Phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam
Thứ hai, 03/02/2020
Mặc dù trong năm 2019, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được bước tăng đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, ngành dệt may vẫn chưa thực sự phát triển bền vững. Để giải quyết vấn đề này, ngành dệt may cần giải quyết 3 vấn đề then chốt, trong đó có sản xuất sạch hơn.
Mặc dù trong năm 2019, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được bước tăng đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, ngành dệt may vẫn chưa thực sự phát triển bền vững. Để giải quyết vấn đề này, ngành dệt may cần giải quyết 3 vấn đề then chốt, trong đó có sản xuất sạch hơn.
3 vấn đề then chốt để phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam
Theo số liệu của Bộ Công Thương, năm 2019, ngành dệt may đạt xuất siêu với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến khoảng 39 tỷ USD, tăng 7,55% so với năm 2018. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là Việt Nam đạt thặng dư thương mại đối với sợi và hàng may mặc nhưng lại thâm hụt lớn đối với vải: Sợi sản xuất ra chủ yếu xuất khẩu, trong khi đó, vải trong nước chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu của ngành khiến Việt Nam phải nhập khẩu trên 10 tỷ USD vải các loại mỗi năm.
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những khó khăn của ngành dệt may là công nghiệp hỗ trợ: Chúng ta chưa sản xuất được vải cũng như nguyên phụ liệu đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đa dạng hóa về mặt hàng. Cùng với đó, dệt may Việt Nam chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp gia công chủ yếu làm theo chỉ định của khách hàng về nguyên phụ liệu.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, để giải quyết bài toán trên, ngành dệt may Việt Nam cần xác định rõ 3 vấn đề lớn hiện nay, để từ đó đưa ra hướng tiếp cận phù hợp.
Thứ nhất, doanh nghiệp dệt may cần được hỗ trợ để xây dựng năng lực từ gia công chuyển gia các hình thức cao hơn. Chỉ khi đó họ mới có quyền quyết định việc mua vải ở đâu, lựa chọn nhà cung cấp nào, từ đó mới phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ hiệu quả.
Thứ hai, ngành dệt may không chỉ là ngành hỗ trợ để tạo việc làm, nâng cao kim ngạch xuất khẩu quốc gia mà phải là một ngành sáng tạo. Do đó, ngành cần phải liên kết với ngành thời trang để hình thành một chuỗi giá trị hoàn chỉnh.
Cuối cùng, dệt may được coi là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng nhiều nhất và gây ô nhiễm môi trường nhất trong các ngành công nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần phải nhanh chóng tiếp cấn với các phương pháp xanh hóa, sản xuất sạch hơn để từ đó nâng cao chất lượng và năng suất sản phẩm ngành.
Xu hướng phát triển bền vững cho ngành dệt may Việt Nam
Tại buổi Đối thoại quốc tế “Phát triển bền vững ngành dệt may Việt Nam” được tổ chức ngày 14 tháng 12 năm 2019, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, phát triển bền vững đang là xu hướng được cả thế giới hướng tới trong vài thập kỷ qua và ngành dệt may Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó.
Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có 2 FTA thế hệ mới. Bên cạnh những cam kết về quy tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các nước trong nội khối FTA, doanh nghiệp cần có những cam kết rất cao về lao động và môi trường.
Những cam kết này không phải dễ thực hiện khi 80% doanh nghiệp dệt may Việt Nam là vừa và nhỏ. Ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu khá nhiều nguyên, phụ liệu từ nước ngoài để sản xuất xuất khẩu. Vì vậy, việc nắm bắt cơ hội, giải quyết thách thức để thúc đẩy phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu của Chính phủ đối với ngành dệt may Việt Nam mà còn là mục tiêu chung của nhiều bên liên quan khác.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch VITAS cho hay, từ hai năm nay, VITAS đã thành lập Ủy ban Môi trường và đã tham gia mạnh vào chương trình hành động “Xanh hóa ngành dệt may” với sự phối hợp, hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế như: Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan phát triển quốc tế Đức (GIZ), Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), Ngân hàng thế giới – chương trình nước 2030- WRG2030, Liên minh Dệt May bền vững.
Được biết, hiện nay Bộ Công Thương đang trong quá trình soạn thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn đến năm 2030. VITAS đã kiến nghị Bộ Công có một chương riêng cho phát triển bền vững; trong đó đưa ra các mục tiêu thật cụ thể của ngành đóng góp vào 17 mục tiêu chung về phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc. VITAS quyết tâm triển khai chương trình “Xanh hóa ngành dệt may" và vì một “Thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững” trở thành khẩu hiệu hành động trong toàn ngành.
Xoay quanh làm thế nào để doanh nghiệp dệt may vừa đảm bảo phát triển, vừa không ảnh hưởng môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người lao động, ông Trương Văn Cẩm cho rằng, cần tập trung vào nhiều khâu từ trồng bông, kéo sợi, đến may mặc. Trong các khâu đó phải bắt đầu từ các dự án, nhà máy… và ngay từ đầu phải đầu tư sản xuất bền vững.
Hương Trà