[In trang]
Khả năng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa ở Việt Nam
Thứ hai, 17/08/2020
Tại Việt Nam, hiện nay, việc khai thác tài nguyên chưa hợp lý, quá trình sản xuất tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và gây phát thải cao, môi trường bị ô nhiễm nặng và hệ sinh thái nhiều nơi bị suy thoái. Diện tích nước ta đứng thứ 68 trên thế giới nhưng lại đứng thứ 4 thứ giới về lượng RTN với 1,83 triệu tấn/năm. Điều đó đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng hơn bởi RTN ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường sống, sức khỏe của con người và các loài sinh vật, gây thiệt
Tại Việt Nam, hiện nay, việc khai thác tài nguyên chưa hợp lý, quá trình sản xuất tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng và gây phát thải cao, môi trường bị ô nhiễm nặng và hệ sinh thái nhiều nơi bị suy thoái. Diện tích nước ta đứng thứ 68 trên thế giới nhưng lại đứng thứ 4 thứ giới về lượng RTN với 1,83 triệu tấn/năm. Điều đó đã làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng hơn bởi RTN ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường sống, sức khỏe của con người và các loài sinh vật, gây thiệt hại cho các ngành kinh tế như du lịch hay đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản…
Dưới các tác động mà RTN gây ra, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn (KTTH) cho ngành nhựa là cần thiết nhằm tái chế, tái sử dụng lượng nhựa thải ra môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.  
Tình hình RTN ở Việt Nam
Ngành công nghiệp nhựa phát triển tất yếu sẽ gây nên tình trạng ô nhiễm RTN. Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc năm 2018 cho thấy: “Mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Theo Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn RTN đổ ra biển. Lượng RTN do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi trên các đại dương”. RTN trên biển có nguồn gốc chủ yếu từ đất liền (khoảng 80%), phần còn lại là đổ thải trực tiếp ra biển. RTN là vấn đề của toàn cầu, đặc biệt đối với nước có bờ biển dài như nước ta vấn đề ô nhiễm môi trường do RTN lại càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tới toàn bộ hệ sinh thái. Nhựa là một hợp chất cao phân tử và khó phân hủy sẽ phải mất hàng trăm thậm chí là hàng nghìn năm để có thể phân hủy hết, các nhà khoa học cảnh báo, nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời, phải mất từ 500 - 1.000 năm mới có thể phân hủy được 1 túi ni lông.
Việt Nam với khoảng 30 triệu tấn rác thải được tạo ra hàng năm và chỉ 10% trong số đó được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế và là một trong 5 nước gây ô nhiễm RTN nhiều nhất. Các sản phẩm nhựa sau khi sử dụng như đồ nhựa một lần như túi ni lông, chai nhựa, ống hút, hộp xốp đựng đồ ăn hay các sản phẩm nhựa khác như thau chậu, đồ chơi, bàn ghế nhựa. Theo đánh giá của Bộ TN&MT, ước tính trung bình mỗi gia đình Việt Nam hàng ngày sử dụng khoảng 1kg túi ni lông một tháng, lượng chất thải nhựa và túi ni lông ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi ni lông, con số này không ngừng tăng lên.
Ở Việt Nam, việc tiêu thụ nhựa bình quân đầu người đã tăng từ 3,8 kg lên 41,3 kg/người trong thời gian 1990-2018. Theo báo cáo của Hiệp hội nhựa, năm 2015, Việt Nam sản xuất và tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn nhựa nguyên liệu chủ yếu là nhập khẩu vì nguồn nguyên liệu trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu, PE, PP mới chỉ đáp ứng được 15%, PET là 30% và PVC là 50% nhu cầu trong nước. Nguyên liệu nhựa trong nước sản xuất được chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu, 80% còn lại phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Việc nhập siêu nguyên liệu khiến doanh nghiệp trong nước khó chủ động do biến động giá của các nguyên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá vì những nguồn nguyên liệu này chiếm tới 80% giá thành của sản phẩm nhựa. Việc biến động giá hay tăng giảm khả năng cung - cầu sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, gây trở ngại cho sự tăng trưởng của ngành nhựa Việt Nam .
Khả năng áp dụng mô hình KTTH trong ngành nhựa ở Việt Nam 
Nhựa phế liệu được thu gom, vận chuyển tới các cơ sở tại làng tái chế nhựa Triều Khúc (Hà Nội)
Ngành công nghiệp nhựa ở nước ta phát triển nhanh, đây có thể được coi là thế mạnh để áp dụng mô hình KTTH. Ngành nhựa Việt Nam khá non trẻ, nhưng lại là ngành dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng nhờ các sản phẩm nhựa được sử dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực như tiêu dùng, thực phẩm, xây dựng, viễn thông…
Việt Nam là nước có nguồn lao động dồi dào, chi phí nhân công tương đối rẻ, với mức lương trung bình năm 2018 là 147 USD/tháng (thấp hơn khoảng 22% so với mức trung bình khu vực Đông Nam Á). Chi phí nhân công chiếm khoảng 9% trong cơ cấu chi phí sản xuất trung bình của ngành vì vậy, đây là lợi thế đối với ngành nhựa Việt Nam, giúp lao động nước ta có ưu thế cạnh tranh hơn so với lao động các nước khác như Thái Lan, Malaixia.
Bên cạnh đó, nguồn phế liệu nhựa thải ra lên tới 18.000 tấn/ngày, giá phế liệu lại thấp do đó giá thành cũng thấp hơn so với giá của nhựa nguyên sinh, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa tăng trung bình 20%/năm. Điều này cho thấy tiền năng phát triển của ngành nhựa tái chế. Theo thống kê của Bộ TN&MT, riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hàng năm có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế. Trong đó, 50 - 70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, song số lượng rác được thu gom về chỉ có gần 10% được tái chế, sử dụng.
Ở Việt Nam hình thành một thị trường tái chế chất thải phi chính thức từ nhiều năm về trước với số lượng người (đồng nát, ve chai) tham gia vào thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, các làng nghề - nơi tiêu thụ và tái chế chất thải được thành lập từ lâu đời, với khối lượng tái chế chất thải chủ yếu là nhựa như làng nghề tái chế nhựa Triều Khúc (Hà Nội), Minh Khai (Hưng Yên) tới hàng trăm nghìn tấn/năm. Thị trường phi chính thức này hoạt động tương đối ốn định, mang lại các giá trị kinh tế cho người dân và cũng góp phần giải quyết một phần bài toán về phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải ở Việt Nam.
Trên thế giới đã có nhiều quốc gia áp dụng mô hình KTTH thành công như Thụy Điển, Phần Lan, Đức… nên Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn của các nước đi trước, cũng như tận dụng các cơ hội hợp tác về tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ thiết kế, chế tạo, thông tin hiện đại hiện có và sẽ tiếp tục được phát triển trong tương lai, qua đó, hỗ trợ thúc đẩy KTTH.
Đề xuất giải pháp áp dụng mô hình KTTH trong ngành nhựa ở Việt Nam
Cơ chế chính sách
Cần có chính sách không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện, mà phải có những hỗ trợ cụ thể với việc phát triển các mô hình KTTH trong cộng đồng và doanh nghiệp trên thực tiễn, đặc biệt là trong lĩnh vực tái chế chất thải nhựa. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), vì vậy, cần đưa thêm khái niệm và những nội dung về KTTH, cũng như hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện KTTH. Nhà nước có luật và các chính sách rõ ràng sẽ giúp thực hiện KTTH một cách hệ thống và đồng bộ, cùng với các hình thức khuyến khích (ưu đãi về cơ chế và thủ tục hành chính, tài chính, tiếp cận các nguồn lực) và chế tài rõ ràng, minh bạch. Từ đó, các mô hình KTTH tốt được khuyến khích và tạo hiệu ứng thực hiện KTTH trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Việt Nam có thể xem xét việc xây dựng luật riêng về KTTH. 
Kinh tế
Để có thể áp dụng mô hình KTTH một cách hiệu quả cho ngành nhựa Việt Nam đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, tái chế nhựa phải thay đổi công nghệ. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp nhỏ và cơ sở tái chế thì việc thay đổi công nghệ sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi muốn thay đổi công nghệ cao hơn cần chi phí lớn trong khi nguồn vốn và kinh phí có hạn. Do đó, cần có các gói hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ chính phủ để các doanh nghiệp và cơ sở có thể đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất.
Đa dạng nguồn vốn đầu tư hướng đến việc khởi xướng ý tưởng sáng tạo, khuyến khích ý tưởng mới của các mô hình kinh doanh hướng tới nền KTTH trong các lĩnh vực nhằm giảm phát thải, tăng tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải trong công đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Khoa học công nghệ
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường, thay thế túi ni lông, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
Lựa chọn công nghệ đốt phát điện và công nghệ nhiệt phân. Đây được xem là 2 giải pháp tối ưu để thu hồi được những giá trị từ rác thải và giảm ô nhiễm môi trường hiệu quả. Hai công nghệ này sẽ mang lại nhiều giá trị và lợi ích lâu dài cho sự phát triển của các khu công nghiệp, khu đô thị tại Việt Nam. Ứng dụng công nghệ nhiệt phân tái chế RTN vừa giải quyết bài toán môi trường và năng lượng tái tạo khi cung cấp cho xã hội những sản phẩm năng lượng xanh.
Nghiên cứu và chuyển giao, áp dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 vào quản lý và sản xuất trong các doanh nghiệp sản xuất, tái chế nhựa. Công nghệ là một trong những điều kiện cần để thực hiện nền KTTH. Các nhà sản xuất, doanh nghiệp trong ngành nhựa cần tích cực tham gia hội nghị, diễn đàn về công nghệ, đặc biệt, công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, công nghệ sản xuất sạch hơn. Từ đó tìm hiểu và lựa chọn định hướng ứng dụng công nghệ vào các công đoạn sản xuất đối với ngành nhựa.
Giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức
Cần tăng cường nâng cao nhận thức BVMT, hiểu biết về các tác hại của RTN đối với môi trường và sức khỏe, cuộc sống của con người. Việc tuyên truyền thay đổi nhận thức về sử dụng túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài với các cách truyền tải thông tin dễ nhớ, dễ hiểu, dễ vẫn dụng và phổ biến với tất cả tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi.
Đào Văn Hiền, Nguyễn Thị Mai
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tạp chí Môi trường số 7/2020