Các nhà hoạt động môi trường biểu tình gây áp lực hành động với BP tại Anh Quốc
BP: Lời hứa “trung hòa cacbon”
Tập đoàn Anh BP muốn đạt mục tiêu “trung hòa cacbon” vào năm 2050. Cam kết này liên quan đến những phát thải gây ô nhiễm từ các hoạt động của BP, cũng như mọi vấn đề liên quan đến khai thác và sản xuất dầu, khí đốt.
Ông lớn này cũng bắt đầu thực hiện các biện pháp nhằm giảm 50% nồng độ cacbon trên các sản phẩm (khối lượng khí nhà kính thải ra trên mỗi đơn vị năng lượng) và giảm lượng khí thải mêtan (một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn so với CO2) trong tất cả các hoạt động sản xuất đến năm 2050.
Ông Bernard Looney, Giám đốc điều hành mới của BP, đã phát biểu trước phóng viên sẽ xây dựng lại mối quan hệ với các hiệp hội vận động hành lang của ngành để bảo đảm rằng những cam kết về khí hậu.
Mặc dù lời hứa này chưa nói lên được gì nhiều, nhưng với sự siết chặt luật lệ của EU và quan sát sít sao của các tổ chức môi trường và xã hội, BP chắc chắn sẽ phải làm một điều gì đó.
Royal Dutch Shell: Đầu tư vào năng lượng sạch
Tập đoàn Anh - Hà Lan Royal Dutch Shell là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của BP. Họ sẵn sàng giảm 50% lượng khí thải cacbon vào năm 2050 và cam kết tập đoàn có thể phát triển thịnh vượng nhờ quá trình chuyển đổi năng lượng.
Royal Dutch Shell có kế hoạch đầu tư vào các dự án năng lượng sạch hoặc có lượng khí thải cacbon thấp (điện, gió, mặt trời, nhiên liệu sinh học, hydro) 2-3 tỉ USD mỗi năm trong giai đoạn 2021-2025, tương đương khoảng 10% tổng vốn đầu tư và dự định sẽ trở thành công ty điện lực lớn nhất thế giới vào năm 2030.
Total: Khuyến khích trồng rừng
Tập đoàn Pháp coi trọng đầu tư của mình vào lĩnh vực khí đốt, điện ít phát thải cacbon, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời mong muốn khuyến khích các biện pháp trồng và bảo vệ rừng để hấp thụ CO, cũng như giải pháp CCUS (giải pháp thu giữ và lưu trữ CO2).
Total muốn hạn chế khí thải từ các hoạt động khai thác và sản xuất của mình, đặc biệt là giảm khí mêtan, đồng thời phát triển quá trình chuyển đổi năng lượng, giám đốc điều hành Total Patrick Pouyanné cho biết.
ExxonMobil: Công nghệ thu giữ CO2
Tập đoàn dầu khí Mỹ không đưa ra bất cứ cam kết nào có ý nghĩa mà chỉ cho biết rằng họ muốn đầu tư vào công nghệ thu giữ CO2, hợp tác với Công ty FuelCellEnergy và liên kết với các trường đại học. Các dự án đầu tư dầu khí của ExxonMobil ngày căng tăng. Tháng 10-2018, tập đoàn tuyên bố sẽ chi 1 triệu USD trong 2 năm để thúc đẩy thuế cacbon của Mỹ.
Chevron: Muốn thải ít khí nhà kính
Là đối thủ cạnh tranh của ExxonMobil, Chevron đang tụt hậu về các giải pháp khí hậu và hơn hết là làm sao để thu giữ CO2. Chevron mong muốn thải ra ít khí nhà kính hơn và muốn trở thành thành viên của OGCI (Sáng kiến khí hậu trong ngành Dầu khí). OGCI quyên góp hàng tỉ USD để làm giảm khí thải nhà kính trong ngành Dầu khí.
Eni: Đa dạng hóa năng lượng tái tạo
CEO Eni trả lời về kế hoạch năng lượng tái tạo. Nguồn: Bloomberg
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với nhật báo kinh doanh Italia Il Sole 24 Ore cuối tháng 10-2019, người đứng đầu Tập đoàn Eni, Claudio Descalzi, nhấn mạnh "Đa dạng hóa trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và trong nền kinh tế tuần hoàn là vấn đề cơ bản và Eni đã bắt đầu đi con đường này". Nhà lãnh đạo Eni lưu ý rằng, trong 3 năm tới, Eni sẽ đầu tư 1 tỉ euro cho nghiên cứu và phát triển và 3 tỉ euro trong các dự án khử cacbon bao gồm: Xây dựng các cơ sở chuyển đổi chất thải hữu cơ đô thị thành năng lượng, xử lý nhựa không thể tái chế, chiết xuất metanol hoặc hydro, phát triển lọc hóa dầu ở Italia.
Equinor: Mục tiêu khí hậu táo bạo
Tháng 2-2020, Tập đoàn Equinor (có 67% cổ phần thuộc quyền sở hữu nhà nước Na Uy) cho biết họ có các mục tiêu khí hậu rất táo bạo. Equinor hướng đến mục tiêu “trung hòa cacbon” cho tất cả các hoạt động khai thác và sản xuất của tập đoàn trên toàn thế giới vào năm 2030, giảm ít nhất 50% nồng độ cacbon vào năm 2050 và tăng gấp 10 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2026.
Tháng 1-2020, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính ngành Dầu khí thế giới có thể làm được nhiều điều hơn nữa để ứng phó với khủng hoảng khí hậu và yêu cầu tuân thủ các thỏa thuận trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Trong một báo cáo được công bố vào ngày 26-2, tổ chức phi chính phủ WWF cảnh báo rằng, nếu không hành động vì khí hậu, nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050 có thể bị thiệt hại 479 tỉ USD do mất diện tích đất nông nghiệp và xói mòn các bờ biển.
Dạ Thảo tổng hợp