[In trang]
Bắc Ninh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Thứ năm, 14/05/2020
Tỉnh Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp (KCN) tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, trong đó 10 KCN đã đi vào hoạt động; cùng 62 làng nghề và 22 cụm công nghiệp (CCN).
Bắc Ninh phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Sử dụng pin mặt trời giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh
Áp lực kinh tế đè nặng lên môi trường
Sự phát triển của các loại hình nêu trên đã giúp Bắc Ninh tạo được sức bật mạnh mẽ, trở thành tỉnh kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên, bên cạnh đó là vấn đề môi trường ở các KCN, làng nghề đang bị ảnh hưởng nặng nề. 
Kết quả quan trắc chất lượng môi trường những năm qua cho thấy, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các CCN làng nghề rất nghiêm trọng. Nước thải tại các CCN hầu hết đều không được thu gom và xử lý. Các cơ sở sản xuất trong các làng nghề cơ bản đều có công trình xử lý chất thải, hoặc có nhưng không vận hành thường xuyên. Vì vậy môi trường tại một số làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng. Kết quả phân tích chất lượng nước, không khí tại một số làng nghề vượt quy chuẩn Việt Nam nhiều lần.
Cụ thể, tại làng nghề giấy Phong Khê, hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép đến 2,14 lần, hàm lượng SO2 vượt quy chuẩn cho phép đến 1,39 lần. Tại làng nghề sắt thép Châu Khê, hàm lượng bụi vượt quy chuẩn cho phép đến 1,9 lần, hàm lượng SO2 vượt quy chuẩn cho phép đến 2 lần. Chất lượng môi trường nước (nước mặt, nước thải, nước ngầm) đều bị ô nhiễm với các mức độ khác nhau, có những nơi vượt quy chuẩn hàng chục lần.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh, người dân ở làng Phong Khê cho biết, người dân ở đây ngày nào cũng phải ngửi mùi khét lẹt, nhiều hôm đóng kín hết cửa mà mùi khó chịu vẫn lùa vào nhà, rất ngột ngạt khó thở. 
Xử lý ô nhiễm
Ðể khắc phục những bất cập trên, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư xây dựng 550 điểm tập kết chất thải sinh hoạt tại các thôn; 100% thôn, xã đã thành lập được các tổ, đội thu gom chất thải từ hộ gia đình đến điểm tập kết.
Toàn tỉnh hiện có 8 đơn vị vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết về các khu xử lý chất thải tập trung cấp huyện với tổng số 31 xe chuyên dụng. Các xe đều đã được gắn các thiết bị định vị (GPS) để kiểm soát lộ trình thu gom; tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt toàn tỉnh đạt hơn 90%. 
Tỉnh đã và đang thực hiện xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực xử lý chất thải. Hiện khu vực xử lý tập trung ở ba khu, có 10 lò đốt. Đồng thời tỉnh cấp chủ trương đầu tư cho hai dự án xử lý chất thải sinh hoạt tập trung công nghệ cao phát năng lượng. Dự kiến đến năm 2021 tỉnh sẽ đảm bảo xử lý cơ bản chất thải phát sinh trên địa bàn khi các nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung công nghệ cao đi vào hoạt động.
Trong tổng số 62 làng nghề trên địa bàn, làng nghề sản xuất giấy Phong Khê được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1) với công suất 5.000 m3/ngày; làng nghề bún Khắc Niệm được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 400 m3/ngày. Còn lại hầu hết các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tại các CCN, mới chỉ hoàn thành, đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải CCN đa nghề Ðông Thọ với công suất 300 m3/ngày và hệ thống xử lý nước thải CCN Tân Chi với công suất 3.200 m3/ngày.
Ðến nay, 9 trong số 10 KCN đang hoạt động cơ bản đã thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và xử lý nước thải nói riêng, chủ đầu tư hạ tầng KCN đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường (hệ thống thu gom và thoát nước mưa, nước thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung...).
8 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ðối với công tác khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường liên quan phát triển kinh tế sao cho hiệu quả nhất, đối với các làng nghề, vấn đề được quan tâm hiện nay là cần tăng cường rà soát các điều kiện bảo vệ môi trường. Xây dựng kế hoạch phát triển làng nghề, kế hoạch chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển và gây ô nhiễm môi trường.
Ðối với các KCN, yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN trước khi đi vào hoạt động phải đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành hệ thống xử lý nước thải, kịp thời xử lý khi phát hiện các chỉ tiêu vượt ngưỡng; lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tự động để theo dõi thường xuyên, liên tục chất lượng nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh sẽ triển khai thanh tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất trong KCN vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Ðồng thời, hạn chế việc cấp đăng ký đầu tư đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong KCN; thu hồi đăng ký đầu tư đối với các đơn vị trong KCN vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường khi có đề nghị của các cơ quan chuyên môn.
Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường, bố trí nguồn vốn đầu tư các công trình xử lý môi trường khu vực công ích, giải quyết các vấn đề môi trường tồn đọng. Một số chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, các quy định về bảo vệ môi trường đối với KCN, CCN, làng nghề và khu vực nông thôn đã được điều chỉnh, bổ sung phù hợp tình hình thực tế... 
Thái Sơn tổng hợp