựng chính sách đối với việc phát triển công nghệ gạch không nung; xây dựng năng lực kỹ thuật về việc ứng dụng và vận hành công nghệ gạch không nung và sử dụng các sản phẩm gạch không nung; hỗ trợ cung cấp tài chính bền vững cho việc ứng dụng công nghệ gạch không nung; ứng dụng, đầu tư và nhân rộng công nghệ gạch không nung.
Trong phạm vi dự án đã xây dựng 5 bộ tài liệu đào tạo; tổ chức 23 khóa đào tạo cho 1.680 học viên đến từ 63 tỉnh, thành phố về các chính sách và các tiêu chuẩn và quy chuẩn gạch không nung; thiết kế và xây dựng các công trình sử dụng gạch không nung; công nghệ sản xuất bê tông khí chưng áp; công nghệ sản xuất gạch bê tông cốt liệu.
Việc thực hiện dự án cũng góp phần tích cực kết nối có hiệu quả nhà đầu tư sản xuất với các nhà chế tạo và cung cấp thiết bị uy tín trong nước và ngoài nước, đồng thời huy động sự phối hợp tham gia tích cực của các tổ chức tài chính, tín dụng.
Thông qua việc triển khai dự án, khuôn khổ chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn phát triển vật liệu xây không nung đã được nghiên cứu, hoàn thiện.
Một số chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được ban hành, góp phần từng bước loại bỏ các rào cản, cản trở để đưa gạch không nung được sử dụng rộng rãi trong các công trình xây dựng.
Chương trình phát triển vật liệu xây không nung như một cuộc cách mạng. Một cuộc cách mạng trong sản xuất và sử dụng vật liệu xây nói riêng, đồng thời cũng là một cuộc cách mạng trong phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường nói chung. Những viên gạch AAC, hay gạch xi măng cốt liệu tuy đơn sơ nhưng đã truyền đi một thông điệp: Ngành sản xuất liệu xây dựng có thể là một ngành sản xuất sạch và có thể góp phần đáng kể trong việc làm sạch cho các ngành sản xuất khác. Chúng ta cũng biết, nếu các cơ chế chính sách trong xử lý và sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất và phân bón được ban hành đầy đủ, thực hiện một các đồng bộ, nghiêm túc thì việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung và nhiều sản phẩm liệu xây dựng khác có thể giải phóng hết các bãi phế thải.
Trong 10 năm việc thực hiện, Chương trình phát triển vật liệu xây không nung cũng đã gặp không ít khó khăn, không ít những rào cản và ách tắc nhưng đã thu được những kết quả đáng phấn khởi trên cả 3 nhóm giải pháp là cơ chế chính sách, khoa học kỹ thuật và tuyên truyền.
Theo: Báo Xây Dựng