Đồng Nai: Phát triển khu công nghiệp, ưu tiên bảo vệ môi trường
Thứ hai, 01/06/2020
Với 31/31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, hơn 80% trong số đó đưa vào vận hành và có hệ thống quan trắc nước thải tự động được giám sát chặt chẽ, Đồng Nai là tỉnh tiên phong và đầu tư mạnh cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) các KCN.
Với 31/31 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, hơn 80% trong số đó đưa vào vận hành và có hệ thống quan trắc nước thải tự động được giám sát chặt chẽ, Đồng Nai là tỉnh tiên phong và đầu tư mạnh cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) các KCN.
Khu xử lý nước thải có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động tại Công ty CPHH Vedan Việt Nam. Ảnh: L. An
Việc tỉnh sớm đầu tư đồng bộ và triển khai nhiều giải pháp BVMT nhằm hướng đến mục tiêu phát triển công nghiệp xanh, bền vững.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo số liệu thống kê, Đồng Nai có 31/33 KCN có dự án đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 10,2 ngàn ha, chiếm 10% diện tích đất công nghiệp cả nước, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển KCN.
Tính đến nay, Đồng Nai đã thu hút được 1.796 dự án, trong đó 1.320 dự án vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ lấp đầy ở các KCN trong tỉnh trung bình đạt 78% (cao hơn mức trung bình 73% của cả nước), khoảng 20 KCN có tỷ lệ lấp đầy 100%, tạo việc làm cho khoảng 600 ngàn lao động, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 62% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh. Kết quả này phần nào phản ánh môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng được cải thiện.
Liên quan đến lĩnh vực môi trường tại các KCN, những năm qua, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các KCN, các cơ sở sản xuất lắp đặt thiết bị quan trắc tự động và kết nối dữ liệu quan trắc về Sở TN-MT để theo dõi thường xuyên; chỉ đạo các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở TN-MT, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tăng cường giám sát việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải công nghiệp, định kỳ mỗi năm 2 lần tổ chức lấy mẫu nước đã qua xử lý kiểm tra.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra những khu vực được coi là “điểm nóng” về nguy cơ ô nhiễm môi trường, xử phạt và buộc khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm BVMT; đẩy mạnh tuyên truyền sản xuất sạch hơn, thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc và khuyến khích, hỗ trợ các DN chuyển đổi công nghệ sản xuất hạn chế ô nhiễm môi trường.
Là đơn vị đi đầu cả nước về phát triển hạ tầng các KCN, hiện tại, Công ty CP Phát triển KCN Sonadezi có hơn 10 KCN trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, thu hút gần 800 dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Phan Đình Thám, Tổng giám đốc Công ty Sonadezi, vấn đề BVMT hướng đến phát triển bền vững tại các KCN được công ty đặc biệt quan tâm trong quá trình đầu tư. Cụ thể, các KCN đi vào hoạt động phải đảm bảo các tiêu chuẩn về hạ tầng giao thông, khu xử lý nước thải, khu thu gom chất thải rắn, kể cả công trình tiện ích. DN vào KCN hoạt động phải cam kết tuân thủ pháp luật về BVMT trong sản xuất và hậu sản xuất. Ngoài ra, quá trình DN hoạt động, công ty luôn theo dõi sát sao về vấn đề nước thải, chất thải, khí thải; kịp thời thông báo cho các nhà máy, cơ quan chức năng kịp thời xử lý khi có sự cố.
Sau thành công ở giai đoạn 1, mới đây, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai (chủ đầu tư hạ tầng) cũng tiến hành mở rộng thêm 500ha giai đoạn 2 KCN Long Khánh (TP.Long Khánh) và 70ha giai đoạn 2 KCN Dầu Giây (H.Thống Nhất). Dự kiến, đến năm 2025, công ty chuyển đổi khoảng 2 ngàn ha cao su sang đầu tư hạ tầng KCN và xã hội.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai cho rằng, thành công hiện nay của 2 KCN này có vai trò của việc làm tốt công tác BVMT. Hiện tại, cả 2 KCN đều có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn A, có khu xử lý chất thải rắn. Các DN hoạt động trong KCN đều tuân thủ khá tốt quy định về môi trường.
Hướng đến phát triển bền vững
Mặc dù là địa phương tiên phong và đầu tư lớn cho công tác BVMT ở KCN, tuy nhiên, do phát triển công nghiệp sớm, tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, có những giai đoạn phát triển “nóng” nên hạ tầng cho BVMT theo tiêu chuẩn phát triển công nghiệp xanh, sạch và bền vững cần có lộ trình.
Tính đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai có 31/31 KCN có DN hoạt động đã hoàn thành đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung với tổng công suất thiết kế là gần 172 m3/ngày đêm, nhưng mới có 25/31 khu xử lý nước thải đi vào vận hành và tổng lượng nước thải phát sinh thực tế được đấu nối, xử lý tại các khu xử lý tập trung là 91,1/120,6 ngàn m3/ngày đêm. Còn 6 KCN có lượng nước thải ít, không ổn định chưa đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; nhiều DN nằm ngoài phạm vi KCN chưa đầu tư hệ thống xử lý theo lượng thải phát sinh thực tế, một số DN nằm trong KCN nhưng có lượng nước thải phát sinh ít được cấp phép xả thải.
Lãnh đạo Sở TN-MT cho rằng, thời gian qua, bên cạnh đầu tư việc giám sát chặt chẽ nước thải tại các KCN, tỉnh đang gấp rút hoàn thành việc di dời các nhà máy trong nôi ô, khu dân cư, về các khu, cụm công nghiệp. Thực hiện Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13-5-2019 của Chính phủ về thi hành Luật BVMT, Sở đã và đang tiến hành rà soát các đơn vị sản xuất, kinh doanh có lưu lượng nguồn thải (nước, khí) lớn yêu cầu lắp đặt quan trắc tự động, kết nối dữ liệu về Sở theo dõi. Tính đến cuối năm 2019, có 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh có quy mô xả thải trên 1 ngàn m3 nước/ngày đêm và 64 cơ sở phát sinh khí thải thuộc đối tượng bắt buộc đã lắp đặt hệ thống quan trắc thải tự động và truyền dữ liệu về Sở.
Dự kiến, giai đoạn 2021-2030 Đồng Nai có thêm 8 KCN mới và mục tiêu phát triển công nghiệp xanh vẫn được duy trì, do đó, tỉnh yêu cầu Sở TN-MT, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải. Chủ đầu tư các KCN phải đảm bảo đồng bộ hạ tầng trước khi mời gọi doanh nghiệp, theo dõi, hỗ trợ DN thực hiện các quy định về BVMT. Riêng các KCN có lượng nước thải lớn, ổn định bắt buộc phải lắp trạm quan trắc tự động và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở TN - MT nhằm quản lý, bảo vệ môi trường được tốt hơn. Trong thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án không gây hại đến môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ít lao động.
Lê An