[In trang]
Đến thời phát triển doanh nghiệp bền vững
Thứ tư, 15/04/2020
Quản trị doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu; và doanh nghiệp chỉ có thể thành công bền vững khi xây dựng được mô hình kinh doanh mang lại giá trị lâu bền cho cộng đồng.
Quản trị doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu; và doanh nghiệp chỉ có thể thành công bền vững khi xây dựng được mô hình kinh doanh mang lại giá trị lâu bền cho cộng đồng.
Trong nền kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách sử dụng các phương thức sáng tạo nhằm tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên đã sử dụng.
Phát triển bền vững dễ nâng cao uy tín doanh nghiệp
Thế giới đang phát triển nhanh chóng nhờ vào nỗ lực cải cách, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, nhưng lại đang đối mặt với nhiều vấn đề như gia tăng khoảng cách giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu...
Một phần nguyên nhân của các vấn đề này cũng bởi sự phát triển gây nên. Vì vậy, tăng trưởng thịnh vượng đi đôi với bền vững về môi trường, hòa nhập xã hội là những trụ cột chính của các quốc gia phát triển và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Trong nền kinh tế truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên ở dạng nguyên liệu thô để tạo ra sản phẩm và dịch vụ. Sau đó, phế thải từ sản xuất và tiêu dùng được chôn lấp hoặc thậm chí thải ra môi trường.
Được công nhận "DN bền vững" sẽ giúp nhiều DN nâng cao uy tín, khẳng định giá trị thương hiệu và mở ra những cơ hội kinh doanh mới thông qua việc gia tăng lòng tin của đối tác, nhà đầu tư và cổ đông. Song song đó, DN sẽ có lợi hơn trong thu hút nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào việc phát triển kinh tế xanh.
Trên thực tế, phát triển bền vững đã giúp DN khai thác hiệu quả tài nguyên, sử dụng năng lượng hợp lý, hướng đến nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Điều này giúp DN tối ưu hóa chi phí, hạn chế những yếu tố mang tính hệ thống của vấn đề bảo vệ môi trường và nhiều vấn đề xã hội tác động đến DN.
Tăng cường tái chế
Tại Việt Nam, có không ít DN đã rất thành công trong triển khai mô hình kinh doanh bền vững.
Công ty Heineken Việt Nam áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm kiến tạo những giá trị bền vững cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng. Mô hình này không chỉ giúp giảm phát thải mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải, gần 99% phế thải hoặc phụ phẩm được tái sử dụng hoặc tái chế.
Hay như gần 100% chai bia thủy tinh được công ty thu hồi lại để tái sử dụng, trước khi được tái chế tại nhà máy thủy tinh vào cuối vòng đời sản phẩm; các nguyên vật liệu khác như nhôm, nhựa và giấy... đều được tái sử dụng hoặc tái chế. Cùng với đó, 100% nước thải đạt tiêu chuẩn an toàn loại A trước khi thải ra môi trường.
Phát triển bền vững luôn là một trong những trụ cột xuyên suốt toàn bộ chuỗi giá trị của Công ty Tetra Pak. Công ty đã hợp tác với Hội đồng Rừng Thế giới (FSC) để đảm bảo nguyên liệu giấy được khai thác từ nguồn rừng tái sinh và được kiểm soát chặt chẽ. Tại Việt Nam, gần 100% vỏ hộp giấy đựng đồ uống của Tetra Pak dán nhãn chứng nhận bảo vệ rừng FSC.
Nhà máy sản xuất vật liệu hộp giấy của Tetra Pak tại Bình Dương có khả năng tái sử dụng hơn 21 triệu lít nước một năm, tiết kiệm 36% năng lượng sử dụng và giảm phát thải 4.000 tấn CO2 một năm. Tetra Pak cũng đặt mục tiêu giới thiệu vỏ hộp giấy được làm 100% từ vật liệu có nguồn gốc thực vật vào năm 2022 và hướng tới việc toàn bộ vỏ hộp giấy đựng đồ uống sẽ được thu gom để tái chế.
Cũng phát triển kinh tế tuần hoàn, mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn trong trang trại chăn nuôi heo (COAM) của Công ty Nguyên Khôi Xanh đáng để học hỏi. DN này đã cho vật nuôi sống trong môi trường sạch sẽ, gần gũi với thiên nhiên, hạn chế tác động của hóa chất... Các phế thải của quá trình trồng trọt ngoài mô hình như rơm rạ, cỏ dại, bèo... được xử lý để làm thức ăn cho giun quế và phân bón hữu cơ.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (LBC) mới đây, ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch LBC cho rằng, Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Vấn đề phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, trọng tâm trong chiến lược của các DN trong nhiều năm trở lại đây và cũng được xem như động lực sáng tạo, tăng trưởng.
Muốn phát triển bền vững, trước hết DN phải hoạt động có trách nhiệm, phù hợp với nguyên tắc của toàn cầu, có những hành động hỗ trợ cho xã hội. Bên cạnh đó, DN phải cam kết ở cấp cao nhất, có báo cáo những nỗ lực hằng năm và tham gia gắn kết vào hoạt động tại địa phương nơi họ đang kinh doanh.
"Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và không ngừng cạnh tranh, các DN cần phải tạo lợi thế, phát triển các năng lực kinh doanh. DN sẽ thành công khi xây dựng được mô hình kinh doanh mang lại giá trị lâu bền cho cộng đồng, xây dựng tầm nhìn, chiến lược kinh doanh sáng tạo, được vận hành bởi đội ngũ nhân sự tâm huyết, đoàn kết và phát huy đúng năng lực sở trường của từng người", một chuyên gia về phát triển bền vững cho biết.
Phát triển bền vững phải hài hòa giữa ba trụ cột là tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Mọi tác động bằng quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư công trình hay bằng cơ chế chính sách... đều phải có tác động tích cực đến ba trụ cột ấy.
Thanh Ngân