Trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của đất nước, ngành công nghiệp sản xuất bia đang phát triển mạnh mẽ. Áp lực cạnh tranh giữa các đối thủ trong thị trường ngày càng khốc liệt. Các đối thủ trong thị trường vận dụng mọi phương pháp để phát triển tiêu thụ sản phẩm của mình. Trong những biện pháp đó, việc tiết kiệm chi phí sản xuất để tăng cường lợi nhuận, giảm giá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm là một vấn đề được các công ty rất quan tâm và chú trrọng thực hiện gắt gao.
Tiết kiệm đã được Chính phủ và Bộ công nghiệp (nay đổi tên thành Bộ Công Thương) ban hành thành nghị định, thông tư, các chương trình và yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành nghiêm túc thực hiện. Đối với Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, một trong số những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành, vấn đề tiết kiệm được Hội đồng quản trị, Ban lãnh đạo rất quan tâm và đã cho thành lập Ban chỉ đạo thực hiện tiết kiệm, xây dựng chương trình tổng quát, triển khai cụ thể đến các đơn vị. Việc thực hiện chương trình tiết kiệm cũng là một nhiệm vụ quan trọng được quy định trong hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000 và hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2004 đang được áp dụng trong Tổng công ty.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, từ đầu vào nguyên liệu cho đến khi sản phẩm ra đến thị trường đến tới khách hàng có rất nhiều khâu có thể thực hiện việc tiết kiệm. Tiềm năng tiết kiệm hợp lý hóa là rất lớn, từng bộ phận chuyên môn phụ trách từng mảng công việc mạnh dạn nghiên cứu, từng bước thay đổi hoặc lập những phương án tổng thể với mục đích tối ưu hóa sẽ đem lại nhiều lợi ích từ việc tiết kiệm.
Trong sản xuất, giải pháp tiết kiệm được triển khai tập trung vào những những vấn đề chính sau:
- Tiết kiệm điện
- Tiết kiệm môi chất sử dụng: nước, khí nén, CO2, hơi bão hòa, hóa chất
- Vận hành hợp lý và hiệu quả thiết bị, tăng năng suất, giải quyết các điểm thắt nút cổ chai trong dây chuyền sản xuất.
- Tiết kiệm nguyên vật liệu, vật tư sản xuất.
- Tiết kiệm nhân lực.
Để thực hiện được toàn bộ các vấn đề trên cần có thời gian và thực hiện từng bước đặc biệt là các vấn đề liên quan đến vận hành hợp lý và hiệu quả thiết bị, tiết kiệm nguyên vật liệu và tiết kiệm nhân lực. Điều quan trọng nhất là cần nâng cao ý thức tiết kiệm của toàn thể cán bộ công nhân viên trong Tổng công ty thông qua: chương trình tiết kiệm, khẩu hiệu cổ động, huấn luyện nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức tiết kiệm, các đợt thi đua, các đề tài giải pháp, khen thưởng thành tích đạt được.
Đối với khâu quản lý và vận hành thiết bị, Phòng Kỹ thuật cơ điện đã lập phương án trên cơ sở phối hợp chặt chẽ cùng các Xí nghiệp chế biến, thành phẩm, động lực, cơ điện và triển khai theo chuỗi giải pháp sau:
1. Tiết kiệm điện: sử dụng triệt để đèn tiết kiệm điện tại các vị trí chiếu sáng, tắt bớt những đèn không cần thiết; một số khâu có thể tiết giảm năng lượng điện: dùng biến tần cho động cơ máy nén lạnh của hệ thống lạnh; động cơ bơm tải lạnh, nước, glycol, ...; xây dựng phương án giảm máy chạy vào giờ cao điểm (từ 18h-22h) để giảm áp lực với hệ thống điện và giảm chi phí; xây dựng phương án dùng khí mê tan từ xử lý nước thải còn chưa được thu hồi tận dụng để sinh hơi hoặc phát điện.
2. Nước: sử dụng vòi phun rửa tiết kiệm nước cho vệ sinh công nghiệp, nâng cao ý thức tiết kiệm nước; sử dụng hóa chất tẩy rửa (loại có thể phun phủ lên thiết bị một thời gian trước khi rửa bằng nước) để giảm nước sử dụng; nước nóng dư thừa từ quá trình nấu được tận dụng cho các nhu cầu, đưa về hệ thống xử lý nước nếu còn thừa.
3. Hơi, nước ngưng: tận dụng nước ngưng thu hồi để giảm lượng dầu FO; xử lý những vị trí rò rỉ hoặc bảo ôn hỏng, giảm tiêu hao.
4. Khí nén: sử dụng ở áp suất hợp lý tránh sử dùng quá cao; xử lý những điểm rò rỉ, tránh tiêu hao.
5. Lạnh: sử dụng nước mềm cho hệ thống lạnh và thu hồi CO2 giảm đóng cặn canxi (gián tiếp làm giảm tiêu thụ điện năng); sử dụng lạnh tiết kiệm, đóng cửa hầm khi không có người ra vào, đóng cửa kho lạnh khi không nhập xuất hàng, ...; vận hành hệ thống lạnh ở nhiệt độ của chất tải lạnh hợp lý; công suất lạnh 2 còn dư thừa sẽ được đưa sang lạnh 1 thiếu; các phòng được điều hòa cần được đặt nhiệt độ hợp lý, giảm tiêu hao điện.
6. Hóa chất: Thiết kế hệ thống thu hóa chất xút từ máy rửa nhà chai dùng cho xử lý khói thải và khu vực xử lý nước thải giảm tiêu hao hóa chất, giảm chi phí xử lý.
7. Thu hồi các phụ phẩm trong sản xuất: Thu gom và bán men thải cho chăn nuôi, xây dựng phương án thu và xử lý triệt để nhằm giảm thiểu chi phí của hệ thống xử lý nước thải, và thu tiền từ bia thu hồi và bán bã men.
Trong khi thực hiện tiết kiệm nhận thấy còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục như sau:
- Nâng cao ý thức tiết kiệm của toàn thể CBCNV
- Ban chỉ đạo tiết kiệm cần đưa ra các chương trình cụ thể hơn, giao cho các đầu mối xây dựng và thực hiện, báo cáo kết quả theo kỳ, có tổng kết khen thưởng.
- Lập mạng lưới cán bộ kiêm nhiệm có trình độ kinh nghiệm, sát với từng khu vực sản xuất kinh doanh để xây dựng chương trình và triển khai có hiệu quả.
- Việc tiết kiệm cần được tính toán thiết kế ngay từ khi xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh hoặc dự án đầu tư trên cơ sở cân đối giữa chi phí đầu tư và chi phí vận hành.
Trên đây là những giải pháp tiết kiệm mà Tổng công ty đã đang và sẽ tiếp tục được triển khai trong sản xuất phục vụ mục tiêu tiết kiệm chung nhằm tăng năng lực cạnh tranh, phát triển sản xuất bền vững cùng với bảo vệ môi trường xã hội xứng đáng với truyền thống của Tổng công ty: “Một nét văn hóa Hà Nội”.