[In trang]
Nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công túi nylon tự hủy từ nhựa phế thải
Chủ nhật, 24/05/2020
Từ thành công chế tạo hạt nhựa có khả năng phân hủy sinh học, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tìm cách tạo ra túi từ nhựa phế thải.
Sau hai năm, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã hợp tác với DN cho ra đời sản phẩm túi đựng từ nhựa phế thải HDPE có khả năng phân hủy.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã tìm hiểu đặc tính của nhựa HDPE, loại nhựa phế thải phổ biến ở Việt Nam. Nhựa này được xử lý, trộn đều với các chất phụ gia xúc tiến oxy hóa gồm muối và hợp chất kim loại, chất độn nhằm phá vỡ cấu trúc ban đầu của nhựa, khiến các liên kết carbon bị yếu đi. Tiếp đến là công nghệ đùn thổi, ép, kéo... tạo thành túi đựng. Sản phẩm cuối cùng có khả năng tự phân hủy sau khi thải ra môi trường.
Sản phẩm được thử nghiệm sản xuất thành công với công suất bước đầu 30kg/h.
So với các loại túi nylon thông thường, túi tự hủy này có đặc tính bền và co dãn hơn 5,06%. 
Nhằm xác thực độ phân hủy, sản phẩm đã được chôn thử nghiệm. Kết quả, sau 12 tháng, túi đã gần như phân hủy hoàn toàn với tỷ lệ 70%-100%. Theo báo cáo, thời gian phân hủy sản phẩm từ 1-3 năm, tùy thuộc vào độ dày của túi.
Theo TS. Nguyễn Trung Đức, trưởng nhóm nghiên cứu, khác với những sản phẩm tương tự trên thị trường khi phân hủy sẽ tạo ra những mảnh nhỏ dễ lẫn vào nước và không khí, sản phẩm này khi loại bỏ sẽ từ từ chuyển hóa thành nước và khí CO2, dễ dàng thẩm thấu dưới đất, đem lại dinh dưỡng cho cây trồng. Đặc biệt, túi sẽ được phân hủy hoàn toàn trong vòng 7-8 tháng nếu được ngâm trong bùn hoạt tính và phân trộn.
Nghiên cứu đã mở ra triển vọng tận dụng lượng nhựa phế thải đang gây ô nhiễm môi trường để sản xuất sản phẩm hữu ích, đồng thời, góp phần thực hiện chủ trương sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, thay thế cho sản phẩm truyền thống. Trên cơ sở công nghệ, thiết bị đã được xây dựng trong đề tài, có thể ứng dụng để sản xuất các túi phân hủy sinh học cho các lĩnh vực khác, như bao gói thực phẩm, đóng gói thuốc, bầu ươm cây ứng dụng trong ngành nông nghiệp...
Hiện công nghệ đã được thử nghiệm tại Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung (Hà Nội) với công suất 30kg/giờ. 
Xuân Nghị