Nỗ lực bảo vệ môi trường: Ghi nhận từ Nhiệt điện Ninh Bình
Thứ sáu, 31/01/2020
Ngày 13/1, kiểm tra công tác đảm bảo cung ứng điện và bảo vệ môi trường tại nhà máy nhiệt điện Ninh Bình (Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình), lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (KTAT&MTCN)- Bộ Công Thương khẳng định: dù còn nhiều khó khăn song nhất thiết không được xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Ngày 13/1, kiểm tra công tác đảm bảo cung ứng điện và bảo vệ môi trường tại nhà máy nhiệt điện Ninh Bình (Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình), lãnh đạo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (KTAT&MTCN)- Bộ Công Thương khẳng định: dù còn nhiều khó khăn song nhất thiết không được xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Từ nỗ lực của doanh nghiệp…
Cho biết, dù Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình được xây dựng và đưa vào hoạt động từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước với công nghệ cũ, được xây dựng trong thời kỳ chiến tranh nên việc đồng thời đảm bảo công tác vận hành cung ứng điện và bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn, song, ông Trịnh Văn Đoàn - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình – khẳng định, công ty đã nỗ lực thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về môi trường, đồng thời, chủ động thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc dành nguồn lực nhất định để đầu tư xây dựng, trang bị thiết bị xử lý chất thải (tro, xỉ, nước và khí thải).
Ông Trần Anh Tấn (bên phải): Dù còn khó khăn, song việc đảm bảo môi trường cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư hơn nữa, có phương án phòng, chống và xử lý kịp thời nhưng tình huống môi trường có thể xảy ra trong quá trình hoạt động
Cũng theo ông Đoàn, nhằm chuẩn hóa hoạt động bảo vệ môi trường, hàng năm, công ty đều phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành đo đạc, phân tích, kiểm tra môi trương và lập Bảo cáo kiểm soát ô nhiễm môi trường. Các kết quả quan trắc môi trường xung quanh khu vực sản xuất đều đạt tiêu chuẩn theo quy định.
Chi tiết hơn, ông Đoàn cho biết, Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình có công suất thiết kế là 100 MW với 4 tổ lò máy (4 X 25 MW) với lò hơi sử dụng công nghệ đốt than phun truyền thống, nhiên liệu là than Anthracite khu vực Hòn Gai - cẩm Phả - Quảng Ninh.
“Là nhà máy sử dụng công nghệ cũ. Hơn nữa, ở thời điểm đầu thập kỷ 90, do nguồn điện Quốc gia luôn trong tình trạng thiếu nên nhà máy phải vận hành hết công suất nên không có điều kiện củng cố, sửa chữa kịp thời. Do đó, nhà máy nằm trong danh sách những đơn vị phải cải tạo và áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường” – ông Đoàn nói và cho biết, xác định nhiệm vụ sản xuất, cung cấp điện phải đảm bảo các quy định ngày càng khắt khe về môi trường, liên tục từ năm 1996 đến nay, công ty đã tập trung triển khai nhiều hạng mục phục hồi, cải tiến, nâng cấp thiết bị, đầu tư công nghệ bảo vệ môi trường.
Làm rõ hơn, ông Nguyễn Đức Hiến – Trưởng phòng An toàn môi trường – thông tin, công ty đã phối hợp với Viện Năng lượng cải tiến các bộ vòi đốt lò sang kiểu vòi đốt UD (Công trình "Nghiên cứu, thiết kế, ứng dụng vòi phun đốt than bột dạng UD cho lò hơi Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình do Viện năng lượng thực hiện – PV) đã giúp nâng cao hiệu suất lò và giảm thiểu phát thải khí NOx trong khói thải. Từ năm 1998 đến năm 2000, công ty đã đầu tư lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống khử bụi tĩnh điện với công nghệ tiên tiến, đạt hiệu suất 99,21%. Tháng 9/2016 đến tháng 4/2019, công ty đã đầu tư thay mới 3 tuabin số 1, 2 và 3 nâng công suất từ 25 MW lên 27 MW, hiệu suất tuabin từ 28% nâng lên 31,6%, giúp giảm tiêu hao nhiệt đồng nghĩa với việc giảm bớt phát thải.
“Đặc biệt, tại các vị trí có nhiệt độ cao đã được trang bị thiết bị cách nhiệt theo tiêu chuẩn quốc tế, giảm tối đa nhiệt tỏa ra môi trường xung quanh” – ông Hiến nói và bổ sung, công ty cũng đã lắp đặt thành công hệ thống giảm âm cho toàn bộ 12 van an toàn của 4 lò hơi và 4 van xả quá nhiệt, đảm bảo mỗi khi sự cố hệ thống lưới điện ảnh hưởng đến nhà máy hay khi thử bảo vệ các lò hơi sau đại tu sửa chữa và khi đốt lò sẽ không gây tiếng ồn.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, công ty đã đầu tư lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống giám sát môi trường khí thải tự động từ tháng 7/2018. Đồng thời phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Ninh Bình trong việc cung cấp các hồ sơ thực hiện cung cấp số liệu đo giám sát truyên trực, tuyến liên tục về Sở TNMT phục vụ công tác giám sát.
Với tro xỉ, công ty đã xây dựng đề án xử lý và tiêu thụ tro xỉ gửi các cơ quan chức năng, đến ngày 11/12/2018, công ty được Viện khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp “Giấy chứng nhận hợp chuẩn” chứng nhận đáp ứng các điều kiện sử dụng làm vật liệu san lấp. Hiện nay, tro xỉ của nhà máy cơ bản được khai thác hết, không tồn đọng, không gây phát tán, ảnh hường đến môi trường.
“Công ty chúng tôi đã thuê tư vấn lập hồ sơ mời thầu dự án khắc phục ô nhiễm và giám sát môi trường khí quyển với nội dung chính là lắp đặt bộ khử khí S02. Hiện đơn vị đang chờ văn bản quyết định chính thức của cơ quan chức năng để thực hiện” – Ông Hiến cho biết.
… đến những kiến nghị
“Cùng với nhiệt điện Uông Bí, Phả Lại, nhiệt điện Ninh Bình là một trong số ít những nhà máy nhiệt điện than đầu tiên của cả nước” – Nhắc lại thời điểm xây dựng và đưa vào vận hành, ông Trịnh Văn Đoàn nhấn mạnh, công nghệ cũ, hiệu suất không cao, nguồn phát thải lớn… nên có thời điểm làm ảnh hưởng môi trường.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của Nhà nước, các Bộ, ngành trong việc khôi phục các nhà máy điện, trong đó có nhà máy nhiệt điện Ninh Bình đi kèm với công tác nâng cấp trang thiết bị, đầu tư hiện đại hoá, chuẩn hoá hệ thống xử lý môi trường, đến nay, nhiệt điện Ninh Bình đã cơ bản đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện than.
Ông Trịnh Văn Đoàn nêu ý kiến tại buổi làm việc
“Tuy nhiên, theo quy định tại Quy chuẩn Việt Nam số 22/2009/QC-BTNMT ban hành kèm theo Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16/11/2009 quy định về khí thải công nghiệp nhiệt điện thì đến ngày 01/1/2015 các đơn vị phát điện phải hoàn thành khắc phục ô nhiễm môi trường, cụ thể là hệ thống xử lý khí thải S0x, C0x. Tuy nhiên, chi phí đầu tư hệ thống xử lý này là khá lớn, trong khi hiện chưa có quy định về việc các đơn vị phát điện được tính toán khoản chi phí này vào giá thành bán điện” – Ông Đoàn nói và cho biết, đây là một trong những khó khăn, vướng mắc của nhiều nhà máy nhiệt điện, trong đó có nhiệt điện Ninh Bình.
Cùng đó theo ông Đoàn, Quy chuẩn Việt Nam số 22/2009/QC-BTNMT quy định theo hướng “hồi tố” về vấn đề xử lý khí phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện xây dựng và đưa vào vận hành và đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường trước thời điểm ban hành Quy chuẩn. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho các nhà máy nhiệt điện trong việc tuân thủ Quy chuẩn.
“Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng không “hồi tố” đối với các nhà máy nhiệt điện xây dựng và vận hành trước thời điểm Quy chuẩn có hiệu lực” – Ông Đoàn đề xuất và cho biết thêm, hiện có không ít nhà máy nhiệt điện đã hết khấu hao nhưng theo Quy chuẩn này vẫn buộc phải xây dựng Hệ thống FGD (FLUE GAS DESULFURIZATION- hệ thống loại bỏ C0x và SOx phát sinh trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là trong quá trình sử dụng nhiên liệu hoá thạch, như: than đá, dầu, khí… - PV) là chưa hợp lý.
Tại buổi làm việc, ông Trần Anh Tấn – Phó Cục trưởng Cục KTAT&MTCN – ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình trong việc vận hành ổn đình nhà máy và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.
Cho rằng, với tuổi thọ tới hơn 47 năm, việc vận hành ổn định, đảm bảo công suất phát điện theo huy động vận hành là cố gắng lớn, ông Tấn nhấn mạnh, công ty cũng đã chủ động bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc dành nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống trang thiết bị xử lý chất thải nhằm bảo vệ môi trường cần được nhìn nhận và đánh giá đúng.
Tuy nhiên, ông Tấn cũng lưu ý, dù còn khó khăn, song việc đảm bảo môi trường cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư hơn nữa, nhất là việc đảm bảo vận hành hiệu quả, có phương án phòng, chống và xử lý kịp thời nhưng tình huống môi trường có thể xảy ra trong quá trình hoạt động.
“Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế” – ông Tấn nhắc lại chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ và đề nghị, Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình cần quyết liệt hơn trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó việc phối hợp với các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, nhất là chính quyền và nhân dân nơi nhà máy đứng chân là hết sức quan trọng.
Ông Phạm Trọng Thực (bên phải): Chính sách có thể còn có những bất hợp lý trong thực tế, song không vì thế mà công tác bảo vệ môi trường bị xem nhẹ trong mọi tình huống
Nhấn mạnh thêm, ông Tấn nói: “Công tác đo đạc, quan trắc môi trường cần được thực hiện đồng thời công khai kết quả quan trắc và thông tin, tuyên truyền để dư luận hiểu, tạo sự đồng thuận là hết sức quan trọng”.
Trước những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục KTAT&MTCN – khẳng định, Cục KTAT&MTCN ghi nhận và sẽ sớm có báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương để có ý kiến, kiến nghị với các Bộ, ngành hữu quan xem xét, xử lý theo hướng tạo thuận lợi nhất cho các nhà máy nhiệt điện than, trong đó có nhà máy nhiệt điện Ninh Bình.
Tuy nhiên, ông Thực cũng nhấn mạnh: “Chính sách, cụ thể là Quy chuẩn Việt Nam số 22 có thể còn có những bất hợp lý trong thực tế, song không vì thế mà công tác bảo vệ môi trường bị xem nhẹ trong mọi tình huống”.
Theo Báo Công Thương