[In trang]
Sản xuất và tiêu dùng bền vững: lấy doanh nghiệp làm trọng tâm
Thứ sáu, 31/07/2020
Ngày 31/07 tại văn phòng Bộ Công Thương đã diễn ra buổi làm việc giới thiệu về Chương trình và đề xuất phương thức phối hợp với một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Ngày 24/06/2020,Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình). Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về xây dựng quy chế triển khai, thực hiện các nhiệm vụ ưu tiên; đồng thời là đơn vị chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai Chương trình.
Ngày 31/07 tại Bộ Công Thương đã diễn ra buổi làm việc giới thiệu về Chương trình và đề xuất phương thức phối hợp với một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành sản xuất
Tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Chánh văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV) ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, Đảng và Chính phủ cũng đã xác định SXTDBV là một trong những mục tiêu trọng tâm cần đạt được trong 5 năm tới. Theo đó, nhiều Nghị quyết, Quyết định và Luật đã được ban hành xung quanh các vấn đề liên quan.

Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Chánh văn phòng sản xuất và tiêu dùng bền vững (SXTDBV) ông Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại buổi làm việc. 
Cụ thể, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành TW về Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Quyết định 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững; Luật BVMT 55/2014/QH13 đã được Quốc hội phê chuẩn.
Như vậy đã có nhiều cơ sở để thúc đẩy nền kinh tế theo hướng bền vững, tuần hoàn. “Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 889/QĐ-TTg là một bước tiến, cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ, tiến trình cho từng Bộ, ngành, cơ quan liên quan nhằm thúc đẩy nền sản xuất trong nước theo hướng bền vững hơn”, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết.
Trình bày về nội dung Chương trình, Phó Chánh Văn phòng - ông Cù Huy Quang cho biết có nhiều nội dung cụ thể đã được xác định trong vòng 5 năm tới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giảm mức tiêu hao nguyên vật liệu từ 5-8% trong một số ngành sản xuất trọng điểm; 70% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được tiếp cận phương pháp SXTDBV; 70% tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hành động; ít nhất 20 mô hình SXTDBV được xây dựng. Ở mảng tiêu dùng, 85% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng bao bì thân thiện môi trường; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lối sống bền vững trong cộng đồng.

Ông Cù Huy Quang, Phó chánh Văn phòng trình bày tại hội thảo
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ những nhiệm vụ chủ yếu mà Chương trình cần hoàn thành. Các nhiệm vụ này bao gồm hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy SXTDBV; quản lý, khai thác tài nguyên hiệu quả và bền vững; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển KHCN thúc đẩy sản xuất bền vững; xây dựng và thúc đẩy thị trường phân phối, xuất nhập khẩu bền vững; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin về SXTDBV cho người tiêu dùng; thúc đẩy hệ thống tài chính xanh; và đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện lối sống bền vững, thân thiện môi trường.
Lấy doanh nghiệp làm trọng tâm
Thông qua buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết mong muốn nhận được sự tư vấn, phối hợp tích cực của các tổ chức, đơn vị liên quan nhằm tận dụng các kinh nghiệm và nguồn lực nhằm thúc đẩy SXTD theo hướng bền vững. Đồng thời, đại diện Văn phòng SXTDBV cũng đề nghị một số hỗ trợ cụ thể để giúp các doanh nghiệp, ngành nghề vượt qua các rào cản kỹ thuật, thâm nhập sâu và bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này càng có ý nghĩa khi sắp tới EVFTA chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, theo ông Dũng, hiện nay năng lực quản lý, minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc hàng hoá… là các vấn đề doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, Chánh văn phòng SXTDBV cũng đề nghị các đối tác nghiên cứu hỗ trợ rà soát các rào cản kỹ thuật đối với các sản phẩm xuất khẩu tiềm năng để tư vấn, định hướng sản xuất cho doanh nghiệp; đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu trọng tâm như dệt may, da giầy…

Từ tái qua: các đại diện tổ chức UNIDO và Văn phòng EU trao đổi tại buổi làm việc.
Bà Lê Thanh Thảo, đại diện tổ chức UNIDO, cho biết Chương trình có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam gia nhập sâu rộng chuỗi giá trị toàn cầu. Theo bà Thảo, thị trường EU là thị trường tiềm năng, có khả năng sinh lợi tốt. Tuy nhiên đây cũng là thị trường được đánh giá khó tính bậc nhất với các quy định chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm… Đại diện UNIDO cam kết sẽ phối hợp tích cực với Văn phòng SXTDBV trong khuôn khổ các chương trình trọng tâm phù hợp với kinh nghiệm và năng lực của tổ chức.
Hình ảnh tại buổi làm việc.
Còn theo ông Hoàng Thành, đại diện Văn phòng EU tại Việt Nam, hiện nay cơ quan này đang có nhiều hoạt động phù hợp với định hướng của Chương trình; như thúc đẩy nông nghiệp công bằng và thân thiện môi trường; khí hoá rác thải nông nghiệp… Qua đây, ông Thành cũng mong muốn trong thời gian tới Văn phòng SXTDBV sẽ xác định các trọng tâm hợp tác cũng như là kế hoạch ưu tiên, để có thể cùng nhau phối hợp hành động nhằm đạt tới các mục tiêu chung.
Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 gồm 02 giai đoạn chính, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025, giai đoạn tiếp theo từ năm 2026-2030. Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ đã xác định các mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ chủ yếu, cũng như các hoạt động ưu tiên mà các Bộ, ban, ngành và các cơ quan liên quan cần thực hiện. 
Toàn nội dung Quyết định 889/QĐ-TTg ​được đăng tải tại đây.
Hương Giang ghi