[In trang]
Lò đốt sinh thái Losiho: Giảm mối lo ô nhiễm từ rác thải nguy hại
Thứ hai, 20/07/2020
Khi đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, vấn đề khử trùng, xử lý đồ bảo hộ của nhân viên y tế, kim tiêm, khẩu trang, băng gạc… cấp thiết hơn bao giờ hết. Lúc này, Lò đốt rác sinh học (Losiho) Công ty TNHH Tân Thiên Phú - Xuân Trường-– Nam Định) đã thực sự phát huy hiệu quả và cho thấy tính ưu việt qua kiểm nghiệm thực tế!
Khi đại dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, vấn đề khử trùng, xử lý đồ bảo hộ của nhân viên y tế, kim tiêm, khẩu trang, băng gạc… cấp thiết hơn bao giờ hết. Lúc này, Lò đốt rác sinh học (Losiho) Công ty TNHH Tân Thiên Phú - Xuân Trường-– Nam Định) đã thực sự phát huy hiệu quả và cho thấy tính ưu việt qua kiểm nghiệm thực tế!

Anh Trần Kiều - Giám đốc Công ty TNHH Tân Thiên Phú
Từ dám nghĩ dám làm…
Chúng tôi đến Công ty, đúng lúc anh Trần Kiều - Giám đốc Công ty TNHH Tân Thiên Phú vừa về đến nơi. Không kịp chào hỏi, anh nói ngay, chúng tôi vừa đi chuyển giao công nghệ Losiho lên Bình Xuyên - Vĩnh Phúc để lắp đặt và tiêu hủy hàng chục tấn khẩu trang, dụng cụ và đồ dùng y tế ở vùng tâm dịch.
Xoa vội tay vào cồn khử trùng xong, anh nói tiếp, đại dịch Covid- 19 hoành hành đã khiến một lượng lớn rác thải có nguy cơ lây nhiễm rất lớn, cần được xử lý ngay. Vấn đề ở chỗ, xử lý như thế nào, ai xử lý, hiệu quả ra sao… Trước thực tế đó, chúng tôi đã sản xuất thành công máy xử lý rác đặc biệt nhằm; “Biến rác vùng dịch thành rác thải thông thường”. Nguyên lý hoạt động dựa trên cơ sở hấp hơi tiệt trùng được trộn đều trong máy từ 90°C đến trên 100°C nhằm lọc độc tố trước, rồi mới bắt đầu quy trình nghiền nát và khử trùng rác vụn trước khi đưa ra khỏi vùng dịch đến nơi đốt triệt.
Khi được hỏi, anh không sợ mình bị lây nhiễm sao? Anh trả lời: Sợ chứ! Nhưng nhiệm vụ này còn cấp bách hơn, nếu mình xử lý không kịp thì nguy cơ lây nhiễm chéo cho toàn xã hội là rất lớn. Đối với rác thải bình thường đã là một vấn nạn rồi, nói gì đến loại rác thải nguy hiểm này.
Ở quê, mọi người gọi anh với cái tên thân thương “Kiều khùng”. Bởi lẽ, bỗng nhiên một ngày anh Kiều bỏ làng ra ngoài dựng nhà ở ngay cạnh một đống rác to tướng ngoài đồng. Suốt ngày anh cắm cúi nghiên cứu, hí hoáy, rồi chế tạo ra cái máy “chẳng giống ai”.
Khi chiếc máy ấy mang ra chạy thử, mọi người ngỡ ngàng vì hiệu quả và tính ưu việt của nó. Chỉ trong chốc lát, một đống rác đã bị máy “nuốt” sạch. Từ đó, chiếc máy ấy được “Kiều khùng” đặt cho cái tên là Lò đốt rác thải sinh học, viết tắt là Losiho.

Lò đốt Losiho
...Đến hiện thực hóa ý tưởng
Lò đốt Losiho có hai buồng đốt sơ cấp và thứ cấp. Buồng sơ cấp gồm không gian sấy, không gian cháy chính; buồng thứ cấp gồm không gian cháy kiệt, khoang lưu khí, các chất đốt kiệt ngăn ngừa sự tái sinh của Dioxin, Furan. Lò đốt hoàn toàn sử dụng phương pháp đốt trên cơ sở tự nhiệt phân và tự đốt sinh năng lượng. Việc kiểm soát và cung cấp oxy trong quá trình cháy được điều khiển bằng việc đóng các cửa cấp gió bên dưới hoặc trên thân lò.
Đặc biệt, lượng nhiệt duy trì trong quá trình cháy trong lò là các rác thải tạo ra trên cơ sở sử dụng tối đa các nhiệt bức xạ, nhiệt lượng trong quá trình phản ứng hóa học, phân hủy rác mà không cần bất kỳ nguồn năng lượng khác từ bên ngoài. Khí gas sinh ra từ quá trình nhiệt phân không chỉ đốt cháy rác ở buồng sơ cấp mà còn tiếp tục lên buồng thứ cấp để đốt triệt khí độc trước khi qua thiết bị xử lý khí để thải ra môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác về thăm công viên bãi rác năm 2019
Không ngừng sáng tạo và cải tiến để đáp ứng thị trường, năm 2017, Cty cho ra đời sản phẩm thế hệ mới (Lò đốt rác thải sinh hoạt công nghệ thương hiệu BAMBOO). Lò BAMBOO được trang bị thêm hệ thống phân loại rác tự động, tăng hiệu suất đốt và giảm quá trình tiếp xúc trực tiếp của người lao động với rác thải. Bổ sung hệ thống thiết bị xử lý khí thải bằng công nghệ nước kiềm và hệ thống làm mát cưỡng bức, xử lý triệt để bụi và khí độc hại trong khí thải.
Lò được thiết kế trang bị hệ thống quạt hút nhằm tạo áp suất âm, khiến quá trình đốt rác nhanh hơn, nhưng vẫn đảm bảo đạt các thông số kỹ thuật, các giá trị nồng độ khí thải đều, đảm bảo theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT.
Năm 2017, “Kiều khùng” lại khiến mọi người bất ngờ thêm một lần nữa khi ”đầu tư” 10 tỷ đồng để biến một bãi rác gây ô nhiễm nghiêm trọng nhiều năm của huyện Xuân Trường – Nam Định trở thành một công viên sạch đẹp.. Việc đầu tiên là anh đưa lò đốt Losiho ra để nó “nuốt” sạch rác. Sau đó, đặt cố định nhằm triển khai Dự án “Tổ hợp xử lý rác thải sinh hoạt” cho huyện và các địa phương lân cận. Phần diện tích lớn còn lại, anh cho xây dựng một công viên xanh, kết hợp với khu vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao được xây dựng trên nền bãi rác trước đây.

Anh Trần Kiều đã biến bãi rác trở thành một công viên sạch đẹp (ảnh Danviet)
Từ đó đến nay, “bãi rác” này trở thành địa chỉ vui chơi, giải trí của người dân địa phương, thu hút hàng trăm người/ngày tham gia hoạt động: Có phòng tập thể hình riêng cho mọi người; đường dành cho người chạy, đi bộ; sân chơi bóng bàn, cầu lông; ghế đá, cây xanh, cây ăn quả… tạo một không gian thoáng đãng, mát mẽ và thân thiện với môi trường.
Đầu xuân năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã trực tiếp về tham quan và ghi nhận sự thành công của “công viên bãi rác” này.
Theo Tạp chí Công Thương