Là tổ trưởng sản xuất thuộc Công ty cổ phần than Hà Lầm (Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam), anh Nguyễn Trọng Thái vinh dự là 1 trong 19 cá nhân được vinh danh tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ XI sẽ được tổ chức ngày 23/5, tại thủ đô Hà Nội.
Quê ở Hải Dương, 19 tuổi, Nguyễn Trọng Thái đã đến với vùng đất mỏ Quảng Ninh. 40 tuổi đời, anh đã có 21 năm trong nghề thợ đào lò. Từ công nhân bậc 4/6, năm 1994, anh Nguyễn Trọng Thái về nhận công tác tại công trường Mỏ than Hà Lầm. Trong quá trình làm việc, anh không ngừng học hỏi, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ đó, anh được Công ty cử làm tổ trưởng mang tên mình - tổ Nguyễn Trọng Thái, gồm 38 thành viên.
Chia sẻ về công việc của mình, anh cho biết: “Ở than Hà Lầm, ai làm tổ trưởng, tổ sẽ mang tên người đó, như một cách vừa khích lệ tinh thần làm việc cũng như tăng trọng trách của người đứng đầu. Tổ của chúng tôi đảm nhận công việc tiên phong đi mở đường..."
Làm việc trong môi trường hiểm nguy và vất vả, anh luôn tìm tòi nghiên cứu, bổ sung kiến thức về an toàn vệ sinh lao động; tìm hiểu từng loại máy móc, thiết bị, vật tư, quy trình hoạt động... Gần 21 năm công tác ở Công ty Cổ phần than Hà Lầm, anh Nguyễn Trọng Thái đã có hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất rất có giá trị kinh tế. Hiện anh được coi là người dẫn đầu phong trào này ở ngành than.
Là tổ trưởng một tổ sản xuất mũi nhọn trong hầm lò, anh luôn chú ý bao quát công việc, không bao giờ chịu bó tay trước những khó khăn do điều kiện làm việc khắc nghiệt dưới hầm lò, do những phương tiện kỹ thuật phục vụ sản xuất nhập từ nước ngoài không còn phù hợp với thực tế ở hầm lò Việt Nam. Anh mày mò nghiên cứu để cho ra đời rất nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, làm lợi cho doanh nghiệp nhiều tỷ đồng.
“Sản phẩm trí tuệ” mà anh Thái tâm đắc nhất là sáng kiến “dập bụi trong khi thi công bằng cách sử dụng bơm áp lực, bơm nước.” Những ai đã làm việc dưới hầm lò mới thấu hiểu mức độ quan trọng của sáng kiến này. Mỗi khi nổ mìn phục vụ thi công, một đoạn hầm lò bụi mù mịt. Nếu không giải quyết tốt bụi bẩn đó thì không thể làm việc được. Hơn nữa, tuyến gió thải sang công trường khác cũng bị ô nhiễm nặng, khó duy trì sản xuất. Sáng kiến này của anh Thái đã khắc phục được điều đó và được áp dụng rộng rãi, giúp cho việc sản xuất trong hầm lò không bị đình trệ.
Với những thành tích đạt được, năm 2012, anh tiếp tục được Ban lãnh đạo Công ty giao phụ trách thực hiện công trình đào lò ở độ sâu -300m. Đây là công trình hiện đại và có độ sâu nhất trong ngành khai thác mỏ tại Việt Nam. Làm việc ở độ sâu như vậy, phải đối mặt với những điều kiện hết sức khắc nghiệt nhưng các anh luôn đoàn kết, cùng nhau bàn bạc để đưa ra những phương án thi công tối ưu. Nhờ đó, tổ của anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều tháng đạt năng suất kỷ lục, duy trì mức thu nhập bình quân đạt khoảng 15-25 triệu đồng/tháng, không để xảy ra tai nạn và sự cố thiết bị, được công ty đánh giá cao.
Ngoài công việc chuyên môn, anh Thái luôn quan tâm, nắm tâm tư nguyện vọng của anh em trong tổ; kịp thời thăm hỏi, động viên những anh em có hoàn cảnh khó khăn. Để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho công nhân, anh thường xuyên kiểm tra tình trạng an toàn của máy móc, thiết bị, kịp thời phát hiện các hiện tượng mất an toàn phát sinh trong quá trình làm việc...
Với những cống hiến không mệt mỏi cho ngành than, anh vinh dự được tặng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ (năm 2007); Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010); Chiến sỹ thi đua ngành Công Thương (năm 2012); Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh (năm 2013).
Một trong những phần thưởng mà anh coi là vinh dự nhất trong cuộc đời thợ lò cho đến thời điểm này là anh được lãnh đạo công ty chọn là người đầu tiên đặt chân xuống độ sâu -300m, độ khai thác sâu nhất của toàn ngành than vào năm 2011 và được chọn mẫu chân để đúc bước chân thợ mỏ ở độ sâu -300m./.